Khó “thoát hàng” dù đã giảm giá sâu
Từng là phân khúc rất “nóng” trên thị trường BĐS, việc sở hữu Condotel – căn hộ khách sạn còn trở thành trào lưu vào giai đoạn những năm 2016-2018 với hàng loạt các sản phẩm được đưa ra thị trường. Đặc biệt tại các thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang),… các sản phẩm Condotel còn được nhà đầu tư săn đón nhờ những hứa hẹn sinh lời từ phía chủ đầu tư.
Tuy nhiên, với nguồn cung liên tục gia tăng trong nhiều năm, phân khúc này sớm bị “loãng” trên thị trường và bắt đầu xuất hiện tình trạng cắt lỗ. Đặc biệt vào giai đoạn dịch COVID-19, với sự “đóng băng” của ngành du lịch, loại hình này càng bộc lộ nhiều hơn những yếu điểm trên thị trường đầu tư như khả năng sinh lời, cam kết lợi nhuận, năng lực vận hành của chủ đầu tư không được như mong muốn.
Từ đó cho tới nay, Condotel là một trong những loại hình có nhiều thông tin cắt lỗ, đến từ những nhà đầu tư bị áp lực về tài chính và một phần không còn muốn nắm giữ các sản phẩm này, do khả năng khai thác không được như mong muốn.
Chia sẻ về “gánh nặng” này, anh Nguyễn Quang Khải (Hà Nội) – người đang sở hữu 3 căn Condotel tại Quảng Nam cho rằng Condotel từng là một loại hình rất tiềm năng khi vốn đầu tư không nhiều, có thể tự khai thác cho thuê hoặc bàn giao cho chủ đầu tư khai thác. Đồng thời gia đình còn được tặng kỳ nghỉ mỗi năm tại chính căn hộ mình sở hữu.
“Việc khai thác cũng không được như mong muốn, thậm chí có tháng chúng tôi còn phải đóng thêm tiền do dòng tiền âm. Do muốn lấy lại một phần vốn để đầu tư vào kênh khác, tôi cũng đã từng rao bán cắt lỗ nhưng không có khách mua”, anh Khải chia sẻ.
Cũng theo nhà đầu tư này, đây là tình trạng mà nhiều bạn bè, người thân của anh đang gặp phải khi sở hữu căn hộ Condotel. Bên cạnh việc gặp khó trong khai thác, loại hình này vẫn còn có nhiều vướng mắc về pháp lý, chưa được giải quyết triệt để. Do đó, niềm tin của khách hàng đối với Condotel vẫn đang ở mức thấp, khiến câu chuyện cắt lỗ lại trở thành vấn đề khó khăn.
Đáng nói, nhiều nhà đầu tư Condotel còn rơi vào thế đối đầu với chủ đầu tư, khi các cam kết lợi nhuận trong giai đoạn mở bán lại không được thực hiện như trường hợp xảy ra với chị Thanh Huyền (Hà Nội), chủ sở hữu một căn hộ Condotel tại Đà Nẵng. Từng cam kết chia sẻ lợi nhuận với mức lãi lên tới 12% và kéo dài trong 8 năm, nhưng chỉ sau một thời gian, chủ đầu tư này lại không thực hiện cam kết do khó khăn tài chính.
“Ngoài trường hợp của tôi, nhiều bạn bè đầu tư Condotel tại Hạ Long, Nha Trang cũng gặp tình trạng tương tự. Sau khi đưa ra cam kết để khách hàng xuống tiền thì lại có các lý do khác liên quan đến tài chính, vận hành để đàm phán xin giảm lợi nhuận đã cam kết hoặc xin dừng chi trả”, chị Huyền cho biết.
Thị trường Condotel vẫn chưa có điểm sáng
Với các vấn đề đã được nhà đầu tư chỉ ra, thị trường Condotel dường như vẫn còn rất vất vả để có thể phục hồi vào thời kỳ đỉnh cao. Báo cáo thị trường tháng 7/2024 của DKRA cũng chỉ ra, loại hình Condotel không thị trường này vẫn ghi nhận nhiều khó khăn. Thậm chí nguồn cung và lượng tiêu thụ mới không được ghi nhận trong tháng,
Bên cạnh đó, nhiều dự án Condotel vẫn đang vướng mắc pháp lý chưa thể giải quyết, nhiều chủ đầu tư phải dời thời gian triển khai bán hàng, khiến nguồn cung của thị trường rất hạn chế. Sức cầu chung thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp tập trung chủ yếu vào những sản phẩm có tổng giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, chiết khấu thanh toán nhanh,… vẫn được áp dụng rộng rãi.
Nhận định về các vấn đề của loại hình này, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, không chỉ tại Việt Nam mới chứng kiến sản phẩm Condotel gặp vấn đề, một số dự án tại Bali (Indonesia) cũng đối mặt với tình trạng tương tự vì không phát triển cẩn trọng. Nhưng hiện nay thị trường này đã bước qua giai đoạn “bùng nổ dự án mới”, thay vào đó là phát triển chậm rãi và chất lượng hơn.
Giám đốc Savills Hotels cũng nhận định, nguồn cầu của thị trường chung đã gần như khôi phục, tuy nhiên thị trường nghỉ dưỡng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức – từ tình trạng dư thừa nguồn cung tại một số nơi khi nhiều dự án quy mô lớn được đưa vào vận hành, cho đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung đa dạng, chất lượng tại TP HCM khi so với các điểm đến khác trong khu vực.
“Trước đây, nhiều chủ đầu tư vội vàng nắm bắt cơ hội phát triển của ngành du lịch, nhưng lại chưa có sự cân nhắc thấu đáo mô hình, lựa chọn sản phẩm. Nhiều dự án được xây dựng nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng của một số tệp khách lưu trú sẵn có, thay vì chú trọng đem đến các sản phẩm nhằm thu hút nguồn cầu mới. Condotel tại các điểm đến ven biển là ví dụ minh họa cho điều này, và chúng ta có thể thấy được khó khăn mà nhiều dự án condotel gặp phải khi thị trường không thuận lợi, thậm chí một số phải tạm dừng triển khai”, ông Mauro Gasparotti cho biết.
Với những nhận định trên, nhiều ý kiến cho rằng Condotel nói riêng và thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ chưa thể thoát ra khỏi vùng “đáy”. Tất cả vẫn phải chờ đợi sự phục hồi của ngành du lịch, cũng như việc tháo gỡ các nút thắt về pháp lý vẫn đang tồn tại, với nhiều kỳ vọng được đặt vào giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Comment (0)