Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ lưu giữ và phát huy những di sản này như thế nào để phục vụ cho công tác sáng tạo văn học nghệ thuật, gửi thông điệp của nhiều thế hệ đi trước cho hôm nay và mai sau.
Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tháng 4-2024.
Lịch sử dân tộc ta được hình thành với những cuộc chiến tranh vệ quốc. Bởi quá khứ đau thương, bi hùng, nhiều lần phải đối mặt với những kẻ thù lớn mà chúng ta tạo ra được những giá trị quan trọng với những bài học đắt giá làm hành trang để kiến thiết đất nước. Cũng bởi trải qua chiến tranh mà dân tộc ta trưởng thành. Từ đó, nền văn học nghệ thuật Việt Nam, như một lẽ đương nhiên, gắn bó với chiến tranh. Chiến tranh luôn là một “siêu đề tài” để người sáng tạo gửi gắm vào đó những bài học cuộc đời, triết lý nhân sinh. Ký ức chiến tranh không chỉ liên quan đến đội ngũ những người làm nghệ thuật đã cầm súng ra trận - lớp người ngày càng thưa vắng dần khi chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, mà ký ức chiến tranh luôn có trong các thế hệ trẻ, dù cho họ sinh ra trong thời bình. Bầu khí quyển văn học nghệ thuật mà họ sáng tạo và hưởng thụ vẫn luôn còn đâu đó bóng dáng của những cuộc chiến tranh vệ quốc.
Tuy nhiên, có một thực tế cần phải thừa nhận rằng, nếu chúng ta không làm tốt công tác bảo quản, lưu giữ tư liệu thì đến một lúc nào đó, sáng tạo văn học nghệ thuật về chiến tranh chỉ là “đặc quyền” của một bộ phận người đi qua chiến tranh. Người trẻ sẽ ít có cơ hội để hiểu về những gì cha ông mình đã trải qua.
Khi chúng tôi mang thắc mắc này hỏi nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo, ông cho biết: “Điều này vừa đáng lo vừa không đáng lo vì ngay cả những nước “phía bên kia cuộc chiến” cũng “giữ giùm” chúng ta nhiều tư liệu quý. Ví dụ: Trung tâm Lưu trữ Việt Nam tại Đại học Texas Tech (TTU) ở thành phố Lubbock, tiểu bang Texas (Mỹ) hiện là kho tư liệu, bộ sưu tập hiện vật và dữ liệu truyền thông đa phương tiện về chiến tranh Việt Nam vào loại lớn nhất thế giới.
Hiện nay, họ đã số hóa được hơn 10 triệu trang tài liệu, bao gồm tư liệu của cá nhân, quân đội và chính quyền, hình ảnh, các đoạn phim và băng ghi âm, bản đồ và nhiều loại tài liệu khác. Đây là nơi mà nhiều học giả khắp thế giới có thể truy cập. Khi đến Pháp để làm phim tài liệu “Đi tìm dấu tích Ba Vua”, chúng tôi tới một thư viện ở miền Nam nước Pháp, ở đó họ cung cấp cho mình nhiều tư liệu quý về vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Từng lời khai, từng giấy tờ trao đổi... hàng trăm năm rồi mà nét mực vẫn còn tươi nguyên. Như vậy để thấy, thế giới họ cũng đã giúp chúng ta rất nhiều trong giữ gìn di sản chiến tranh”.
Ở trong nước, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác lưu trữ di sản ký ức chiến tranh. Các bảo tàng đang số hóa nguồn tư liệu, hiện vật giúp cho người tìm kiếm dễ dàng tiếp cận hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận, việc lưu trữ di sản ký ức chiến tranh của chúng ta chưa có một hệ thống bài bản, vẫn còn vụn vặt, chắp vá. Chúng ta còn thiếu một sự đầu tư nghiêm túc, mang tính hệ thống cho nguồn tư liệu quý này.
Điều đáng nói là phần “ký ức sống” trong những người một thời ra chiến trường vừa cầm súng vừa sáng tạo văn học nghệ thuật. Thế hệ này đã "rơi rụng" nhiều rồi, người còn lại hầu hết đều tuổi cao sức yếu. Một số nhà văn lưu giữ ký ức bằng việc viết hồi ký. Nhưng không phải ai trong số họ cũng có sự chủ động lưu lại những ký ức một thời, do đó, rất cần đến sự hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan chuyên môn để ký ức của họ còn sống mãi, giúp ích cho các thế hệ sau trong sáng tạo văn học nghệ thuật.
