Tác nghiệp ngày đêm giữa tâm lũ
Để có thời lượng gần 30 phút phim lên sóng tối 22/9, ê-kíp thực hiện phim tài liệu Bom nước bám địa bàn tỉnh Yên Bái trong ba ngày, giữa thời điểm địa phương hứng chịu trận lũ lịch sử giữa tháng 9.
Bom nước ghi lại những căng thẳng của lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, địa phương, sự lo lắng của người dân khi đập thủy điện Thác Bà có nguy cơ vỡ.
Phim do Trung tâm phim tài liệu Đài truyền hình Việt Nam sản xuất. NSƯT Tạ Quỳnh Tư chịu trách nhiệm sản xuất. Đây là bộ phim tài liệu đầu tiên của nữ đạo diễn trẻ Đặng Quỳnh Ngọc.
Ê-kíp chuyển tải những chỉ đạo nóng của lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, địa phương, bám sát từng diễn biến trên lòng hồ thủy điện Thác Bà. |
Chia sẻ với Tiền Phong về quá trình thực hiện phim tài liệu về trận lũ lịch sử, NSƯT Tạ Quỳnh Tư cho biết rất nhiều đoàn phóng viên, quay phim… được nhà đài cử đi tác nghiệp hiện trường trong đợt bão lũ vừa qua. Trung tâm phim tài liệu nhận nhiệm vụ thực hiện một bộ phim, nhưng lựa chọn đề tài ra sao để vừa thời sự, vừa có tính lắng đọng là bài toán khó giải.
“Tôi giữ quan điểm không nên làm một bộ phim chỉ nói về thiệt hại của bão lũ hoặc tổng hợp lại quá trình cứu trợ người dân mà phải tìm ra một đề tài mới mẻ, nóng hổi. Giữa lúc đắn đo, tin tức đập thủy điện Thác Bà đang gặp nguy hiểm được lan truyền rất nhanh. Chúng tôi quyết định phải bám vào đó để làm phim. Đạo diễn trẻ Đặng Quỳnh Ngọc xung phong vào điểm nóng, dành nhiều tâm huyết cho bộ phim đầu tay”, NSƯT Tạ Quỳnh Tư nói.
Những khoảnh khắc căng thẳng khi theo dõi mực nước ở thủy điện. |
Ê-kíp ở lại Yên Bái trong 3 ngày. Bộ phim mở đầu bằng những hình ảnh về sức tàn phá chưa từng thấy của bão YAGI ở một số địa phương phía Bắc trong ngày 7/9. Sau đó, những thước phim tập trung ở Yên Bái, ghi lại thời điểm sáng 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải ra công điện yêu cầu nhà máy thủy điện Thác Bà mở cửa xả thứ 3.
Nhà làm phim bám sát từng diễn biến về trận lũ chưa từng thấy ở Yên Bái, với cảnh hàng chục nghìn người dân phải sơ tán cả ngày lẫn đêm. Mực nước dâng cao theo từng giờ, buộc những người có trách nhiệm phải cân não với quyết định phá hay không phá đập phụ để giảm sức ép cho đập chính.
Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo họp trực tuyến gấp về thủy điện Thác Bà khi đang thị sát ở Bắc Giang là một trong những dấu ấn của phim Bom nước.
Ý kiến của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Tổng Giám đốc CTCP Thủy điện Thác Bà… cũng được đoàn phim nhanh chóng ghi lại. Tất cả đều cho thấy sự hối hả, quyết tâm bảo vệ bằng được tính mạng và tài sản của người dân. Kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất đã có.
Rất may, đến ngày 11/9, mưa giảm hẳn, đập thủy điện chứa 3,9 tỷ m3 nước trở lại vận hành an toàn.
Làm gấp rút vẫn nêu bật thông điệp
Sau ba ngày căng thẳng cùng thủy điện Thác Bà, đoàn phim Bom nước chỉ có thêm khoảng 6 ngày làm hậu kỳ, kể cả phần đồ họa để người xem dễ hình dung câu chuyện căng thẳng ở thủy điện Thác Bà. Bộ phim tài liệu được hoàn thiện trong chưa đầy hai tuần.
NSƯT Tạ Quỳnh Tư khẳng định dù trong thời gian gấp gáp, một số chi tiết về đồ họa chưa được như ý nhưng phim đáp ứng tính thời sự, tổng hợp nhiều thông tin về công trình thủy điện Thác Bà.
“Cuối phim, chúng tôi đưa ra thông điệp rất rõ ràng. Đó là kiến nghị về Luật bảo vệ và điều tiết đê điều cùng những việc cần phải làm trong thời gian tới để đảm bảo an toàn hồ đập giữa mùa lũ. Ê-kíp nói chung và riêng đạo diễn Đặng Quỳnh Ngọc quyết tâm cao để thực hiện bộ phim trong thời gian ngắn, điều kiện tác nghiệp hạn chế”, NSƯT Tạ Quỳnh Tư chia sẻ.
Cảnh nước ngập mênh mông được ê-kíp ghi lại. |
Phim Bom nước càng chân thực nhờ nguồn tư liệu của các phóng viên vùng miền tác nghiệp ở tâm bão, tâm lũ, một số hình ảnh cập nhật từ mạng xã hội trong bối cảnh nhiều vùng bị cô lập, chịu thiệt hại nặng nề.
Các nhà làm phim thêm một tác phẩm ấn tượng với lát cắt mới, nhiều chi tiết chuyên sâu được đưa vào phim.