“Dấu ấn Đăng Dương nhưng linh hồn Dương Cầm”
– Anh vừa làm Giám đốc âm nhạc cho liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” kỷ niệm 30 năm sự nghiệp ca hát của NSƯT Đăng Dương và nhận nhiều lời khen của khán giả và giới chuyên môn. Với anh, sự thành công này có ý nghĩa gì?
Tôi được làm rất nhiều điều, quyết định mọi thứ được vang lên trên sân khấu trong liveshow Tổ quốc gọi tên mình của NSƯT Đăng Dương. Điều đó khiến tôi tự hào, được trân trọng. Một tháng trước đó, trong giấc ngủ tôi nằm mơ mọi thứ trong liveshow diễn ra, âm thanh của bài mở màn, ánh sáng, khán giả như thế nào. Và khi chạy chương trình mọi thứ y như vậy.
Tôi rất vui khi đêm nhạc để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả yêu nhạc nhiều thế hệ. Có nhiều anh chị trong giới chuyên môn gửi lời chúc mừng, kèm những lời khen ‘dấu ấn Đăng Dương nhưng linh hồn Dương Cầm’. Anh Đăng Dương liên tục gửi lời cảm ơn, điều đó khiến tôi cũng rất biết ơn và xúc động. .
– Phối mới, làm mới ca khúc đã là đặc sản của Dương Cầm. Tuy nhiên anh có nghĩ với những ca khúc cũ đã có sức sống việc “xào nấu” lại với áp lực của hai từ ”sáng tạo” có nhiều rủi ro?
Tôi đã khoác được tấm áo mới cho nhạc đỏ, nhạc cách mạng. Số lượng ca khúc 30 bài suốt gần 3 tiếng, chương trình nhạc cách mạng không khiến khán giả buồn ngủ, âm nhạc dẫn dắt khán giả bằng cách là đưa họ lên những tiết tấu sục sôi xong sẽ có những cú twist đột ngột, lắng lại.
Nhiều người vẫn nghĩ khi nghe đến nhạc đỏ, nhạc cách mạng là nghĩ ngay đến nhạc hành khúc rồi cổ động với âm thanh dồn dập nhưng với tôi nó còn ẩn chứa rất nhiều vẻ đẹp của sự trữ tình và đầy lãng mạn. Vì vậy trong liveshow Đăng Dương Tổ quốc gọi tên mình, tính lãng mạn trong các tác phẩm được đề cao và khai thác triệt để.
Tôi sử dụng âm thanh của dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng để miêu tả sự hào hùng, hoành tráng về đất nước về cuộc chiến vĩ đại của con người Việt Nam. Bên cạnh đó là sự kết hợp hài hoà với các nhạc cụ truyền thống như sáo trúc, đàn tranh, đàn bầu mở ra những khung cảnh quê hương thơ mộng, tạo cho khán giả những cảm giác vừa quen vừa lạ. Tôi cũng biết đó là con dao hai lưỡi. Khi làm tôi chấp nhận sẽ đón nhận lời khen chê vì mỗi người sẽ có quyền nói lên suy nghĩ của họ.
Nếu thấy hay họ sẽ đón nhận. Với trách nhiệm của một người nhạc sĩ trẻ việc làm cho những bài hát tên tuổi được sống lại một lần nữa đó là sứ mệnh. Tại đêm nhạc, tôi đã giới thiệu đến khán giả những tài năng rất trẻ của Background (ban nhạc của nhạc sĩ Dương Cầm), các em đã làm rất tốt để chúng ta tự tin tự hào về thế hệ chơi nhạc chất lượng.
– Ở “Giao lộ thời gian” – chương trình làm mới ca khúc anh phải làm việc với nhiều ca sĩ có cá tính khác nhau. Là một người thẳng thắng hay đưa ra những góp ý khen chê, anh có gặp nhiều khó khăn?
