Cộng đồng Kinh tế Tây Phi đã đưa ra tối hậu thư cho lực lượng đảo chính Niger, yêu cầu họ trả tự do cho Tổng thống Mohamed Bazoum và khôi phục trật tự hiến pháp trước ngày 6/8, nếu không họ sẽ can thiệp quân sự vào nước này.
Vài ngày trước khi thời hạn này kết thúc, chính quyền quân sự mới của Niger đã yêu cầu sự giúp đỡ từ nhóm lính đánh thuê Nga Wagner, theo một nhà phân tích.
Theo ông Wassim Nasr, một nhà báo và nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Soufan, yêu cầu này được đưa ra trong chuyến thăm của thủ lĩnh cuộc đảo chính, Tướng Salifou Mody, tới nước láng giềng Mali, nơi ông ta đã liên lạc với một người nào đó từ nhóm Wagner.
“Họ cần Wagner để đảm bảo việc nắm giữ quyền lực ở Niger”, ông Nasr nói, đồng thời cho biết thêm rằng nhóm đánh thuê đang xem xét yêu cầu của phe đảo chính Niger.
Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng nhóm lính đánh thuê Nga có thể tìm kiếm cơ hội mới ở Niger. “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy Wagner cố gắng khai thác tình huống này để có lợi cho riêng họ. Họ đã cố gắng tận dụng các tình huống khác ở châu Phi để có lợi cho mình”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller cho biết.
Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Niger và gửi một phái đoàn đến thủ đô Niamey của nước này hôm 3/8 để tìm kiếm một “giải pháp hòa giải”. Tuy nhiên, một thành viên đoàn tùy tùng cho biết, họ đã bị từ chối vào Niamey để gặp lãnh đạo chính quyền quân sự, Tướng Abdourahmane Tchiani, và không ở lại lâu.
Hôm 4/8, Thượng viện Nigeria đã khuyên Tổng thống nước này kiêm Chủ tịch ECOWAS Bola Tinubu xem xét thêm các lựa chọn khác ngoài việc sử dụng vũ lực để khôi phục nền dân chủ ở Niger, lưu ý đến “mối quan hệ thân tình hiện có giữa người Niger và người Nigeria”.
Tuy nhiên, các quyết định cuối cùng của ECOWAS được đưa ra dựa trên sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên.
Các nhà lãnh đạo của ECOWAS hôm 4/8 đã đồng ý về kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger sau khi họp mặt tại thủ đô Abuja của Nigeria, trừ khi phe đảo chính khôi phục chế độ dân sự vào ngày 6/8.
“Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn khủng hoảng ở Niger, nhưng ECOWAS sẽ không nói cho những kẻ âm mưu đảo chính biết chúng tôi sẽ tấn công khi nào và ở đâu”, ông Abdel-Fatau Musah, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của tổ chức này tuyên bố.
Chính quyền quân sự của Niger đã thề sẽ đáp trả “ngay lập tức” bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài và đã giam giữ ông Bazoum cùng gia đình tại dinh thự của ông ở Niamey trong 10 ngày.
Chính phủ các nước láng giềng Mali và Burkina Faso đã nói rằng sự can thiệp vào Niger sẽ tương đương với một lời tuyên chiến chống lại họ.
Sau chuyến thăm Mali, Tướng Mody đã cảnh báo chống lại sự can thiệp quân sự, thề rằng Niger sẽ làm những gì cần thiết để không trở thành “một Libya mới”, đài truyền hình nhà nước Niger đưa tin hôm 4/8.
Niger được coi là đối tác chống khủng bố đáng tin cậy cuối cùng của phương Tây trong một khu vực thường xảy ra đảo chính trong những năm gần đây.
Mỹ và các đối tác khác đã rót hàng trăm triệu USD hỗ trợ quân sự để chống lại mối đe dọa thánh chiến ngày càng tăng trong khu vực. Pháp có 1.500 binh sĩ ở Niger, mặc dù các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính nói rằng họ đã cắt đứt các thỏa thuận an ninh với Paris. Mỹ có 1.100 nhân viên quân sự ở nước này.
Hiện vẫn chưa rõ sự can thiệp quân sự vào Niger sẽ diễn ra như thế nào, khi nào nó sẽ bắt đầu hay liệu nó có nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây hay không. Chính quyền quân sự của Niger đã kêu gọi người dân đề phòng gián điệp, và các nhóm tự vệ tự tổ chức đã huy động vào ban đêm để theo dõi và tuần tra thủ đô.
Nguyễn Tuyết (Theo AP, Euro News, CNN)