Trong một tuyên bố được Hãng thông tấn KCNA đăng tải ngày 15.2, bà Kim Yo-jong, một quan chức cấp cao trong đảng Lao động Triều Tiên, cho biết các vấn đề liên quan việc người Nhật bị Triều Tiên bắt giữ trong quá khứ đã được giải quyết xong.
Bà nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Kishida chỉ có thể diễn ra nếu vấn đề này không được xem là chướng ngại cho mối quan hệ song phương.
Nhật Bản và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao chính thức. Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Kishida nói đang cân nhắc khả năng gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un để giải quyết vấn đề dân thường bị bắt vào thập niên 1970 và 1980.
Em gái ông Kim Jong-un cho rằng những phát ngôn của Thủ tướng Nhật Bản có thể được coi là điều tích cực nếu nó nhằm phát triển quan hệ hai bên. “Nếu Nhật Bản đưa ra quyết định chính trị nhằm mở con đường mới cho việc cải thiện quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hành vi tôn trọng, tôi cho rằng hai nước có thể mở ra một tương lai mới”, bà Kim Yo-jong nói.
Dù vậy, bà Kim nhấn mạnh đó chỉ là quan sát cá nhân của bà và theo bà được biết thì lãnh đạo Triều Tiên không có kế hoạch cụ thể về mối quan hệ với Nhật Bản và cũng không có ý định liên lạc với Tokyo.
Nhật Bản là một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ chính sách phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ngược lại, Tokyo cũng bị Bình Nhưỡng phản ứng vì mối quan hệ đồng minh với Mỹ và hợp tác an ninh với Hàn Quốc.
Theo Yonhap, ông Kim Jong-un ngày 14.2 giám sát cuộc phóng thử tên lửa đất đối hải mới của Triều Tiên mang tên Padasuri-6. Quả tên lửa bay được khoảng 23 phút 20 giây và trúng mục tiêu. Trước đó một ngày, quân đội Hàn Quốc thông báo phát hiện Triều Tiên phóng nhiều tên lửa hành trình từ thành phố cảng Wonsan ở miền đông.
Cũng trong sự kiện nói trên, ông Kim ra lệnh cho lực lượng sử dụng vũ lực đối với tàu Hàn Quốc nếu phát hiện vùng biển của Triều Tiên bị xâm phạm.