Từ trước đến nay tôi may mắn khi làm việc với tất cả các ca sĩ, danh ca nổi tiếng, từ già đến trẻ mọi người đều dành cho tôi sự trân trọng, yêu quý. Đó có lẽ cũng xuất phát từ việc tôi là một người rất nghiêm túc trong công việc. Ngay từ đầu là một người khó tính chỉn chu, tôi yêu cầu mọi thứ phải được diễn ra theo sự sắp xếp và tính toán. Nhưng sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh, khi mà làm việc trực tiếp tôi luôn lắng nghe họ đang mong muốn điều gì và tôi sẽ cân đối ra được một kết quả hài hòa nhất.
Tôi hiểu cảm giác của người ca sĩ khi đứng trên sân khấu hát live rất áp lực. Những lúc họ lo lắng, tôi luôn nhắn nhủ: “Lúc nào anh chị lo lắng hay băn khoăn một điều gì đó hãy quay lại nhìn em. Em sẽ giúp cho anh chị nhớ ra bài, nhớ ra câu chuyện, gỡ rối và xử lý nhanh trên sân khấu để ca sĩ tự tin và thăng hoa trên sân khấu”.
– Như anh nói việc hát live rất áp lực khi làm một chương trình. Vậy ở quy mô của một live concert, điều đó quan trọng như thế nào?
Nếu đã là ca sĩ, tổ chức live concert thì quy mô chương trình rất lớn. Trước hàng ngàn khán giả, ca sĩ cần chuẩn bị cho mình một tâm thế vững chắc để có thể đối đầu với rất nhiều thứ và có thể sẽ xảy ra biến cố trên sân khấu. Bản thân ca sĩ phải có thực lực, bản lĩnh mới làm live concert riêng của mình.
– Chủ nhân của những bản hit triệu view, top trending đang nghĩ rằng họ có sức hút và việc thực hiện live concert với họ không phải là điều gì ghê gớm lắm?
Ở Việt Nam, tôi thấy nhiều ca sĩ khá liều lĩnh. Có thể bạn rất thành công với những bản audio, những MV hàng chục triệu view được mọi người đón nhận, khán giả yêu mến và lan tỏa rộng rãi. Nhưng như vậy cũng không đồng nghĩa bạn có thể bước ra sân khấu để biểu diễn live concert của riêng mình. Đấy là điều hoàn toàn khác!
Tôi đã làm việc với rất nhiều các chương trình âm nhạc, sự kiện, cũng có không ít ca sĩ họ đã từ chối không tham gia vì chương trình yêu cầu ca sĩ phải hát với ban nhạc và hát live. Đã có ca sĩ mong muốn hát beat, không đáp ứng được họ đã từ chối.
Trong một số chương trình đặc thù nếu khán giả chấp nhận thì không sao nhưng trong một live concert rõ ràng bạn phải bung hết sức của mình, bạn phải là một ca sĩ thực lực.
– Anh đang phân định với tôi về chuyện ca sĩ có thực lực và ca sĩ phòng thu sao?
Khán giả hiện tại rất tinh ý, họ biết ai là người hát được và không hát được. Ca sĩ của mạng xã hội, ca sĩ ảo, ca sĩ công nghệ khác với ca sĩ thực lực. Việc bạn biết hát không có nghĩa bạn là một ca sĩ hát tốt, bạn có giọng hát nhưng chưa chắc đã là người hát hay.
Giọng là bản năng của trời cho nhưng bạn phải học để phát huy, phát triển giọng đó, học hỏi và tư duy từ những cái đó bạn biến nó trở thành vũ khí của mình.
Có nhiều trường hợp, lúc đầu bạn là người không có giọng hoặc hát chưa tốt nhưng theo năm tháng, biết điểm yếu của bản thân và rèn luyện để đến lúc một ngày bạn xuất hiện trên sân khấu làm mọi người ngỡ ngàng.
Với tôi, Hồ Ngọc Hà là hình mẫu đáng ngưỡng mộ. Vì chị ấy học piano, chơi nhạc nên cảm âm tốt nhưng xuất phát điểm đầu tiên chị ấy giọng hát chỉ ở mức trung bình khá.
