Mười năm trước ở TP.HCM từng có một cuộc hội ngộ đàn tranh với rất nhiều nhóm nhạc dân tộc của bà con Việt kiều tại các nước như Mỹ, Pháp, Canada... về tham gia.
Có được những thành quả ấy có sự góp sức bền bỉ của những người nặng lòng với văn hóa dân tộc. Không lợi nhuận, không cần tôn vinh, họ lặng lẽ, hết mình giúp những ai yêu thương tiếng đàn dân tộc. Một trong những người như thế là GS Phương Oanh, người Việt đầu tiên là giáo sư dạy nhạc dân tộc Việt Nam tại Pháp (Nhạc viện Louis Kerven, tỉnh Sevran) từ năm 1978.
Được truyền và giữ lửa
Theo chồng sang Na Uy định cư từ năm 21 tuổi, 30 năm qua, chị Huỳnh Phi Thuyền đã gây dựng được một "sự nghiệp âm nhạc gia đình" khi cả bốn mẹ con đều là thành viên của nhóm Phượng Ca Na Uy - tên gọi thân thương của nhóm nhạc dân tộc Việt Nam ở thủ đô Oslo, Na Uy từ năm 2003 tới nay. Nhóm là nơi dạy nhạc dân tộc với số học viên thường duy trì trong khoảng 30 - 40 người và chị Thuyền là trưởng nhóm. Từ 20 năm trước, khi cậu con cả là Tin Tin mới 6 tuổi, chị Thuyền đã đưa con tới lớp đàn tranh của Phượng Ca Na Uy. Tin Tin sau này chỉ nhờ học GS Phương Oanh đã có thể nhận bằng đệ tam cấp môn đàn tranh tại trường nhạc của Pháp và còn chơi được nhiều loại nhạc cụ khác như bầu, nhị, sến, kìm. Sau này chị Thuyền lại đưa hai em gái của Tin Tin là Uyên My và Quỳnh Vy tới học. Uyên My giờ là một trong hai thành viên chủ chốt của bộ gõ ở nhóm Phượng Ca. Ngoài đàn tranh, em còn có thể chơi sáo trúc, đàn t'rưng, trống, và gõ sênh tiền. "Tôi vẫn nhớ lần GS Phương Oanh chỉ trong một buổi tối đã hướng dẫn cho các thành viên của Phượng Ca học chơi và hòa đàn với nhau bằng những chiếc đàn sến, đàn kìm mà họ chưa từng cầm đến và tập luyện bao giờ. Cô không nói nhiều, nhưng đã gầy dựng được phong trào học nhạc dân tộc ở Pháp và ở nhiều nước khác. Cô đã truyền lửa để tôi tiếp tục gắn bó và đi cùng Phượng Ca Na Uy cho tới hôm nay", chị Thuyền nói. Dù ở xa quê hương nhưng văn hóa dân tộc luôn có sức sống vô cùng mạnh mẽ, bất chấp khó khăn, tất cả nhờ tấm lòng của những người con xa xứ. Sự ra đời của nhánh Phượng Ca Rennes, nhánh thứ 9 trong "đại gia đình" Phượng Ca ở nhiều khu vực, quốc gia, là một trong những câu chuyện đặc biệt ấy.Những "mẩu" thời gian chơi đàn
Chị Tô Kim Thương, trưởng nhóm Phượng Ca Rennes, là nhân viên hành chính tại một trường học. Chồng chị, anh Đào Tấn Anh Trúc làm nghề sửa chữa kỹ thuật. Họ có ba con, hai gái và một trai. Mỗi ngày chị Thương chỉ có thể tranh thủ tập đàn được khoảng 15 phút trong giờ giải lao ít ỏi. Với anh Trúc, những "mẩu" thời gian chơi đàn còn ít hơn nữa vì công việc bận tối mặt của một nhân viên kỹ thuật. Nhưng anh vẫn tranh thủ tập những ngón đàn kìm, đàn cò và cả guitar vào những khoảng thời gian "ky cóp" ấy trong ngày. "15 phút với mình quý lắm - chị Thương nói - Nhờ có GS Phương Oanh mà tôi thấy việc học đàn thật nhẹ nhàng, thú vị, và nếu kiên trì nhẫn nại, dù chỉ với 15 phút mỗi ngày tôi cũng có thể học được đàn tranh". Và rồi chị không những đã tự mình vượt qua trở ngại, mà còn nỗ lực thành công để "kéo" được cả hai cô con gái là Tâm Anh (13 tuổi) và Vân Anh (11 tuổi) vượt qua "cửa ải" nhập môn gian nan khoảng ba năm đầu tiên khi học đàn tranh."Chỉ cần 15 phút mỗi ngày"
"Em có thể dành ra được 15 phút mỗi ngày không?", đó là câu hỏi GS Phương Oanh từng hỏi chị Kim Thương và cũng là câu mà bà sẽ đặt ra với những ai bày tỏ rằng họ muốn học đàn mà sợ không có thời gian. Nếu câu trả lời là "có", và thường luôn là như vậy, bà khẳng định họ hoàn toàn có thể. Thật đơn giản và nhẹ nhàng quá phải không? Hóa ra học một nhạc cụ đâu quá khó để bắt đầu như nhiều người vẫn tưởng. Với sự thấu hiểu tâm lý người học, bà đã "dẫn dụ" dịu dàng như thế để giúp họ vượt qua rào cản đầu tiên vô cùng quan trọng. Bằng một sự nhạy cảm đặc biệt của người thầy, bà luôn thấu hiểu khả năng của người học đang ở đâu và sẽ giúp họ có được cảm giác nhẹ nhàng khi cầm cây đàn lên và tập khảy những nốt đầu tiên. Bà rất chú ý chăm sóc cho sự tự tin bước đầu ấy. Coi học trò như người thân nên bà vẫn luôn nhận lại những tình cảm ấm áp từ họ. Đã bao lần bà thấy mình vô cùng hạnh phúc khi nhận được những lời nhắn gửi thế này từ học trò: "Con cảm ơn cô nhiều đã kiên nhẫn với tụi con. Con phải cố gắng hơn để không phụ lòng cô. Phần trình diễn hôm nay đẹp và sướng tai ghê. Lần đầu được trình diễn trên sân khấu với cô và các anh chị chuyên nghiệp. Thích quá"; "Cô ơi, không ngờ là nhờ cô mà tụi con đàn lâu những hơn 5 phút. Nghe thích quá. Cảm ơn cô"... Không tấm huy chương, không phần thưởng nào khiến bà ấm lòng như những lời nhắn ấy.
