Vượt qua nguy hiểm, nhóm phóng viên đã phản ánh thông tin chân thực, thúc giục sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền địa phương, giải tán những bãi vàng trái phép, trả lại màu xanh cho rừng và giữ bình yên cho bản làng. Phóng sự ảnh “Vàng tặc” tàn phá những cánh rừng phòng hộ ở Lai Châu đã được trao Giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII- 2022 bởi sự dấn thân và trách nhiệm của người làm báo.
Nhập vai, cải trang thâm nhập bãi vàng
+ “Vàng tặc” lộng hành tàn phá rừng phòng hộ trên thực tế không phải là chuyện mới nhưng câu chuyện này “nóng” trở lại như thế nào trên địa bàn khiến nhóm tác giả quyết định thực hiện loạt tác phẩm này?
– Quả đúng thật, câu chuyện “vàng tặc” không phải là chuyện mới đối với các địa phương có kim loại quý hiếm này, mà hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, xâu chuỗi các vấn đề để phản ánh đầy đủ nhất về “vàng tặc” lộng hành tàn phá những cánh rừng phòng hộ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của người dân… thì là câu chuyện “nóng”.
Trước những hệ lụy như vậy như một lời cầu cứu của người dân, dù xác định nguy hiểm, khó khăn, vất vả nhưng nhóm tác giả đã quyết định thực hiện đề tài này. Nhóm tác giả mong muốn khi cơ quan báo chí phản ánh thông tin, chính quyền sẽ nhanh chóng vào cuộc giải tán những bãi vàng trái phép, trả lại màu xanh cho rừng và giữ bình yên cho bản làng.
+ Thâm nhập thực tế “bãi vàng” là chuyện không hề dễ dàng. Nghe nói việc “nhập vai”, cải trang của nhóm tác giả cũng rất kỳ công?
– Đúng vậy. Nằm sâu trong những cánh rừng phòng hộ ở biên giới huyện Mường Tè là những bãi khai thác vàng như Nậm Khá ở xã Mù Cả, Nậm Suổng ở xã Vàng San… Để đến được những bãi vàng này chỉ có con đường độc đạo hiểm trở, khó khăn. Điển hình như bãi vàng Nậm Khá, để vào được đây phải đi thuyền từ bến đò của xã qua con sông Đà. Tiếp đó, đi xe máy hơn 1 tiếng đồng hồ và sau đó là đi bộ. Nếu người lạ khả nghi vào, từ bến đò sẽ có người báo vào bãi vàng. Nếu bị đánh động, toàn bộ hoạt động ở bãi vàng sẽ dừng lại. Máy móc, thiết bị… phục vụ làm vàng sẽ nhanh chóng được đưa vào rừng cất giấu.
Còn tại điểm khai thác vàng Nậm Suổng, để lên được điểm này phải đi qua bản Nậm Suổng của người Mảng. Sau đó đi bộ dọc suối 2 tiếng đồng hồ mới lên được đầu nguồn nơi khai thác vàng. Có những hầm đào vàng ở đây dài 200m xuyên qua núi. Ngay từ đầu bản, nếu có người lạ vào, các đối tượng ở bản đã báo lên cho phía trên bãi vàng.
Qua nhiều nguồn thông tin tìm hiểu, các chân rết mà phóng viên dày công xây dựng, khoảng tháng 7/2022, sau khi họp bàn kỹ lưỡng, chúng tôi thống nhất với phương án cải trang thành doanh nghiệp ở Hà Nội tiếp cận các bãi vàng để đi thu mua vàng gốc. Phương án này khá hiệu quả khi các đối tượng vòng ngoài không nghi ngờ chúng tôi là công an hay nhà báo…
Tại chuyến đi này, chúng tôi tận mắt chứng kiến những cánh rừng tan hoang do khai thác vàng nhưng vì nhiều lý do khách quan, những hình ảnh, thước phim quay lén khi tác nghiệp vẫn chưa được phong phú, sinh động theo những gì kỳ vọng. Sau chuyến thâm nhập các bãi vàng này, nhóm phóng viên họp bàn và quyết định tiếp tục thực hiện một chuyến công tác tiếp theo.
Thời gian vào khoảng giữa tháng 8/2022 (Đúng dịp rằm tháng 7 âm lịch). Lần này, do biết chúng tôi trước đó là doanh nghiệp lên mua vàng nên các đối tượng vòng ngoài không còn hoài nghi và dẫn vào bãi vàng. May nắm hơn lần trước, thời tiết thuận lợi, các hầm đào vàng hoạt động nhộn nhịp. Bãi vàng còn đông đúc hơn ở trên bản. Những gì chúng tôi thu hoạch được phải nói là xứng đáng dù điều kiện tác nghiệp nguy hiểm.
+ Ròng rã vài tháng trời, với 2 chuyến “nằm vùng” mới đủ tư liệu để thực hiện chủ đề này. Các anh, chị đã phối hợp nhịp nhàng như thế nào để có thể vượt qua từng ấy hiểm nguy để tác nghiệp hiệu quả, xây dựng thành tuyến phóng sự điều tra cho cả 3 loại hình văn bản, ảnh, truyền hình?
