Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện mối liên hệ giữa khí thải nhà kính có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và tỷ lệ sống sót của gấu Bắc Cực, đưa loài này tới tình trạng báo động đỏ có thể tuyệt chủng.
Loài gấu trắng Bắc Cực có nguy cơ tuyệt chủng do khí thải nhà kính và biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa. Nguồn: CNN) |
Trong một nghiên cứu mới công bố hôm 14/9 trên tạp chí Science, tổ chức bảo tồn loài gấu Polar Bears International cho hay, gấu Bắc Cực sống thành 19 quần thể trên khắp Bắc Cực và ở Canada, Mỹ, Nga, Greenland và Na Uy.
Theo nhà khoa học Steven Amstrup, đồng tác giả nghiên cứu, biến đổi khí hậu do hoạt động phát thải khí nhà kính của con người gây ra đang đẩy nhanh quá trình tan băng trên biển.
Loài gấu trắng đang phải đối mặt với thời gian nhịn đói lâu hơn do băng biển thu hẹp nhanh chóng, khiến chúng không còn nhiều chỗ kiếm ăn.
Một số quần thể gấu trắng buộc phải sống ngày này qua ngày khác mà không có thức ăn. Trọng lượng cơ thể giảm dần làm giảm cơ hội sống sót của chúng qua mùa Đông, dẫn đến suy giảm số lượng gấu.
Đàn gấu gầy mòn
Gấu Bắc cực đã được liệt vào danh sách “bị đe dọa” do hiện tượng nóng lên của khí hậu, theo các tiêu chí của Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Mỹ, được ban hành năm 2008.
Các nhà nghiên cứu từ Polar Bears International, Đại học Washington và Đại học Wyoming (Mỹ) đã định lượng được mối liên hệ giữa số ngày không có băng mà quần thể gấu Bắc Cực phải chịu đựng và mức độ ô nhiễm do hành tinh nóng lên, tương ứng với tỷ lệ sống sót của gấu ở một số quần thể. Số liệu nghiên cứu ghi nhận đàn gấu Bắc Cực đã phải trải qua các mùa thiếu băng từ năm 1979 cho đến nay.
Họ phát hiện rằng số ngày gấu Bắc Cực buộc phải nhịn ăn tăng lên khi lượng khí thải nhà kính tích tụ nhiều lên. Ví dụ, gấu Bắc Cực ở Biển Chukchi thuộc Bắc Băng Dương buộc phải nhịn ăn trong khoảng 12 ngày vào năm 1979. Con số này tăng lên khoảng 137 ngày năm 2020.
Số ngày một con gấu có thể tồn tại mà không cần thức ăn thay đổi tùy theo vùng và tình trạng của con vật, nhưng càng trải qua nhiều ngày không có băng thì khả năng sinh sản và khả năng sống sót càng suy giảm.
“Chúng ta có thể liên hệ lượng khí thải với hiện tượng nóng lên của khí hậu và sau đó là hiện tượng tan băng biển ở Bắc Cực trong vài năm gần đây”, đồng tác giả nghiên cứu Cecilia Bitz, Giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Washington, cho biết. Thêm vào đó, không chỉ băng biển mà cả sự sinh tồn của gấu Bắc Cực cũng liên quan trực tiếp đến phát thải khí nhà kính.
Có 12 trong 13 quần thể gấu suy giảm nghiêm trọng trong những thập kỷ qua do biến đổi khí hậu ở Bắc Cực, nơi có tốc độ nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.
“Đến năm 2100, có thể sẽ không còn con non nào được sinh ra”, ông Amstrup cảnh báo. Đây là kịch bản khi nhiệt độ bề mặt trung bình của hành tinh tăng 3,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cách duy nhất để cứu loài thú ăn thịt lớn nhất trên cạn này khỏi bờ vực tuyệt chủng là bảo vệ môi trường sống của chúng, bằng cách ngăn ngừa sự nóng lên toàn cầu.
Nỗi lo từ El Nino
Nguy cơ tuyệt chủng đàn gấu Bắc cực, loài động vật ăn thịt trên cạn lớn nhất đã được xác định là do ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu, càng được “phụ họa” thêm bởi hiện tượng thời tiết El Nino, dự báo tiếp tục kéo dài đến năm 2024.
El Nino là tình trạng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài từ 8-12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3-4 năm/lần, cũng có khi dày hơn. El Nino khiến thời tiết dị thường, nhiệt độ gia tăng.
Việc chuyển từ hình thái La Nina lạnh hơn sang giai đoạn El Nino nóng hơn có thể gây ra sự hỗn loạn, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh hiện nay. Tình trạng quá tải lưới điện và mất điện trở nên thường xuyên hơn. Nắng nóng cực đoan làm gia tăng số ca phải nhập viện cấp cứu, trong khi hạn hán làm tăng nguy cơ hỏa hoạn. Đi theo đó là tình trạng mất mùa, ngập lụt và nhà cửa bị phá hủy.
Trong thời kỳ El Nino, mùa Đông thường ít mưa và tuyết hơn ở miền Bắc nước Mỹ và Canada, làm tăng thêm nỗi lo hạn hán đang hoành hành trong khu vực.
Theo bà Katharine Hayhoe, nhà khoa học trưởng tại tổ chức môi trường The Nature Conservancy tại bang Virginia (Mỹ), khi El Nino xảy ra đồng thời với xu hướng nóng lên trong thời gian dài của khí hậu Trái đất, nó giống như một đòn đánh kép.
Theo mô hình phân tích của Bloomberg Economics, vùng nhiệt đới và Nam bán cầu là những khu vực có thể chịu những rủi ro nghiêm trọng nhất. El Nino có nguy cơ khiến tăng trưởng GDP hằng năm ở Ấn Độ và Argentina giảm gần 0,5 điểm phần trăm, trong khi mức giảm 0,3 điểm phần trăm được ghi nhận ở Australia, Peru và Philippines.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Dartmouth (Mỹ) dự báo thiệt hại kinh tế do El Nino gây ra sẽ lên tới 84 nghìn tỷ USD vào cuối thế kỷ này.
Ở Trung Quốc mùa Hè năm ngoái, nhiệt độ tăng cao đã làm chết nhiều gia súc và làm tăng áp lực lên hệ thống lưới điện ở quốc gia này.
Trong khi đó, tại Đông Nam Á, khô hạn làm trầm trọng thêm tình trạng những đám khói hằng năm tập trung trên khắp lãnh thổ Singapore khi nông dân ở các nước láng giềng đốt cây rừng để trồng cọ dầu, cây cao su và gỗ bột giấy.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đối với Việt Nam, El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25-50%. Do đó có nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023.