Bất chấp mọi diễn biến trong 3 năm qua, kể cả xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt Moscow, châu Âu vẫn là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga, cả lượng hàng qua đường ống và LNG.
Vì khí đốt đường ống của Nga sang châu Âu phần lớn đã bị cắt vào năm 2022, LNG trở nên quan trọng hơn đối với cả hai bên. (Nguồn: PA) |
Tháng 11 lạnh giá, giá khí đốt tăng cao và trước ngưỡng cửa kết thúc một hợp đồng khí đốt đường ống quan trọng từ Nga sang châu Âu qua Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng lục địa già đang bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng năng lượng mới.
Giá khí đốt tăng trong những tuần gần đây đã gợi lại những ký ức không vui cho các nhà giao dịch năng lượng và các chính phủ châu Âu.
Người ta vẫn còn nhớ các vấn đề đã ảnh hưởng đến thị trường năng lượng Liên minh châu Âu (EU) sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, giữa lúc châu lục này cố gắng chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của xứ bạch dương. Bối cảnh này đã khiến giá cả tăng vọt.
Ngoài việc thúc đẩy lạm phát nghiêm trọng hơn, việc giá khí đốt tăng còn dẫn đến những lo ngại về khả năng mất điện, đồng thời dẫn đến nhiều vấn đề đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, tới mức phải dừng hoạt động và công nhân mất việc làm.
Cuối cùng, châu Âu đã vượt qua được hai mùa Đông vừa qua, phần lớn là nhờ thời tiết ôn hòa hơn dự kiến giúp duy trì việc sử dụng năng lượng ở mức thấp. Tuy nhiên, khởi đầu lạnh giá của tháng 11 năm nay đã góp phần làm giá khí đốt tự nhiên tăng vọt trở lại.
Ngày 21/11, giá khí đốt tại châu Âu lên mức gần 49 Euro (51,6 USD) cho mỗi megawatt-giờ (MWh), mức cao nhất trong hơn một năm qua.
Nỗi lo sợ có hợp lý không?
Thời tiết lạnh giá đã khiến người dân sử dụng lò sưởi nhiều hơn, kết hợp với tốc độ gió thấp ở Bắc Âu và sự sụt giảm nguồn cung năng lượng tái tạo, nhu cầu về khí đốt đang tăng cao.
Tuy nhiên, giá mặt hàng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất trong năm 2022, đặc biệt là khi nhu cầu khí đốt nói chung đã giảm. Cú sốc này cũng có thể được giải thích một phần bởi thực tế rằng trong suốt năm 2024, giá đã thấp hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu.
Nhà phân tích năng lượng Petras Katinas tại Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) cho biết: “Giá đã tăng khoảng 40% kể từ giữa tháng 9. Đây là một bước nhảy vọt đột ngột khá lớn”.
Viễn cảnh về một mùa Đông lạnh hơn đã dẫn đến lo ngại rằng hàng tồn kho – vốn được dự trữ đầy đủ cho đến gần đây – có thể cạn kiệt và thúc đẩy giá tăng theo chu kỳ.
Tuy nhiên, ông Katinas nhận định, sức ảnh hưởng của Nga đối với thị trường châu Âu đã suy yếu đáng kể kể từ năm 2022 và việc nói về “cuộc khủng hoảng” là quá đáng.
Chuyên gia này nói: “Tôi sẽ không gọi đó là khủng hoảng, đặc biệt là nếu chúng ta so sánh những gì thực sự đã xảy ra vào năm 2022 và 2023. Phần lớn các quốc gia thành viên EU không còn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga nữa”.
Vai trò của khí đốt Nga
Tuy nhiên, những câu hỏi xung quanh khí đốt của Nga vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến bức tranh toàn cảnh.
Moscow hiện không còn là gã khổng lồ như trước đây về nguồn cung cấp khí đốt cho EU. Tỷ lệ khí đốt đường ống của nước nàyđược các quốc gia thành viên nhập khẩu đã giảm từ 40% tổng lượng vào năm 2021 xuống còn khoảng 9% vào năm 2023.
Tuy nhiên, theo dữ liệu gần đây của CREA, sự gia tăng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vào khối này có nghĩa là nó vẫn chiếm 18% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU, tăng gần 5% so với năm 2023.
Cuối cùng, việc cung cấp khí đốt đường ống của Nga cho liên minh dường như sắp kết thúc. Áo, một trong những quốc gia châu Âu cuối cùng vẫn nhận khí đốt đường ống từ xứ bạch dương, cuối cùng đã ngừng nhận hàng sau một tranh chấp pháp lý với Gazprom, công ty khí đốt nhà nước của Nga.
