(Báo Quảng Ngãi)- “Chồng làm nghề biển, hồn treo cột buồm”. Câu ca dao ngày xưa nay vẫn gắn với những người phụ nữ vùng biển. Dẫu đối mặt với bao khó khăn, nhưng họ vẫn làm hậu phương vững chắc để chồng yên tâm bám biển…
Thiếu vắng trụ cột gia đình, những phụ nữ làng biển phải gồng mình chịu đựng bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường nhật. Với phụ nữ có chồng làm nghề biển, ngoài hy vọng mỗi lúc chồng ra khơi đánh bắt được nhiều tôm, cá, thì mong muốn lớn hơn là được đón chồng trở về bình an, mạnh khỏe sau những ngày tháng lênh đênh ngoài khơi xa.
“Mỗi lần chồng tôi theo tàu ra khơi là những ngày dài đằng đẵng mẹ con tôi ngóng trông, chờ đợi. Có những đêm trời trở gió, mẹ con tôi ngồi ở nhà nhưng trong lòng cảm thấy không yên. Chồng ngoài khơi lênh đênh trên sóng biển mà lòng mình cũng dậy sóng theo. Những khi ấy, tôi chỉ biết thắp hương cầu mong cho gió yên biển lặng, cho ngày hôm sau được nhìn thấy tàu đánh cá về bến, có chồng về bình an”, bà Huỳnh Thị Quang (62 tuổi), ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) tâm sự.
Cứ mỗi khi chiều xuống, bà Huỳnh Thị Quang (62 tuổi), ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) lại ra bờ biển trước nhà để ngóng trông người chồng đang đi đánh bắt ngoài khơi xa. Ảnh: Kim Trang |
Nhiều chuyến biển, khi thuyền bạn cập bến nhưng thuyền của chồng mình chưa về, bà Quang lại ra bãi biển trước nhà để ngóng chờ. Gương mặt lo lắng, cứ mãi đau đáu nhìn xa xăm phía ngoài khơi. Chồng bà Quang là ông Nguyễn Văn Hùng (65 tuổi), đi biển đến nay đã ngót nghét 40 năm. Sau khi kết hôn, vợ chồng bà Quang có với nhau được 4 người con (2 gái, 2 trai). Trai làng biển, chọn nghề biển để mưu sinh, ông Hùng chịu bao vất vả, cực nhọc, nhưng đổi lại nghề này đã giúp hai vợ chồng có chi phí để lo cho các con ăn học.
Mỗi khi tàu của chồng cập bến, bà Quang lại vui mừng chạy xuống đón chồng, rồi phân loại hải sản để bán, sau đó lại đi mua sắm lương thực, thực phẩm cho chồng chuẩn bị chuyến ra khơi tiếp theo. Chồng đi rồi, bà lại xuống bến mua cá, tôm để ra chợ bán, có công việc làm đỡ phần nào suy nghĩ và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bà Quang chia sẻ, mỗi lần tàu về, tôi trực cả ngày đêm ở bến cá. Tàu về giờ nào phải có mặt giờ nấy, có hôm thức luôn ở bến. Có mình ở nhà, như có một hậu phương vững chắc để chồng yên tâm hơn mỗi khi ra khơi đánh bắt.
Những chiếc tàu chuẩn bị ra khơi bám biển. Ảnh: Kim Trang |
Những phụ nữ lấy chồng nghề biển như bà Quang, sau khi chồng ra khơi cũng là lúc họ vào vai người trụ cột của gia đình. Từ việc sửa điện, sửa ống nước, nuôi dạy con cái, làm thêm kiếm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày… họ đều một mình cáng đáng. Phụ nữ làng biển luôn dặn lòng phải mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, để xây tổ ấm gia đình vững chắc.
