10:27, 09/05/2023
Hơn 3 năm triển khai Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, lực lượng này đang từng bước khẳng định được vị trí, vai trò “hạt nhân” trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội ở cơ sở…
Xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) là địa bàn giáp ranh với thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), có 3.530 hộ, 15.809 khẩu thuộc 13 dân tộc cùng sinh sống ở 7 thôn, 12 buôn; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 62%. Trước đây, Ea Sol là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT của huyện, nổi cộm là nạn trộm cắp tài sản, tệ nạn ma túy, cờ bạc… ảnh hưởng đến đời sống của người dân, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Vượt qua những khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, Công an xã Ea Sol nhanh chóng xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo ANTT; phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân tự phòng, tự quản, bảo vệ tài sản, cảnh giác với các loại tội phạm…
Các mô hình trên đã nhanh chóng phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Trong đó, mô hình “Camera giám sát ANTT” với 63 mắt camera được lắp đặt tại các trục đường chính, địa điểm công cộng tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT, qua đó có không ít vụ việc được phát hiện, đấu tranh, triệt phá nhờ trích xuất dữ liệu camera.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của nhân dân nên các vụ vi phạm pháp luật về ANTT, các loại tội phạm trên địa bàn xã giảm hơn 50% so với trước năm 2019. Riêng năm 2022, Công an xã tổ chức 165 lượt tuần tra, kiểm soát địa bàn với 682 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, qua đó phát hiện, nhắc nhở 42 đối tượng thanh thiếu niên có hành vi tụ tập đua xe; gọi hỏi, răn đe 6 đối tượng điều khiển xe mô tô rú ga, nẹt pô, đánh võng gây mất trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, Công an xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp hơn 50 vũ khí, vật liệu nổ và hơn 100 quả pháo nổ trái phép…
Đến nay, Ea Sol là xã duy nhất của huyện Ea H’leo không còn tệ nạn ma túy. Năm 2020, xã được đưa ra khỏi danh sách địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT của địa phương.
Trước đây, không ít người dân xã Cư Né (huyện Krông Búk) nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu bỏ đất, bỏ nhà cửa, buôn làng vượt biên trái phép đi tìm “miền đất hứa”.
Từ giữa năm 2019 đến nay, 10 cán bộ, chiến sĩ thuộc biên chế của Công an huyện Krông Búk được điều động về xã đảm nhận các chức danh Công an xã. Các anh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng địa phương và cùng với già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín xuống tận nhà tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe lời kẻ xấu. Nhờ đó 17 trường hợp vượt biên trái phép đã trở về quê hương. Với những người từng lầm lỗi, cán bộ, chiến sĩ Công an xã thường xuyên đến tận nhà thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, giúp đỡ để họ xóa đi mặc cảm, tự ti, yên tâm lao động, sản xuất.
Cư Né cũng là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; thanh thiếu niên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh công tác đấu tranh, quyết liệt xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Công an xã thường xuyên tuyên truyền nhân dân không trồng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, Công an xã Cư Né còn đẩy mạnh triển khai việc tuyên truyền mô hình “Kết nối mạng xã hội zalo – Bình yên cho mỗi gia đình” được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn hưởng ứng.
Các bài viết đăng tải trên trang Zalo “Công an xã Cư Né, huyện Krông Búk” tập trung vào các nội dung: cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội để nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm ANTT… thu hút hàng nghìn lượt xem, chia sẻ.
Từ năm 2019 đến nay, Công an xã đã vận động 18 đối tương đi cai nghiện bắt buộc; phát hiện 6 vụ, 6 đối tượng có hành vi trồng trái phép cây cần sa, thu giữ hơn 1.200 cây cần sa… Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông giảm hẳn.
Tháng 6/2022, Đại úy H’Tinh Hwing được điều động về công tác ở Tổ Hình sự, Công an xã Ea Bhốk với rất nhiều bỡ ngỡ, khó khăn bởi những đầu việc không tên mà hơn 5 năm công tác tại Đội Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an huyện Cư Kuin) chị chưa tiếp cận bao giờ.
