Chiều 30-4-1975, chính quyền Ngụy tại thị xã Rạch Giá, tỉnh Rạch Giá đầu hàng cách mạng không điều kiện. Đến sáng sớm ngày 1-5, các địa bàn còn lại của tỉnh như Tân Hiệp, Vĩnh Thuận, Gò Quao… cũng được giải phóng hoàn toàn. Ảnh tư liệu: TTXVN
Mặc dù trước đó lúc 2 giờ đạn còn nổ trên đầu, nhưng 4 giờ kém 15 chiều ngày 30-4-1975, nhóm nhà báo đi cánh phía tây chúng tôi gồm: Lê Ngọc Bích, Lê Nam Thắng (phóng viên); Nguyễn Thanh Hà, Võ Vạn Trăm (điện báo viên) từ bờ bắc phía Mỹ Lâm cũng vượt được sông sang bờ nam đường liên tỉnh lộ Rạch Giá – Hà Tiên đoạn phía trên cầu số 2 vài trăm mét, vào tiếp quản thị xã Rạch Giá.
Nhớ lại cái khoảnh khắc giao thời rất ngắn giữa chiến tranh và hòa bình ở đây như có cái gì rất lạ, trong lòng mọi người ai trào dâng cảm xúc, khó diễn tả được bằng lời.
Dưới cái nắng của ngày cuối xuân đầu hạ trãi vàng như rót mật, con đường nhỏ dẫn vào nội ô thị xã đây đó thấp thoáng cờ giải phóng đẹp đến nao lòng! Qua ống kính máy ảnh tha hồ để chúng tôi ghi lại những khoảnh khắc nếu không nói là lịch sử, thì nó cũng vô cùng quý giá trong thời điểm có một không hai này.
Chẳng mấy chốc nhà nhà đều mở rộng cửa, bà con ào ra đường vây lấy chúng tôi thăm hỏi đủ điều. Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng nửa xanh nửa đỏ sao vàng tung bay càng nhiều thêm. Cờ được cắm trang trọng trước cửa mỗi gia đình, trên xe lam, xe xích lô, cờ trên tay anh chị công nhân, trên tay cụ già, em bé.
Nhớ lại mà thấy tiếc, chế độ mỗi phóng viên chiến trường lúc đó máy ảnh chỉ được trang bị 2 cuộn film ORWO NP 20 vỏn vẹn 60 kiểu ảnh, máy ghi âm chỉ duy nhất 1 cuộn băng ghi âm C 60 thời lượng 30 phút, nên khi tác nghiệp có dè sẻn đến đâu cũng không thể đủ.
Đêm hôm đó, cánh nhà báo chúng tôi lần lượt hội quân về chỗ nhà văn hóa Nguyễn Trung Trực. Tuy chưa rũ hết bụi đường, mất ngủ mệt và đói tạm thời cho qua. Ai cũng bắt tay ngay vào việc… cốt sao cho tin, bài, ảnh báo tin chiến thắng từ vùng đất cuối cùng phía trời tây nam này được phát đi nhanh nhất về Thông tấn xã Giải Phóng, Đài phát thanh Giải Phóng.
Ngày đó phương tiện truyền tin còn thô sơ lắm, mỗi lần phát tin phải giăng một đoạn dây ăng ten trần dài cả hơn 100m trên 2 ngọn cây thật cao đúng tầm, đúng hướng tín hiệu phát đi mới đến được nơi cần nhận. Những năm ở rừng U Minh thì xem ra không mấy khó khăn, vì có vô số ngọn cây tràm cao chót vót. Có điều mỗi lần phát đi một bản tin, có khi phải hứng chịu bom, pháo của giặc do thường có các loại máy bay do thám chuyên phát hiện chỉ điểm ở trên trời, mà mình không hay biết.
Mới vào thị xã điều kiện chân ước chân ráo, trong khi phía trước nhà văn hoá Nguyễn Trung Trực chỉ có mỗi 2 góc phượng cao quá đầu người, làm sao giăng được 2 đoạn dây ăng ten trần cả trăm mét để phát sóng chuyển tin bài, về Thông tấn xã, về Đài phát thanh cũng là điều nan giải?