Trong khi Slovakia và Hungary vẫn nhận được khí đốt đường ống của Moscow, mọi dấu hiệu đều cho thấy thỏa thuận cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu qua Ukraine, hết hạn vào cuối năm 2024 và sẽ không được gia hạn. Theo đó, thỏa thuận vận chuyển khí đốt kéo dài 5 năm giữa Gazprom và công ty nhà nước Naftogaz của Ukraine để vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024 và Kiev cho biết họ sẽ không gia hạn thỏa thuận này.
Mặc dù đường ống TurkStream vẫn cung cấp khí đốt cho Hungary, việc chấm dứt dòng chảy qua Ukraine sẽ gây áp lực buộc các nước Trung Âu phải tìm nguồn cung cấp thay thế.
Ông Borys Dodonov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và khí hậu tại Trường Kinh tế Kiev, cho rằng thỏa thuận vận chuyển khí đốt sẽ kết thúc vì “Ukraine không có lý do kinh tế nào để gia hạn hợp đồng này”.
Việc chuyển hướng sang LNG có nghĩa là châu Âu dễ bị tổn thương hơn trước áp lực giá cả toàn cầu. (Nguồn: bne IntelliNews) |
Chỉ ra khả năng các bên sẽ triển khai một số thỏa thuận thay thế, chuyên gia này nói: “Chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ thỏa thuận ẩn nào”, và bản thân EU có thể vận động hành lang để duy trì dòng khí đốt nhằm tránh tình trạng thiếu hụt tiềm ẩn ở các quốc gia như Slovakia và Hungary.
Đáng chú ý là bất chấp mọi diễn biến trong 3 năm qua, EU vẫn là khách hàng lớn nhất của Moscow đối với cả khí đốt đường ống và LNG. Vào tháng 10/2024, khối này đã mua 49% tổng lượng khí đốt LNG xuất khẩu của Nga và 40% tổng lượng khí đốt đường ống xuất khẩu của nước này.
LNG có giải quyết được vấn đề?
Vì khí đốt đường ống của Nga sang châu Âu phần lớn đã bị cắt vào năm 2022, LNG trở nên quan trọng hơn đối với cả hai bên. Lượng LNG của Moscow vào khối 12 quốc gia thành viên đã tăng gần 15% trong năm nay.
Khẳng định rằng châu Âu không cần bất kỳ khí đốt nào của Nga, bao gồm cả LNG, do công suất LNG mới đến từ Mỹ, ông Dodonov hy vọng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ tăng sản lượng LNG và lục địa già có thể chuẩn bị cho một thỏa thuận thương mại khí đốt lớn với quốc gia này.
Tuy nhiên, ông Ed Cox, Giám đốc LNG toàn cầu tại nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa độc lập ICIS, lưu ý rằng LNG hiện chiếm 34% tổng thị phần khí đốt của châu Âu kể từ năm 2022, gấp đôi so với trước đó. Việc chuyển hướng sang LNG có nghĩa là châu Âu dễ bị tổn thương hơn trước áp lực giá cả toàn cầu.
Chuyên gia ICIS nói: “Châu Âu gắn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết với các yếu tố cơ bản trong thị trường toàn cầu”, mặc dù nhu cầu khí đốt nói chung của lục địa này đã giảm khoảng 20% so với giai đoạn trước năm 2022 do giá cao, thời tiết ấm hơn dự kiến và công suất năng lượng tái tạo tăng.
Nhà phân tích Cox tin rằng, trong trường hợp mùa Đông lạnh giá và thỏa thuận quá cảnh khí đốt Ukraine kết thúc, EU vẫn có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình bằng LNG. Tuy nhiên, điều này sẽ đi kèm với rủi ro giá cao hơn nhiều vì nguồn cung sẽ không tăng đáng kể trong ngắn hạn.
Ông nói: “Châu Âu sẽ có đủ LNG nếu cần. Nhưng điều đó có nghĩa là giá mặt hàng này tại lục địa già phải tăng cao hơn để cạnh tranh với nhu cầu của châu Á”.
Chuyên gia này kết luận, giá khí đốt cao hơn để bổ sung vào kho dự trữ sau mùa Đông, điều đó sẽ có tác động lan tỏa đến mùa lạnh năm 2025 và sau đó. “Vấn đề không phải là chúng ta có đủ LNG hay khí đốt hay không, mà thực sự là về tác động của giá cả”, nhà phân tích Cox nhận định.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dut-tinh-khi-dot-nga-lng-my-gia-cao-ngat-chau-au-de-ton-thuong-den-muc-nao-296196.html