Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GTVT đang trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam (Dự án).
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, từ tháng 10/2023 đến nay, Bộ GTVT đã lấy kiến của 24 bộ, ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, đa số các ý kiến đều đánh giá công tác chuẩn bị nghiên cứu dự án phù hợp với định hướng của Đảng về phát triển đường sắt. Chính phủ cũng đã thống nhất phương án đầu tư, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam với tốc độ thiết kế 350 km/giờ, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là tiền đề đưa Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao. Ảnh: TTXVN
Ngày 18/9/2024, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về chủ trương đầu tư dự án, xác định: Đường sắt tốc độ cao là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; thống nhất chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam với phương án đầu tư toàn tuyến theo hình thức đầu tư công, tốc độ thiết 350 km/giờ, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết; đồng ý có cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt để huy động nguồn lực hợp pháp triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 55- NQ/TW ngày 20/9/2024 thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/giờ) trục Bắc Nam.
Theo rà soát của Bộ GTVT, hiện nay, nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc Nam lớn, nhất là vận tải hành khách, chi phí vận tải còn cao, thời gian đi lại dài, chưa thuận tiện, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vận tải đường sắt có ưu thế về vận chuyển khối lượng lớn, nhanh, an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý, giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, nên lựa chọn ưu tiên đầu tư đường sắt tốc độ cao để tạo động lực phát triển bền vững quốc gia.
Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng dự án vào năm 2027, khi quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD để đầu tư không còn là trở ngại lớn. Việc sớm đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam là cần thiết, cấp thiết, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch, trong đó mục tiêu trọng tâm là đưa Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, hành lang kinh tế Bắc Nam đóng vai trò quan trọng nhất của cả nước, kết nối 3/6 vùng kinh tế xã hội, 20 tỉnh/thành phố, 2 đô thị đặc biệt, 17 đô thị loại I quy mô dân số 500.000 dân, khoảng 54% dân số đô thị cả nước, 67% khu kinh tế ven biển, khoảng 63% khu kinh tế, 72% cảng biển lớn loại I, II, đóng góp trên 51% GDP cả nước. Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định phát triển hành lang kinh tế Bắc Nam trở thành trục động lực để kết nối các hành lang kinh tế Đông Tây, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cả nước nhanh, hiệu quả và bền vững.
Do đó, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh là cần thiết để đảm nhận thiếu hụt về năng lực vận tải hành khách, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tài theo hướng hợp lý, bền vững. Việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD) và hàng triệu việc làm…
Dựa trên các chỉ số kinh tế hiệu quả trên, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn đầu tư dự án có tốc độ thiết kế 350 km/giờ cho tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam để đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa kinh tế nước ta và xu hướng trên thế giới.
Quá trình lập dự án Bộ GTVT đã nghiên cứu 2 phương án đầu tư gồm: Phương án đầu tư toàn tuyến, cơ bản hoàn thành thành năm 2035 (đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP Hồ Chí Minh khởi công năm 2027, đoạn Vinh – Nha Trang khởi công năm 2028, hoàn thành xây dựng năm 2035) và phương án đầu tư phân kỳ 2 giai đoạn, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2040 (đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP Hồ Chí Minh khởi công năm 2027, hoàn thành xây dựng năm 2032; đoạn Vinh – Nha Trang khởi công năm 2033, hoàn thành xây dựng năm 2040).
Về phương án đầu tư dự án với tốc độ thiết kế 350 km/giờ; chiều dài khoảng 1.541 km; đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa… có tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD/km là mức trung bình so với một số nước khi quy đổi về thời điểm năm 2024 (suất đầu tư phụ thuộc vào điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, khả năng nội địa hóa…)
Căn cứ khả năng huy động nguồn lực và các giải pháp, chính sách đặc thù kèm theo, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư toàn tuyến với tiến độ dự kiến: Trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024); đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn tuyến năm 2035, sớm hơn 10 năm so với Kết luận số 49-KL/TW.