“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, làm theo lời dạy của người xưa đã giúp đời sống kinh tế gia đình ông Lê Hoàng Duyên, ở ấp Bình Lợi, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, không ngừng khấm khá. Với mô hình nuôi thủy sản hơn 7ha đạt hiệu quả kinh tế cao, mới đây, ông Duyên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 nông dân của cả nước đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Ông Duyên bên ao nuôi cá cho thu nhập cao nhiều năm liền.
Cũng như nhiều nông dân khác trên địa bàn, trước đây đời sống kinh tế gia đình ông Duyên chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa. Theo ông Duyên, ngày lập gia đình, ông được cha mẹ cho ra ở riêng 2 công đất lúa. Với bản tính cần cù, chịu khó cộng với tính ham học hỏi nên ông đã tích cực vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, lợi nhuận. Dần dần, vợ chồng ông tích lũy vốn mua thêm đất và phát triển thêm nghề thu mua lúa, chăn nuôi thủy sản như hôm nay.
Ông Duyên chia sẻ: “Sau thời gian làm lúa rồi chuyển sang lập vườn trồng cây ăn trái thì cách nay khoảng 10 năm tôi bắt đầu thử nghiệm mô hình chăn nuôi thủy sản với mong muốn nâng cao thu nhập cho gia đình. Ngày đó, tôi chọn nuôi con cá rô đồng. Sau nhiều lần lời lỗ đan xen thì 4 năm trở lại đây tôi mạnh dạn đầu tư diện tích ao nuôi quy mô lớn”.
Theo ông Duyên, năm đầu tiên nuôi cá rô đồng ông lỗ gần 100 triệu đồng nhưng vẫn không nản chí. Rồi phong trào nuôi cá rô đầu vuông xuất hiện, ông mạnh dạn đầu tư nuôi theo. Năm đầu tiên, chỉ 1 ao nuôi cá đầu vuông ông thu về lợi nhuận 300 triệu đồng, từ đó ông rút ra nhiều kinh nghiệm nuôi và quyết định duy trì và phát triển ngành nghề này cho đến nay.
Hiện tại, gia đình ông ngoài sở hữu 6ha lúa và 2 kho lúa với quy mô 700 tấn thì ông còn làm chủ 2 khu nuôi thủy sản tại ấp Bình Thuận, diện tích ao nuôi khoảng 7,5ha. Bình quân mỗi năm, lợi nhuận thu về từ việc sản xuất, kinh doanh của gia đình đạt trên dưới 1 tỉ đồng/năm.
Hiện nay, việc sản xuất lúa và thu mua lúa ông giao cho con trai, còn ông Duyên chịu trách nhiệm chính ở lĩnh vực nuôi thủy sản. Với quy mô 7,5ha diện tích ao, ông Duyên chia làm 17 ao nuôi. Trong đó, số lượng ao nuôi thát lát kết hợp sặc rằn chiếm khoảng 10 ao, còn lại ông nuôi cá lóc, cá trê vàng và cá rô đầu vuông…
Theo ông Duyên, nghề nuôi cá không quá khó nhưng cũng rất dễ thua lỗ vì chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá cả thị trường. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, ông Duyên không chọn nuôi đồng loạt cùng thời điểm 1 loại cá mà phân thành từng đợt khác nhau để tránh tình trạng bị thua lỗ nặng khi thu hoạch đồng loạt vào lúc giá bán xuống thấp. Bên cạnh đó, ông chọn nhiều loại cá khác nhau, có thời gian nuôi dài ngắn khác nhau tránh bị động trong việc xoay dần đồng vốn.
Một vấn đề quan trọng nữa khiến ông Duyên thành công đó chính là sự chịu học hỏi, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. “Hầu hết các buổi tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt tôi đều tham gia để trau dồi thêm kinh nghiệm cho bản thân”, ông Duyên bộc bạch.
Ông Đoàn Văn Nhí, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá cho ông Duyên, cho biết: “Qua 4 năm gắn bó, làm việc cùng chú Tư (ông Duyên - PV) tôi nhận thấy chú là nông dân có tư duy sản xuất rất tiến bộ. Chú luôn tìm hiểu và áp dụng những kiến thức, kỹ thuật mới vào quá trình nuôi để giảm chi phí sản xuất, thay thế dần lao động chân tay”.
Nếu như trước đây ông Duyên áp dụng công nghệ nuôi truyền thống ao đất thì hiện tại ông đang dần chuyển sang phương pháp ao nuôi có lót bạt nhằm giảm chi phí vệ sinh ao nuôi, giảm nhân công lao động và tạo điều kiện cho việc thu hoạch dễ dàng, giảm hao hụt. Ngoài ra, ông còn đầu tư cải thiện việc vận hành hệ thống thay nước bán tự động để giảm thời gian, nhẹ công thay nước ao nuôi.
Không chỉ dừng lại ở việc nuôi cá, ông Duyên còn ấp ủ dự định mở rộng quy mô sản xuất theo hướng đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm từ ao nuôi và xây dựng sản phẩm OCOP để tạo thêm hướng đi mới về đầu ra. “Việc chăn nuôi đã ổn định thì bắt buộc mình phải nghĩ đến việc chế biến sản phẩm. Nếu như thịt cá chế biến làm các món ăn đặc sản thì phụ phẩm từ cá cũng phải được chế biến làm thức ăn chăn nuôi để phát huy tối đa hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận”, ông Duyên trao đổi hướng phát triển.
Ông Trịnh Thanh Pho, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình, cho biết: “Ông Duyên là một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Nhiều năm liền ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, ông còn là hội viên rất tích cực trong tham gia các phong trào, hoạt động của Hội. Với những thành tích đã đạt được, ông rất xứng đáng với danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 được Trung ương Hội trao tặng”.
Ông Lê Hoàng Duyên rất tích cực trong việc tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương. Hàng năm, vào các dịp khai giảng, ông trao tặng từ 1.000-2.000 quyển tập cho học sinh nghèo tại các điểm trường trên địa bàn. Tích cực đóng góp kinh phí hỗ trợ xây dựng, giặm vá cầu, đường nông thôn, lắp đèn chiếu sáng, cất nhà tình thương, tặng quà cho hộ nghèo, hộ khó khăn… Bên cạnh đó, ông còn tích cực xây dựng cảnh quan nhà cửa sạch đẹp để góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông hiện tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức lương bình quân mỗi tháng từ 7 triệu đồng trở lên/người. |
Bài, ảnh: MỸ AN
Nguồn
Comment (0)