Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã xác định lấy Hà Nội làm điểm đầu. Vậy TP phải chuẩn bị những gì cho vai trò này thưa ông?
– Như đã biết, nghiên cứu ban đầu của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã xác định điểm đầu nằm tại ga Ngọc Hồi (huyện Phú Xuyên), điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). Tuyến đường sắt này có vai trò cực kỳ quan trọng với cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Điều cần nhất trước tiên là Hà Nội phải khớp nối quy hoạch riêng với quy hoạch chung mạng lưới đường sắt; xây dựng quy hoạch chi tiết khu vực phát triển xung quanh ga Ngọc Hồi.
Chúng ta đã đưa các nội dung này vào Quy hoạch GTVT Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, về cơ bản đã đồng bộ với quy hoạch vùng và mạng lưới đường sắt quốc gia để có cơ sở triển khai các quy hoạch chi tiết. Nói cách khác, ngay từ bây giờ chúng ta đã phải tính toán cụ thể vị trí nào quanh nhà ga Ngọc Hồi sẽ làm gì, để bắt nhịp với tiến độ triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi đã được quy hoạch như thế nào thưa ông?
– Tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ được xây dựng trên nền ga Ngọc Hồi hiện nay, mở rộng ra diện tích với khoảng 250ha. Đây sẽ là đầu mối của ba loại hình: đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Nó sẽ làm điểm trung chuyển hành khách, hàng hóa từ các tỉnh, TP về Hà Nội và ngược lại.
Xung quanh khu vực cũng sẽ được kết nối với bến xe liên tỉnh phía Nam, sân bay thứ 2 của Hà Nội… tạo nên một trung tâm logistics, đầu mối giao thông tầm cỡ nhất của Thủ đô, có ảnh hưởng đến cả Vùng Thủ đô, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có ý nghĩa như thế nào với Hà Nội thưa ông?
– Với tuyến đường sắt tốc độ cao, đặc biệt là vị thế điểm đầu, Hà Nội sẽ có rất nhiều lợi ích. Khu vực đô thị cửa ngõ phía Nam Thủ đô sẽ có cơ hội bứt phá nhanh, tạo động lực kích thích tăng trưởng GDP cho TP cũng như cả nước. Và quan trọng hơn, đây còn là cơ hội để Hà Nội cùng cả nước phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, làm giàu cho xã hội.
Ông có thể phân tích cụ thể hơn vấn đề này?
– Đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ tạo ra sự tăng trưởng đột phá cho kinh tế của cả nước, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm mà tuyến đường đi qua. Trên lộ trình dự kiến, tuyến sẽ trực tiếp chạy qua 20 tỉnh, TP. Nhưng không chỉ như vậy, cả những tỉnh, TP lân cận 20 địa phương nêu trên cũng sẽ được hưởng lợi. Kết nối về hành khách, hàng hóa sẽ mạnh mẽ, liên tục hơn, tạo nên những luồng lưu thông lớn, ổn định, nhanh chóng, từ đó sản sinh ra lợi nhuận dịch vụ và điều kiện để phát triển đô thị cũng như công nghiệp; từ đó sẽ kích thích tăng trường GDP cho Hà Nội cũng như cả nước.
Chỉ riêng trong thời gian xây dựng, tính toán của Bộ GTVT đã cho thấy tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ góp phần tăng GDP bình quân cả nước khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm. Cùng với đó, khai thác thương mại dự kiến thu được khoảng 22 tỷ USD… Các yếu tố này sẽ góp phần cải thiện toàn bộ chỉ tiêu tài chính vĩ mô của cả nước.
Đặc biệt, sau khi đưa đường sắt tốc độ cao vào khai thác sẽ tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế – xã hội cả nước. Với Hà Nội, dự án sẽ là động lực để phát triển đô thị tại khu vực quanh nhà ga đường sắt cao tốc, là điều kiện để xây dựng mô hình đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) giúp tối ưu hóa không gian và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuyến đường sắt cao tốc nói trên còn tạo cơ hội cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Quá trình từ khi xây dựng, cho đến vận hành, bảo trì về sau này, không chỉ riêng đường sắt tốc độ cao mà đường sắt Quốc gia và đường sắt đô thị đều sẽ cần đến linh kiện, phụ kiện, máy móc, các sản phẩm phục vụ logistics…
Với quy mô lớn dự kiến 250ha, đảm nhiệm điểm đâu cho cả ba loại hình đường sắt, nếu được đầu tư đúng hướng, bài bản, Tổ hợp ga Ngọc Hồi và đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội sẽ trở thành một đô thị công nghiệp với hai thế mạnh nhất là logistics và công nghiệp phụ trợ. Sản xuất, kinh doanh, giao thương là nền tảng để xây dựng đô thị phồn vinh, bền vững.
Nếu phát triển đô thị cửa ngõ phía Nam theo hướng công nghiệp và đầu mối giao thông, logistics lớn như vậy, Hà Nội cần lưu ý những vấn đề gì?
- Tôi cho rằng thứ nhất cần quan tâm là quản lý quy hoạch, trong đó bao gồm cả xây dựng, quản lý, xử lý nghiêm vi phạm về quy hoạch. Quy hoạch là kịch bản phát triển, không quản lý tốt sẽ dẫn đến bất cập trên mọi lĩnh vực.
Thứ hai là phải tập trung xây dựng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả: giao thông, môi trường, điện, nước… chuẩn bị sẵn mọi điều kiện để đô thị này có thể đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Thứ ba là phải tập trung cao độ cho vấn đề bảo vệ môi trường. Như đã xác định, đô thị cửa ngõ phía Nam sẽ trải qua một quá trình xây dựng khu depot cho các tuyến đường sắt kéo dài; tiếp đó là phát triển logistics và công nghiệp phụ trợ. Những giai đoạn này đều sẽ có rất nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi TP phải rất quan tâm, quản lý chặt chẽ.
Tuy nhiên, khu vực đô thị cửa ngõ phía Nam với ga đường sắt làm trung tâm hiện vẫn còn chưa định hình rõ nét, còn nhiều khoảng trống, đó là điều kiện để làm quy hoạch, xây dựng hạ tầng một cách hợp lý, khoa học, chỉn chu ngay từ đầu.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội?
– Đây chắc chắn sẽ là một trong những khu vực công nghiệp, logistics phát triển nhất của Hà Nội, đặc biệt khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi đi vào vận hành.
Cần nhớ rằng đầu mối giao thông lớn cả về hành khách và hàng hóa này còn có sự kết hợp của sân bay thứ hai, bến xe khách phía Nam… Chính vì vậy, Hà Nội dự kiến sẽ bổ sung Tuyến đường sắt đô thị số 1A; Ngọc Hồi – sân bay thứ 2. Có thể nói nơi đây sẽ là tổ hợp vận tải quy mô lớn nhất, mang đến rất nhiều việc làm, kích thích kinh tế – xã hội của Thủ đô phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/duong-sat-toc-do-cao-kich-thich-tang-truong-gdp-va-cong-nghiep-phu-tro.html