GS Phương Oanh tên đầy đủ là Võ Quang Tùng Phương Oanh, sinh ngày 27-3-1945 tại Đà Lạt, Việt Nam, hiện bà đang sống ở Taverny, Pháp. * Bà tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Sài Gòn (1962 - 1963) chuyên ngành ca xướng và nhạc cụ truyền thống Việt Nam và nhận bằng giáo sư quốc gia về âm nhạc truyền thống Việt Nam năm 1996 tại Trasbourg, Pháp. * Từ năm 1969 đến nay: Bà sáng lập Trường âm nhạc cổ truyền Việt Nam Phượng Ca Dân ca quốc nhạc, trường đã có mặt tại 10 nước. Ngoài các công trình nghiên cứu về âm nhạc, bà còn được nhiều giải thưởng khác.
Nửa thế kỷ truyền lửa
Với sự kết hợp nhuần nhụy cả nền tảng truyền thụ âm nhạc theo lối truyền khẩu, truyền ngón với kiến thức ký âm và nhạc lý phương Tây, những người thầy ở xứ người như GS Phương Oanh có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay và sẽ ngày càng hiếm. Đầu năm 1975 khi sang Pháp định cư, lúc đó bà là cô giáo trẻ nhất trong ban giảng huấn ngành quốc nhạc. Để thống nhất phương pháp ký âm trong trường, ngành quốc nhạc đã lập một ban soạn thảo với các thầy cô được chỉ định, để ký âm lại tất cả các bài bản cổ theo nốt Tây phương nhằm giúp học sinh học tập dễ dàng hơn. Những ai từng học đàn tranh với cả hai lối ký âm cổ truyền và Tây phương đều cảm nhận được sự kết hợp hiệu quả của hai lối ấy với nhạc cụ dân tộc, nhất là đàn tranh. Những ngón rung, nhấn trong truyền ngón của các nhạc cụ thật khó có thể "công thức hóa" thành Do Re Mi bởi nó được "chỉnh" bằng tâm tình, cảm xúc chứ không phải bằng cao độ, thang âm. Cũng như thật khó để lý giải tường tận khi học trò hỏi bà vì sao "con nhạn" (tên gọi các phím đàn tranh) lại xê dịch chứ không cố định như các cần đàn guitar. Song ở chiều ngược lại, nếu không có thêm những bài bản được chuyển soạn sang ký âm Tây phương, đàn tranh sẽ khó được phổ biến hơn, và cũng bị khuyết đi một phần vô cùng sinh động khác của âm nhạc hiện đại. Bà yêu thương, nhẫn nại như thế bởi người thầy nào cũng từng là học trò. Và bởi bà cũng từng được may mắn thụ hưởng kiến thức, tình yêu thương, lòng tận tụy của những người thầy năm xưa tại Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Nếu với thầy Nguyễn Hữu Ba, bà thấm thía các bài nói chuyện về nhân sinh quan của con người về nghệ thuật, về những tấm gương người xưa, về chân, thiện, mỹ; với thầy Phạm Duy, bà học được cách tổ chức, điều hành, tạo sự lôi cuốn với khán giả; với thầy Hùng Lân, bà chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phong thái, tư cách và tấm lòng của thầy, "một người rất thương học trò nhưng cũng rất khó, khó để học trò học giỏi và có thể làm được những điều tốt đẹp cho ngày mai" như lời bà. Từ những gì bà đã được thụ hưởng từ họ, mà mỗi người là một khía cạnh khác nhau, bà tâm niệm điều quan trọng nhất để người thầy có thể truyền thụ tốt là tác phong, tư cách và lòng tự trọng. Sự tận tâm, nhẫn nại của bà với học trò khiến nhiều đồng nghiệp vô cùng thán phục. Cố GS Trần Quang Hải (con trai GS Trần Văn Khê) từng nói "tôi rất phục Phương Oanh vì chị có thể dạy cho những người đàn tửng tưng như vậy". Dùng chữ "tửng tưng" là ý ông muốn nói về việc bà nhẫn nại dìu dắt cả những người chỉ ở trình độ ABC khi học đàn, điều mà các giáo sư như bà sẽ không có thời gian để dành cho họ nữa. Bà như người leo núi chuyên nghiệp đã ở trên đỉnh núi, nhưng sẵn sàng xuống chân núi để dắt tay người vừa chập chững những bước đầu tiên trong hành trình chinh phục đỉnh cao. Tình yêu quê hương cùng ước nguyện gìn giữ, phổ biến âm nhạc dân tộc cho người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, để các em hiểu thêm về văn hóa nguồn cội, cũng như có thể giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến những người bản xứ đã là động lực lớn nhất khiến bà say sưa hết mình với công việc.Tuoitre.vn
Nguồn
Comment (0)