Khi đứa con út chỉ vừa 13 tháng tuổi, chị Trần Thị Duyên (33 tuổi), ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn), đã trở thành góa phụ, sau đêm đi biển định mệnh của chồng. “Trước lúc lên tàu ra biển đánh bắt hải sản, chồng tôi dặn các con ở nhà nhớ ngoan ngoãn, phụ mẹ chăm em cẩn thận, ba đi kiếm tiền về lo cho các con ăn học đi học. Các con đâu biết rằng, đó lại là lời căn dặn cuối cùng của ba, bởi từ đêm hôm đó, anh bỏ lại mẹ con tôi và ra đi mãi mãi”, chị Duyên nghẹn ngào nói.
Mỗi khi đến mùa rong mơ chị Trần Thị Duyên (33 tuổi) ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn), đều đi hái rong về phơi bán để có thêm thu nhập lo cho các con. Ảnh: Kim Trang |
Đã 8 năm trôi qua, người vợ trẻ này phải thay chồng nuôi 4 đứa con thơ. Chị Duyên nghẹn ngào kể lại đêm định mệnh của 8 năm về trước, đó là vào ngày 20/10/2015, khi nghe tin chồng gặp tai nạn trên biển. “Tôi và anh Long (chồng chị Duyên – PV) là người cùng địa phương. Gia đình anh Long làm nghề biển đã lâu đời. Dẫu biết theo nghề này trăm phần gian nan, tính mạng đánh cược từng giờ, từng ngày với biển cả. Thế nhưng, mình sinh ra ở vùng biển, lại muốn nối nghiệp cha ông, nên hai vợ chồng gom góp, vay mượn được ít tiền để mua chiếc tàu đi biển. Những tưởng may mắn sẽ đến với gia đình, làm ăn khấm khá, lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng không ngờ, anh đã rời xa mẹ con tôi mãi mãi”, chị Duyên kể trong nước mắt.
Khi bạn đi biển gọi về cho chị Duyên báo tin anh Long gặp nạn trên biển, chị Duyên đau đớn tột cùng những tưởng không thể vượt qua. Những người hàng xóm của chị Duyên kể lại, vì quá nhớ thương chồng, chiều chiều chị Duyên dẫn các con ra biển ngóng chờ. Chị Duyên khóc suốt vì nhớ thương chồng. “Nghĩ mà thương ba tụi nhỏ, anh ấy là người sống hết lòng với vợ con. Từ ngày chồng mất, một mình tôi gồng gánh nuôi 4 đứa con. Tôi tự hứa với lòng phải nỗ lực vượt qua khó khăn để nuôi các con nên người, như ý nguyện của chồng lúc còn sống”, chị Duyên bộc bạch.
Kể từ ngày chồng qua đời, để có tiền lo cho các con, chị Duyên gửi đứa con út cho ông bà để đi làm thuê. Lúc thì khiêng cá, khiêng đá lạnh, đến mùa rong mơ thì đi hái rong về phơi bán kiếm tiền… Số tiền chị Duyên làm được không nhiều, nên 5 mẹ con luôn sống tằn tiện. Thấy mẹ vất vả nên 2 đứa con lớn của chị Duyên nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em.
Nỗi nhọc nhằn hằn lên những vết chân chim trên khuôn mặt của người góa phụ mới ngoài ba mươi tuổi. Dẫu vậy, mẹ con chị Duyên vẫn từng ngày động viên nhau vượt qua khó khăn để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những ai sinh ra, lớn lên ở vùng biển, làm nghề biển, hoặc có chồng làm nghề biển hiểu rất rõ và thấm thía vị mặn của đại dương. Nghề biển gắn với cư dân làng chài như là lẽ sống. Con cá, con tôm… không chỉ đem lại miếng cơm manh áo cho các gia đình, mà sự hiện diện của ngư dân cùng con tàu là cột mốc sống trên biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Những phụ nữ làng biển vẫn lặng thầm hy sinh, bằng việc chăm lo tốt cho gia đình, làm tròn vai trò hậu phương để chồng con yên tâm vươn khơi bám biển, để xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc.
Chúng tôi rời làng biển giữa buổi trưa hè nóng bức. Những con sóng thay nhau vỗ bờ, rì rào như kể cho nhau nghe những câu chuyện ngoài khơi xa và cả câu chuyện của những phụ nữ lấy chồng nghề biển…
Nội dung: KIM TRANG
Trình bày: L.H