Cực nhất vẫn là Thanh Hà, Võ Vạn Trăm, 2 điện báo viên chạy đôn chạy đáo tìm đủ thứ cây dài chắp nối chiều cao cần có theo yêu cầu kỹ thuật. Ngoài nỗ lực của chúng tôi, còn có sự tiếp sức của nhà báo Đoàn Viện chủ bút báo Sông Kiên, chị Trần Ngọc Hương xướng ngôn viên của Đài truyền thanh thị xã Rạch Giá, những người đang làm việc cho chế độ củ, lẽ ra họ chạy đi nhưng tình nguyện ở lại.
Cuối cùng thì 20 giờ 30 đêm 30-4-1975 đó, cánh sóng của tổ đài số 2 đi chiến trường Rạch Giá, mang ký hiệu: POP 3 cũng nối được tín hiệu với Thông tấn xã Giải phóng, trong niềm vui của những người có mặt.
Còn nhớ, bản tin chưa đầy 400 từ, viết tay trên 2 trang giấy tập học trò có tiêu đề “Lực lượng vũ trang cùng với các tầng lớp nhân dân nhất tề nổi dậy làm chủ thị xã Rạch Giá, tỉnh Rạch Giá hoàn toàn được giải phóng”. Bản tin do nhà báo gạo cội Phạm Xuân Yên người đi cánh quân phía đông chấp bút, được thông qua các đồng chí trong ban chỉ huy tiền phương chưa đầy 1 giờ đồng hồ trước đó. Đồng thời, đây cũng là bản tin cuối cùng về đề tài chiến tranh cách mạng tại chiến trường tỉnh Rạch Giá ngày đó.
Tôi là phóng viên được phân công viết bài báo thứ 2 phản ánh những hình ảnh xúc động có thật của lực lượng vũ trang, của các tầng lớp nhân dân trong cái thời khắc giải phóng thị xã. Phát ngay trong đêm được thì tốt, còn nếu có trễ lắm cũng kịp cho buổi phát tin vào sáng sớm hôm sau.
Thú thật ngay từ đầu được phân công đi chiến dịch, tôi đã tính đến phương án và bố cục của bài viết này và thực tế những ngày đi chiến dịch, cũng như bối cảnh vừa diễn ra chiều nay, chính mình là người trong cuộc cũng không khác mấy. Nhưng trên thực tế, khi ngồi chấp bút xâu chuỗi nó lại theo trình tự có đầu, có đuôi lại là một khó khăn chưa từng gặp suốt những năm theo nghề làm báo.
Cái chính là quá quen thuộc với cách ngồi viết lấy ba lô làm bàn, viết bên chiến hào, viết dưới hầm trú ẩn, viết trong điều kiện có bom rơi đạn nổ mới vừa hôm qua đấy thôi. Mà tối nay vẫn công việc thường ngày đó, lại được ngồi viết giữa lòng thị xã rất thanh bình không còn cảnh chiến tranh, cảnh chết chóc do bom rơi đạn nổ…
Nghĩ trong hoàn cảnh đó, cũng khó có ai kìm nén được cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Nghĩ mà thương những đồng nghiệp của tôi hy sinh còn nằm lại đây đó nơi góc rừng U Minh Thượng, nơi chiến trường trọng điểm không kịp về thị xã trong ngày vui đại thắng. Cuối cùng thì trọn đêm không ngủ, tôi cũng hoàn thành xong bài báo với đề tựa “Kiên Giang ngày đầu giải phóng”, kip giao cho người điện báo viên trực phát tin sáng đang chờ.
Từ căn phòng còn thơm mùi vôi mới nhà văn hoá Nguyễn Trung Trực, tôi nhẹ nhàng mở cánh cửa bước ra ngoài, trong buổi ban mai một cảm giác trong lành ùa vào rất dễ chịu. Nhìn dòng sông Kiên vẫn chuyên cần chảy xuôi ra biển. Phía bên kia sông, trên tháp cao nhà lồng chợ Rạch Giá cờ giải phóng tung bay trong nắng sớm của ngày 1-5, ngày quốc tế lao động, chỉ sau cái thời khắc hoà bình chưa đầy 24 giờ.
Giữa lòng thị xã, dòng người trên những con phố nối dài đổ ra đường càng nhiều thêm. Hình như ai cũng chọn cho mình bộ đồ đẹp nhất!
LÊ NAM THẮNG