– Sau lần thứ 2 thâm nhập vào các bãi vàng đã đầy đủ tư liệu sinh động, ngày 12/8/2022, nhóm phóng viên làm việc với các cơ quan chức năng huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Sau khi làm việc xong và trở về thành phố Lai Châu, chúng tôi đã khẩn trương tập hợp tư liệu, xây dựng thành tuyến phóng sự điều tra cho cả 3 loại hình văn bản, ảnh, truyền hình. Trong vòng 2 ngày, nhóm phóng viên đã tập trung cao độ để hoàn thành và đăng tải ngày 15/8/2023.
Phóng sự đầu tiên về “Vàng tặc” lộng hành tàn phá rừng phòng hộ Lai Châu được đăng tải, phát sóng bằng 3 loại hình văn bản, ảnh, truyền hình cho đến các kỳ tiếp theo gây dư luận mạnh. Tác nghiệp tại các bãi vàng, để không bị phát hiện là nhà báo, chúng tôi khéo léo dùng thiết bị quay lén, điện thoại ghi lại những video, hình ảnh các hoạt động của “vàng tặc”. Giữ an toàn, chúng tôi không tản ra nhiều khu vực để tác nghiệp mà đi theo nhóm để hỗ trợ nhau khi quay và chụp hình. Vận dụng nghiệp vụ, kinh nghiệm khai thác thông tin, nhân vật, câu chuyện…
Nhóm phóng viên hiểu ý, phối hợp khéo léo để đạt được yêu cầu đề ra. Phải nói tác nghiệp trong các bãi vàng là nguy hiểm. Giống như lời của một lãnh đạo huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu nói, chúng tôi đi kiểm tra không dám đi một mình, phải có tổ công tác liên ngành đông người như: Công an, dân phòng, ủy ban và lực lượng chức năng ở xã… Chỉ cần sơ sẩy hay không may bị phát hiện thì sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Vào cuộc xóa sổ các bãi vàng trái phép trên địa bàn
+Tôi thấy ở thể loại truyền hình, báo điện tử, nhóm phóng viên đều có những sản phẩm báo chí chất lượng. Vậy điều gì khiến nhóm tác giả lựa chọn thể loại Phóng sự ảnh tham dự thi Giải Báo chí Quốc gia?
– Các thể loại truyền hình, báo điện tử, phóng sự ảnh đều được nhóm tác giả đầu tư công phu, chất lượng. Tuy nhiên, nhóm tác giả chọn gửi Phóng sự ảnh “Vàng tặc” tàn phá rừng phòng hộ ở Lai Châu để dự thi Giải Báo chí Quốc gia năm 2022 vì: Mỗi bức ảnh như một câu chuyện kể, đã thể hiện rõ nét và sinh động những hoạt động cụ thể của các đối tượng “vàng tặc” ngang nhiên, thi nhau đào bới tàn phá rừng, huỷ hoại môi trường… Đặc biệt, tại Giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam, phóng sự ảnh đã được Hội đồng giải đánh giá cao và trao giải A cho nhóm tác giả.
+ Sau loạt phóng sự “Vàng tặc” lộng hành tàn phá rừng phòng hộ Lai Châu được đăng tải, hiệu lực của tác phẩm như thế nào trên địa bàn, thưa nhóm tác giả?
– Sau loạt phóng sự “Vàng tặc” lộng hành tàn phá rừng phòng hộ Lai Châu được đăng tải trên Thông tấn xã Việt Nam, UBND tỉnh Lai Châu đã họp khẩn cấp, bàn bạc và xây dựng phương án để giải tán bãi vàng trái phép trên địa bàn. UBND tỉnh Lai Châu đã huy động hơn 300 người gồm các lực lượng: công an, quân đội, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương, đại diện sở ngành liên quan… và hàng tấn thuốc nổ cùng đồng loạt ra quân đánh sập các cửa hầm ở bãi vàng trái phép. Sau đó, cử tổ công tác của xã canh giữ, kiên quyết không cho các đối tượng “vàng tặc” hoạt động trở lại.
Nhóm phóng viên cũng đã theo sát và phản ánh kịp thời hoạt động quyết liệt của cơ quan chức năng vất vả ăn rừng, ngủ rừng để đánh sập các hầm vàng trái phép ở bãi vàng Noong Hẻo thuộc huyện Sìn Hồ, bãi vàng Nậm Khá và Nậm Suổng thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu).
Loạt bài, truyền hình, phóng sự ảnh “Vàng tặc” lộng hành tàn phá rừng phòng hộ Lai Châu đăng tải, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang đã kịp thời biểu dương, đánh giá cao nhóm phóng viên và nhắn nhủ phóng viên cẩn thận. Đặc biệt, chính quyền tỉnh Lai Châu vào cuộc mạnh mẽ để giải quyết triệt để nạn khai thác vàng trái phép, người dân được hưởng lợi thì đó là nguồn động viên lớn nhất đối với người làm báo.
Sau gần một năm, chính quyền tỉnh Lai Châu và lực lượng chức năng vào cuộc xóa sổ các bãi vàng trái phép trên địa bàn, bằng nhiều nguồn tin, phóng viên ghi nhận hiện nay hoạt động khai thác vàng trái phép có tổ chức không còn diễn ra. Như vậy, rừng được bảo vệ. Người dân có cuộc sống bình yên! Đây là kết quả thể hiện lời tri ân của nhóm tác giả tới bà con dân bản đã đùm bọc, hỗ trợ cho quá trình tác nghiệp của phóng viên.
An Vinh (Thực hiện)