Vào hôm 8/6, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã tuyên bố hiện tượng El Nino đã bắt đầu diễn ra trên Trái Đất. El Nino là một hiện tượng khí hậu tác động tới các cơn bão ở Thái Bình Dương, tăng lượng mưa và nguy cơ ngập lụt tại châu Mỹ cùng các khu vực khác. Trong 3 năm qua, khí hậu toàn cầu chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, khiến nhiệt độ toàn cầu hạ xuống thấp hơn mức trung bình.
Các nhà khoa học nhận định điều kiện thời tiết cho năm nay đặc biệt đáng lo ngại. Theo Reuters, lần gần nhất hiện tượng El Nino đạt đến đỉnh điểm, năm 2016, là khoảng thời gian nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất.
Các nhà khí tượng học nhận định rằng El Nino, cùng với các đợt khí nóng gây ra bởi tình trạng biến đổi khí hậu, có thể khiến thế giới phải đối mặt với mức nhiệt cao kỷ lục.
Các chuyên gia cũng lo ngại về những gì đang diễn ra tại các vùng biển. HIện tượng El Nino sẽ khiến nhiệt độ nước biển tại khu vực Đông Thái Bình Dương tăng cao hơn mức bình thường. Ngay từ tháng 5, trước khi hiện tượng El Nino bắt đầu nhiệt độ nước trên bề mặt biển đã tăng cao hơn 0,1 độ C so với mức kỷ lục từng được ghi nhận.
“Chúng ta đang ở trong một tình huống chưa từng có tiền lệ”, Michelle L’Heureux, nhà khí tượng học của Trung tâm Dự báo Thời tiết, trực thuộc NOOA, cho biết.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science vào tháng 5, tác động của hiện tượng El Nino có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 3.000 tỷ USD thông qua việc phá hủy quá trình sản xuất sản xuất lương thực, công nghiệp và khiến bệnh tật lan truyền.
Các quốc gia dễ bị tổn thương bởi tình trạng biến đổi khí hậu bắt đầu chú ý tới hiện tượng El Nino. Peru đã dành khoản ngân sách 1,06 tỷ USD để đối phó với các tác động của hiện tượng El Nino và tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Philippines, quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới, đã thành lập một đội ngũ chuyên trách nhằm đối phó với tác động của những hiện tượng thời tiết cực đoan.
Những yếu tố nào tạo ra El Nino
El Nino là một hình thái khí hậu tự nhiên được tạo ra bởi dòng nước ấm ở khu vực miền Đông Thái Bình Dương.
Hiện tượng này được hình thành khi gió mậu dịch thổi từ đông sang tây dọc theo đường xích đạo ở Thái Bình Dương chậm lại hoặc đảo ngược khi áp suất khí quyển thay đổi. Mặc dù vậy, các nhà khoa học chưa thể kết luận đâu là yếu tố khởi nguồn cho quá trình này.
Do gió mậu dịch ảnh hưởng tới nhiệt độ nước ở mặt biển – được sưởi ấm bởi Mặt Trời, việc đới gió này yếu đi khiến dòng nước biển ấm ở phía tây Thái Bình Dương di chuyển sang các lưu vực lạnh hơn ở khu vực phía đông và trung tâm Thái Bình Dương.
Trong chu kỳ El Nino vào các năm 2015-2016, khi hiện tượng này hoạt động mạnh nhất trong lịch sử, số lượng cá bơn ở ngoài khơi bờ biển Peru đã sụt giảm mạnh do dòng nước ấm dịch chuyển từ Tây Thái Bình Dương. Hiện tượng này cũng khiến một phần ba diện tích của rạn san hô Great Barrier ở Australia bị phá hủy.
Việc nước ấm tích tụ ở khu vực phía đông của Thái Bình Dương cũng tác động tới khí quyển thông qua quá trình bay hơi, tạo ra các cơn bão.
“Khi El Nino dịch chuyển dòng nước ấm, các trận bão cũng di chuyển theo dòng nước”, nhà khí tượng của NOAA Tom DiLiberto nhận định.
El Nino ảnh hưởng thế nào tới khí hậu toàn cầu
Sự thay đổi trong hoạt động của các cơn bão ảnh hưởng tới luồng không khí di chuyển nhanh – được gọi là dòng khí quyển cận nhiệt đới. Dòng khí trên, khiến thời tiết thay đổi trên toàn cầu, bị đẩy về phía nam và bị là phẳng.
“Nếu bạn thay đổi tuyến đường của các cơn bão, bạn sẽ thay đổi điều kiện thời tiết”, DiLiberto nhận định.
Dưới tác động của El Nino, miền Nam nước Mỹ sẽ trải qua điều kiện thời tiết lạnh và ẩm hơn. Trong khi miền Tây nước Mỹ và Canada sẽ trở nên khô và nóng hơn.
Số lượng các trận bão tại Mỹ sẽ giảm xuống do những thay đổi về luồng gió tại Đại Tây Dương. Tuy nhiên, các trận bão tại Thái Bình Dương sẽ ngày càng tăng và trở nên nghiêm trọng hơn, tác động trực tiếp tới các hòn đảo dễ bị tổn thương trong khu vực.
Một số điểm ở Trung Mỹ và Nam Mỹ sẽ ghi nhận lượng mưa tăng lên, trong khi Australia sẽ phải hứng chịu những đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng.
El Nino sẽ giúp khu vực Sừng châu Phi thoát khỏi tình trạng hạn hán sau 5 năm chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.
Trong quá khứ, cả hiện tượng El Nino và La Nina xảy ra trung bình mỗi 2-7 năm. Trong đó, hiện tượng El Nino kéo dài từ 9 đến 12 tháng. Hiện tượng La Nina, xảy ra khi dòng nước lạnh hơn ở khu vực Đông Thái Bình Dương, thường kéo dài từ một đến 3 năm.
El Nino có bị tác động bởi tình trạng biến đổi khí hậu
Theo ông DiLiberto, cách tình trạng biến đổi khí hậu tác động tới El Nino là “một chủ đề nghiên cứu rất quan trọng”. Mặc dù biến đổi khí hậu có thể tăng gấp đôi tác động của El Nino – khiến lớp nhiệt chồng lên lớp nhiệt có sẵn và đẩy mạnh mùa mưa – vẫn chưa thể kết luận chắc chắn rằng tình trạng này có tác động trực tiếp đến hiện tượng thời tiết trên.
Các nhà khoa học không thể chắc chắn rằng tình trạng biến đổi khí hậu sẽ phá vỡ sự cân bằng giữa El Nino và La Nina, khiến một trong 2 hiện tượng này diễn ra thường xuyên hơn. Các nhà khoa học cho biết nếu nhiệt độ nước biển tăng lên ở mọi khu vực, chu kỳ này nhiều khả năng sẽ không thay đổi, do cơ chế của 2 hiện tượng vẫn giữ nguyên.
Tuy nhiên, nếu nhiệt độ nước biển tăng lên không đồng đều, hiện tượng El Nino có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
(Nguồn: Zing News)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo