Phát biểu tại lễ ký, ông Trần Song Tùng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, Ninh Bình có trên 1.800 di tích lịch sử văn hóa đã tạo nên các khu, điểm du dịch độc đáo, hấp dẫn như: Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An, Khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn quốc gia Cúc Phương…
Với chiến lược xuyên suốt là phát triển du lịch xanh, bền vững, tôn trọng giá trị tự nhiên, giá trị lịch sử văn hóa, Ninh Bình đang trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.
Năm 2023, tỉnh Ninh bình đứng thứ 6 toàn quốc có lượng khách du lịch lớn nhất cả nước; 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt trên 6,28 triệu lượt khách, trong đó có trên 500 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 38% so với cùng kỳ.
“Với lợi thế đó, việc hợp tác với Tổng công ty Đường sắt VN sẽ góp phần gia tăng nguồn khách du lịch đến với Ninh Bình. Trải nghiệm du lịch từ Ninh Bình bằng đường sắt sẽ góp phần quảng bá điểm đến Ninh Bình gắn với hình ảnh đường sắt Việt Nam, xây dựng các chương trình kích cầu, thu hút khách du lịch bằng đường sắt từ các tỉnh, thành phố trong cả nước tới Ninh Bình và ngược lại”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng nhấn mạnh.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đường sắt mong muốn biến hành trình đi tàu của hành khách là một trải nghiệm, là một phần của chuyến du lịch. Trong thời gian vừa qua, Tổng công ty Đường sắt VN đã đưa ra nhiều sản phẩm mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hành khách như: tàu hành trình di sản Huế – Đà Nẵng, tàu chất lượng cao Sài Gòn – Đà Nẵng…
Đường sắt cũng đã tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực tại các nhà ga để biến nhà ga thành “điểm đến” cho nhân dân và hành khách. Trong tương lai gần, đường sắt hướng đến: Hành khách có thể làm việc trên tàu; đưa vào khai thác đoàn tàu hạng sang; kết nối đầu cuối giao thông và dịch vụ; tăng cường hợp tác với các địa phương, các đối tác trong và ngoài nước để phát triển dịch vụ đường sắt trên tàu, dưới ga.
“Vì vậy, hợp tác với du lịch Ninh Bình, hai bên hợp tác truyền thông, quảng bá thương hiệu điểm đến Ninh Bình và hình ảnh của Đường sắt Việt Nam; Xúc tiến đầu tư du lịch bằng đường sắt và xây dựng các chương trình kích cầu thu hút khách du lịch bằng đường sắt. Cùng đó, hợp tác với các đối tác để phát huy tiềm năng thế mạnh để kết nối chuối và kết nối đầu – cuối, hướng đến một tấm vé cho cả hành trình…”, ông Tuấn cho hay.
Tại lễ ký kết, Phó tổng giám đốc Trần Anh Tuấn và Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh đã ký kết hợp tác hai bên.
Theo đó, giai đoạn 2024-2030, hai bên thống nhất và đề xuất các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình và Đường sắt Việt Nam theo kế hoạch hàng năm. Liên kết, hỗ trợ về mặt truyền thông, quảng bá điểm đến du lịch Ninh Bình trên toa xe, đoàn tàu, tại các nhà ga và trên các nền tảng số của Tổng công ty Đường sắt VN quản lý.
Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình hỗ trợ quảng bá hình ảnh đường sắt Việt Nam trên hệ thống thông tin số du lịch, các website, mạng xã hội du lịch Ninh Bình do Sở quản lý, tuyên truyền quảng bá các dịch vụ, chính sách giá vé, tuyến đường, các chính sách ưu đãi… của Tổng công ty Đường sắt VN tại các điểm đến du lịch.
Hợp tác xây dựng chính sách giá vé ưu đãi riêng dành cho khách du lịch bằng đường sắt đi/đến Ninh Bình trong các chương trình kích cầu, thu hút khách du lịch đến tỉnh Ninh Bình hàng năm. Xây dựng cơ chế hỗ trợ dịch vụ, tham quan tại các điểm du lịch đối với hành khách có vé đi tàu. Bố trí kết nối và có chính sách khuyến khích các loại hình, phương tiện vận tải đường bộ kết nối với các ga Ninh Bình để phục vụ khách đi tàu…
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/duong-sat-bat-tay-ninh-binh-thuc-day-du-lich-192240708185518726.htm