Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dự kiến có tổng mức đầu tư là 11,6 tỉ USD. Trung Quốc khẳng định sẵn sàng cung cấp viện trợ để Việt Nam xây dựng báo cáo khả thi của dự án này.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 11-12, trong khuôn khổ các hoạt động nhân dịp phiên họp lần thứ 16 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc hội kiến với Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc (CIDCA) La Chiếu Huy.
Đẩy nhanh 3 tuyến đường sắt nối Việt Nam và Trung Quốc
Trao đổi về một số dự án cụ thể tại cuộc gặp ngày 9-12, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Minh Vũ đề nghị Trung Quốc sớm phê duyệt viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Với 2 tuyến đường sắt còn lại trong tương lai sẽ kết nối với Trung Quốc là Đồng Đăng – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng, ông Vũ đề nghị phối hợp đẩy nhanh triển khai xây dựng quy hoạch.
Ông Vũ, người cũng là tổng thư ký Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương, còn đề nghị đẩy nhanh ký kết văn kiện xác nhận cấp ODA không hoàn lại cho dự án sửa chữa và bảo trì Cung Hữu nghị Việt – Trung, hoàn thiện hồ sơ triển khai dự án xây dựng mới cơ sở 2 Học viện Y – Dược cổ truyền Việt Nam.
Cũng trong cuộc gặp, thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị Trung Quốc sớm phê duyệt tài trợ cho 4 dự án trong lĩnh vực xã hội và dân sinh tại các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn và Yên Bái từ khoản viện trợ 600 triệu nhân dân tệ (hơn 2.000 tỉ đồng); tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.
Đánh giá cao các đề xuất hợp tác của Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, Tổng cục trưởng CIDCA La Chiếu Huy khẳng định sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao.
Trung Quốc sẽ dành ưu tiên cho Việt Nam trong việc tiếp cận các quỹ hợp tác đa phương trong khuôn khổ Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) và Hợp tác Mekong – Lan Thương.
Về 3 tuyến đường sắt nêu trên, người đứng đầu CIDCA cho biết Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ để hỗ trợ Việt Nam xây dựng báo cáo khả thi tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, phối hợp triển khai lập quy hoạch các tuyến đường sắt Đồng Đăng – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng, hỗ trợ đào tạo nhân viên đường sắt.
Phía Trung Quốc cũng sẽ đẩy nhanh triển khai dự án sửa chữa và bảo trì Cung Hữu nghị Việt – Trung, dự án xây dựng mới cơ sở 2 Học viện Y – Dược cổ truyền Việt Nam; nỗ lực đưa các dự án và văn kiện đã ký kết giữa hai nước trong lĩnh vực hợp tác phát triển sớm đi vào thực tế.
Mục tiêu khởi công trong năm 2025
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có chiều dài khoảng 417km, khổ đường 1.435mm và điện khí hóa. Trong tương lai, tuyến này sẽ nối với Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 11,6 tỉ USD. Khi khai thác, có thể chạy tàu khách với tốc độ khoảng 160km/h và tàu hàng với tốc độ khoảng 120km/h.
Trong chuyến công tác Trung Quốc tháng 11-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đây là tuyến đường sắt rất quan trọng, góp phần kết nối khuôn khổ “Vành đai, Con đường” và “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”. Thông qua đó, tỉnh Vân Nam có đường ra biển nhanh hơn, góp phần giúp các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam phát triển kinh tế – xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết Việt Nam xác định tập trung làm tuyến đường này, với mục tiêu khởi công trong năm 2025.
Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt mới Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và đã bàn giao kết quả nghiên cứu vào tháng 8-2024.
Để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng dự án, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đã phê duyệt hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại để rà soát báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Phía Trung Quốc cũng đã cử chuyên gia sang hỗ trợ kỹ thuật từ tháng 10-2024 để phối hợp với tư vấn Việt Nam trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Việc kết nối đường sắt không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam, đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước mà còn đem lại lợi ích cho Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Lợi ích trước mắt là rút ngắn thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí và tăng số lượng thông quan.
Hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc có thể đi vào sâu hơn các thị trường khác như Nga, nhất là sau chuyến thăm Mông Cổ tháng 9-2024 của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Mông Cổ đã tuyên bố ủng hộ Việt Nam tham gia Hiệp định vận tải đường bộ quốc tế ba bên giữa Nga – Mông Cổ – Trung Quốc và nhất trí tiếp tục nghiên cứu thành lập cơ chế về vận chuyển hàng hóa ba nước Việt Nam – Trung Quốc – Mông Cổ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-trung-quoc-san-sang-vien-tro-lap-bao-cao-kha-thi-20241211170042624.htm