Cũng theo nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo, đến năm 2025 là tròn 50 năm ngày thống nhất đất nước, cần có một cuộc tổng kết quy mô về các giai đoạn lịch sử của dân tộc, giai đoạn 1930 - 1945, giai đoạn 1945 - 1975. Một cuộc nhìn lại hệ thống để nghiêm túc nhận ra những bài học và cả những sai lầm. Thời gian đủ độ lùi cho những đánh giá khách quan để những bài học chiến tranh luôn còn có ích trong quá trình xây dựng, bảo vệ và kiến thiết đất nước.
Vậy còn những người làm công tác sáng tạo văn học nghệ thuật trẻ tuổi hôm nay, họ phải ứng xử thế nào cho phù hợp với các giá trị di sản chiến tranh? Thiết nghĩ, không cần thiết phải xem việc sáng tạo tác phẩm về đề tài chiến tranh là một “nhiệm vụ” cho thế hệ trẻ. Tại hội thảo "Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng" do Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức mới đây, ý kiến của PGS.TS Phạm Thành Hưng rất đáng được chú ý: "Văn học về chiến tranh cách mạng là loại hình văn học chiến hào, do vậy, không phải là dễ viết trong bối cảnh hiện tại. Trên tinh thần ấy, theo tôi, lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng là đề tài "đất nước phải đặt hàng", và những cuốn sách về đề tài này sẽ là những cuốn sách riêng ưu tiên hàng đầu cho những người đang cầm súng hôm nay". Đồng tình với ý kiến này, nhưng tôi có thêm một suy nghĩ. Rằng, không chỉ trong văn học mà trong mọi lĩnh vực nghệ thuật khác, người viết trẻ thường viết về thời đại mình như một lẽ đương nhiên, nhưng có một điều không thể phủ nhận là, di sản ký ức chiến tranh không thể không có trong quá trình họ sống và “cảm nhận thời đại”. Bởi đơn giản, đó là hiện thực đất nước, là lịch sử dân tộc, là câu chuyện văn hóa giúp cho mỗi người trẻ lớn lên, trưởng thành. Họ làm sao có thể sống và sáng tạo ở ngoài những ký ức đó, dù là gián tiếp.
Cũng không nên đặt vấn đề già - trẻ trong sáng tạo nghệ thuật. Vấn đề là mỗi người sẽ sử dụng di sản chiến tranh như thế nào. Ở đây rất cần có bàn tay của các tổ chức, hội nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho những người làm công tác sáng tạo văn học nghệ thuật có niềm hứng thú về lịch sử của đất nước xưa và nay, để họ tạo ra tác phẩm. Nhìn sang những nước láng giềng, họ có những tác phẩm lớn, giá trị, đầy sức hấp dẫn và luôn luôn mới mẻ về đề tài chiến tranh, lịch sử. Còn ở ta, đánh giá một cách nghiêm túc, lịch sử chưa trở thành một dòng chảy mãnh liệt cho sáng tạo văn học nghệ thuật hôm nay. Chúng ta có nhiều nhà văn viết về chiến tranh nhưng chưa trở thành người viết về lịch sử là bởi họ vẫn viết về thời của họ, vẫn chủ yếu loanh quanh những chuyện cá nhân chứ chưa nhìn thời đại mình bằng con mắt soi chiếu của lịch sử.
Có thể có ai đó sẽ đặt câu hỏi, tại sao phải quan tâm sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật về chiến tranh, bởi chiến tranh là “bóng ma” đáng sợ với nhân loại. Xin thưa rằng, tất cả các tác phẩm văn học nghệ thuật lớn về chiến tranh từ xưa đến nay, cuối cùng cũng là để chỉ cho con người nhìn ra giá trị của hòa bình. Đây là một trong những thông điệp nhân văn nhất mà di sản ký ức chiến tranh để lại. Nói điều này để thấy rằng, trong cuộc sống hòa bình hôm nay, mỗi người được sống nhiều hơn cho cá nhân mình, nhưng mong sao mỗi người trong chúng ta, đặc biệt là người sáng tạo vẫn luôn quan tâm đến số phận đất nước, số phận dân tộc, để xứng đáng với sự hy sinh của những lớp người đi trước. Bởi tâm nguyện của những thế hệ đi qua chiến tranh bao giờ cũng vậy, là mong sao cho con cháu mình không phải tiếp tục sống bằng những ký ức chiến tranh mới.
Nguồn
Comment (0)