Với nam giới, công tác ở Tổ Hình sự đã không hề dễ dàng, huống hồ là nữ!. Xác định rõ điều đó, Đại úy H’Tinh ưu tiên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ. Chị không quản ngại những “khâu yếu, việc khó”, từ tiếp dân, cấp căn cước công dân, bảo vệ hiện trường, tuần tra…
Công việc càng vất vả hơn, từ đầu tháng 4/2023, Đại uý H’Tinh được tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ việc thi công Dự án hệ thống thoát nước Trung tâm Hành chính huyện Cư Kuin ở buôn Ea Mtá (xã Ea Bhốk). Nhà cách nơi làm việc khoảng 15 km trong khi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Tranh thủ lúc giao ca ăn trưa, chị chạy vội về nhà chuẩn bị cơm nước, quần áo, sách vở… cho các con, nhiều hôm lại tất bật tạt qua Công an xã xử lý ngay những công việc đột xuất.
Đại úy H’Tinh trò chuyện: “Nhận nhiệm vụ tại Công an xã, tôi tranh thủ tối đa thời gian đi về các thôn, buôn để nắm bắt tình hình; đến từng nhà dân để lắng nghe tâm tư, tình cảm cũng như những kiến nghị, đề xuất của bà con xung quanh lĩnh vực an ninh trật tự. Trên cơ sở đó, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự”. Không kể ngày hay đêm; tranh thủ ngoài giờ hành chính, Đại úy H’Tinh đến từng nhà gặp gỡ các đối tượng quản lý, nắm tình hình, cảm hóa, giáo dục, răng đe nếu có biểu hiện nghi vấn…
Trách nhiệm với công việc, gần gũi với bà con, Đại úy H’Tinh nhanh chóng chiếm trọn niềm tin yêu của nhân dân nơi địa phương công tác. Và bà con buôn Kram (xã Ea Tiêu) càng yêu mến Đại úy H’Tinh hơn khi chị quyết định nhận nuôi Y’Lộc Hwing – em bé bị bỏ rơi ngoài hố rác (tháng 4/2019) trong lúc kinh tế gia đình không khá giả.
“Vì không được chăm sóc ngay từ đầu nên Y’Lộc bị viêm phổi nặng, sức khỏe khá yếu. Thương con lắm! Nhiều lúc sợ mình không vun đắp đủ tình yêu cho 3 đứa con. Dù khối lượng công việc của công an xã rất nhiều, nhưng mình cố gắng sắp xếp dành thời gian để quan tâm các con nhiều hơn”, Đại úy H’Tinh tâm sự.
Hay như Thiếu tá Đinh Ngọc Anh, Phó Trưởng Công an xã Đray Sáp (huyện Krông Ana) từng là trinh sát ma túy của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy (Công an huyện). Năm 2019, anh cùng đồng đội viết đơn tình nguyện về nhận công tác tại Công an xã Đray Sáp – địa bàn “nóng” về tình hình ANTT, phức tạp nhất là tội phạm hình sự, trộm cắp, ma túy. Thời điểm ấy, lực lượng công an chính quy mỏng, nơi ăn nghỉ chưa thực sự ổn định, song Thiếu tá Ngọc Anh cùng đồng đội nhanh chóng tiếp cận địa bàn, nắm người, nắm việc, ngày đêm nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia giữ gìn ANTT.
Xác định việc giữ vững ANTT trên địa bàn trọng điểm phải gắn liền với việc cảm hóa những người lầm lỡ, Thiếu tá Ngọc Anh đã đứng ra bảo lãnh cho anh N.V.H. (từng là đối tượng nghiện có nhiều tiền án với các tội danh cướp giật tài sản, trộm cắp, trốn tù) để UBND xã Dray Sáp xác nhận cho vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Ana mở xưởng mộc. Sau 2 năm lập nghiệp, xưởng mộc của anh H. đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động của xã Dray Sáp.
