Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá năm 2024 đã đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược diễn ra phức tạp, tạo ra sức ép là rất lớn để duy trì chuỗi cung ứng.
Xuất khẩu hơn 400 tỉ USD
“Kết quả đạt được quan trọng cho thấy chúng ta đã vượt khó đi lên, đóng góp vào mục tiêu chung. Việc đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu là cố gắng lớn, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng không phải dễ dàng. Trước đây cố gắng chật vật lắm chỉ 5%, nhưng giờ đi đâu người ta cũng ca ngợi chúng ta là điểm sáng” – Phó Thủ tướng bày tỏ.
Có được những kết quả trên, theo đánh giá của ông Sơn, có sự đóng góp của ngành Công Thương. Đặc biệt trong việc tạo ra đột phá trong thể chế, cơ chế chính sách, tham mưu trong tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tháo gỡ dự án năng lượng tái tạo…
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ là động lực chính cho tăng trưởng. Thúc đẩy xuất nhập khẩu đạt gần 800 tỉ USD, trong đó xuất khẩu vượt 400 tỉ USD, khai thác hiệu quả các FTA. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán.
Tạo không gian cho phát triển
Nhìn nhận năm 2025 nhiều thách thức ngày càng tăng và với tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, ông Sơn cho rằng để đạt mục tiêu phát triển, thì tốc độ tăng trưởng phải đạt ở mức hai con số, đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Vì vậy cần giải pháp, giải phóng nguồn lực và ngành Công Thương cần có vai trò tiên phong cho phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ, ngành cần tập trung tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cho đầu tư, kinh doanh, gắn với hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các thể chế, chính sách.
Phát triển ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao, phát thải carbon thấp, thúc đẩy trọng tâm vào các ngành công nghiệp trọng điểm, hệ sinh thái công nghiệp hydrogen, công nghiệp phụ trợ, mời gọi đầu tư, thúc đẩy R&D, đảm bảo cung ứng điện và thúc đẩy các nguồn điện mới….
Tăng xúc tiến thương mại, củng cố thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, chuẩn bị nguồn hàng, chống gian lận xuất xứ, hàng giả hàng nhái…
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ kịp thời thể chế hóa chính sách pháp luật, tạo dư địa và nguồn lực mới cho phát triển. Đặc biệt là các chính sách liên quan tới năng lượng tái tạo, phát triển thị trường điện cạnh tranh, điện khí, điện gió ngoài khơi, giá điện hai thành phần…
Đẩy mạnh triển khai dự án công nghiệp, năng lượng trọng điểm tạo dư địa cho phát triển. Tăng hội nhập kinh tế quốc tế, đón đầu dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, nâng cao kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ để nâng sức cạnh tranh.
Về sắp xếp tinh gọn bộ máy, ông Diên nhấn mạnh sẽ triển khai có hiệu quả, dù đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm. Chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, chính sách cán bộ, tạo đồng thuận thống nhất cao, tuyệt đối không để tư tưởng so bì, bê trễ khi thực hiện nhiệm vụ, để mô hình mới tốt hơn mô hình cũ.
Comment (0)