Thiếu tá Hàng A Trừ, Trưởng Công an xã Cư San (huyện M’Drắk) từng là cán bộ Đội An ninh Công an huyện 13 năm. Ở vị trí công tác này, anh chỉ đảm nhiệm một mảng việc, trong khi về công tác tại Công an xã, phải phụ trách toàn diện, từ quản lý hành chính, trật tự xã hội, tư pháp, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn thư tổng hợp… Do đó, năm 2020 về đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã, không ít lần anh lúng túng…
Sau thời gian ngắn nắm địa bàn, Thiếu tá Trừ tự trang bị cho mình cuốn sổ hồ sơ điều tra cơ bản gồm: những đối tượng nghiện, từng có tiền án, tiền sự, người chấp hành xong án phạt tù, tình hình an ninh chính trị ở 12 thôn. “Xã Cư San có đến 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Chúng tôi đặt ra mục tiêu chú trọng công tác dân vận để huy động sức mạnh toàn dân nâng cao tinh thần trách nhiệm đảm bảo tiêu chí xã bám cơ sở của lực lượng công an xã”, Thiếu tá Trừ cho biết.
Trong đợt thi đua cao điểm “100 ngày đêm thực hiện Chiến dịch cấp căn cước công dân” (từ ngày 1/3/2021 đến 30/6/2021), Thiếu tá Trừ mạnh dạn đề xuất lãnh đạo Công an huyện M’Drắk để Công an xã Cư San phối hợp với Tổ cấp căn cước công dân lưu động của huyện tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ. Kết thúc chiến dịch, Công an xã đã vận động thu hồi 55 khẩu súng tự chế. Kết quả này được Bộ Công an đánh giá cao và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Công an xã, Công an tỉnh đã mở trên 15 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho 1.794 cán bộ, chiến sĩ công an xã và mở lớp bồi dưỡng tiếng Ê đê cho 50 cán bộ, chiến sĩ. Hằng năm, cử nhiều cán bộ công an xã chính quy tham gia học tại các bậc, hệ đào tạo để nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ; biên tập, xây dựng, in ấn và cấp phát hơn 1.500 cuốn “Sổ tay công tác của lực lượng công an xã, phường, thị trấn” cho cán bộ công an xã, phường, thị trấn làm cẩm nang trong công tác xử lý tình huống hằng ngày…
Công an tỉnh còn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý cán bộ; chú trọng công tác đánh giá, phân loại, tạo điều kiện cho cán bộ công an xã, phường, thị trấn có điều kiện rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, đảm bảo tính ổn định, lâu dài. Đồng thời triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đặc thù đối với công an cấp xã nhằm động viên, khuyến khích cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, phục vụ lâu dài ở cơ sở, nhất là những địa bàn khó khăn.
Công an tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư mua sắm, trang bị cho lực lượng công an xã. Đến nay, đơn vị đã mua mới và cấp 4 xe ô tô tải (cho công an 4 xã biên giới), 459 xe mô tô; 587 máy tính để bàn, 251 máy in kèm thiết bị tích điện, 152 máy hủy tài liệu; 164 tủ đựng vũ khí, 79 tủ hồ sơ và hàng chục nghìn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật, thiết bị phòng cháy chữa cháy, quân trang… cơ bản đáp ứng yêu cầu làm việc, chiến đầu của lực lượng công an xã chính quy. Đến nay, 100% Công an các xã đã được xây dựng mới nhà làm việc, trong đó, khoảng 40% xã được xây trên đất độc lập, còn lại là xây dựng tạm trên đất của UBND xã.
Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, việc đưa công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã đã đảm bảo tính ổn tại cơ sở, khắc phục được những tồn tại trước đây. Ngay từ khi được điều động về địa bàn, lực lượng công an xã chính quy đã tích cực triển khai thực hiện các mặt công tác, đổi mới phương pháp làm việc theo phương châm “công an tìm đến dân”, “gần dân, hiểu dân”, “lúc dân cần, lúc dân khó có công an”.
Vượt qua những định kiến, khó khăn ban đầu về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, địa bàn rộng công cụ hỗ trợ, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp; Công an xã chính quy không chỉ là lực lượng chủ công thực hiện các chủ trương lớn của Bộ Công an mà đang trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân và chính quyền trong phát triển mọi mặt về chính trị, kinh tế và đời sống. Qua đó, góp phần giúp lực lượng Công an tỉnh nhận được những thành tích đáng giá như: Huân chương bảo vệ Tổ quốc của Chủ tịch nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ Công an; Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác Công an.
Nội dung: Hoàng Ân – Thế Hùng
Hình ảnh: Nhóm PV, CTV
Trình bày: Hà Anh – Đức Văn