Đến thời điểm bây giờ trải qua một quãng thời gian luyện tập rất kiên trì, giọng hát Hồ Ngọc Hà đã khác. Biểu diễn live concert với nhiều vũ đạo giọng Hồ Ngọc Hà vẫn hay và tạo ra nhiều bất ngờ. Đây là một hình mẫu tôi nghĩ các bạn trẻ, ca sĩ trẻ phải học theo.
– Thực tế các nghệ sĩ thế giới, có người không hát live hoàn toàn trong concert của mình, điển hình như Rihanna, Britney Spears hay Madonna… Và có quan điểm cho rằng, khi làm concert chủ nhân đem đến cho khán giả bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn, chứ không phải chỉ chăm chăm vào việc hát live thế nào, có xuất sắc không? Anh nghĩ gì về điều này?
Một số thể loại âm nhạc hiện nay yêu cầu vẫn phải có Backing Vocal (phần bè được thu sẵn) để âm thanh có thể tạo được nhiều hiệu ứng hay hơn nhưng không phải tất cả các bài hát đều sử dụng yếu tố đó. Người làm nhạc không nên lợi dụng quá nhiều những hiệu ứng đó để lấp đi giọng hát.
Ví dụ như BlackPink đến Việt Nam biểu diễn họ cũng sử dụng nhiều hiệu ứng với Backing Track và Backing Vocal (phần nhạc nền và phần hát đệm thu sẵn) để hỗ trợ cho phần trình diễn của mình.
Hoặc như phần trình diễn của Rihanna tại SuperBowl LVII Hafltime show cũng sử dụng hiệu ứng này. Không ai lại mất công tổ chức live concert rồi lại đi hát nhép. Công nghệ biểu diễn hiện nay chúng ta đồng ý sẽ cho hát đè ở một chừng mực cho phép hoặc có những bài yêu cầu quá đặc biệt, ca sĩ phải sử dụng vũ đạo nhiều thì được phép lip-sync (hát nhép) vài đoạn nhưng không thể chấp nhận từ đầu đến cuối chương trình.
Bạn sử dụng lip-sync như thế có nghĩa bạn đang lừa dối khán giả và tôi nghĩ khán giả Việt Nam cũng không hoàn toàn chấp nhận điều đó.
– Một số người đặt câu hỏi về việc Hoàng Thùy Linh sẽ hát live như thế nào trong live concert sắp tới, anh nghĩ sao?
Thời gian qua âm nhạc của Hoàng Thùy Linh và DTAP đã gây xôn xao khi bước chân ra khỏi thị trường âm nhạc nội địa, lan tỏa đến các nước xung quanh. Là người đề cao chuyện ca sĩ hát live, sau nhiều thông tin từ dư luận tôi chờ xem Hoàng Thùy Linh hát live như thế nào, ê-kíp sẽ xử lý âm nhạc trong live concert ra sao.
Tôi mong Hoàng Thùy Linh sẽ chuẩn bị một sức khỏe tốt, một tinh thần tỉnh táo. Vì người ca sĩ tổ chức concert riêng phải chuẩn bị rất kỹ để hát ở một không gian thật, thế giới thật. Tôi rất trông chờ bởi vì nếu thành công đó sẽ là một cú hích cho nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam.
Ở tâm thế của một live concert tầm vóc như vậy sẽ là một áp lực rất lớn đối với cả ê-kíp, đặc biệt là Hoàng Thuỳ Linh. Mặc dù không nằm trong ê-kíp nhưng thực lòng tôi cũng cảm thấy có chút lo lắng.
– Sao anh lại lo khi Hoàng Thuỳ Linh hát live?
Không có một ca sĩ nào hoàn toàn tự tin, chắc chắn mình có thể biểu diễn live tốt trên sân khấu trước vài nghìn khán giả.
Nhạc sĩ Dương Cầm
Không có một ca sĩ nào hoàn toàn tự tin, chắc chắn mình có thể biểu diễn live tốt trên sân khấu trước vài nghìn khán giả. Không chỉ riêng Hoàng Thùy Linh đâu, tôi nghĩ là tất cả các ngôi sao hàng đầu Việt Nam như: Tùng Dương, Hà Trần, Mỹ Tâm… cũng đều lo lắng.
Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố xung quanh như ngày hôm đó bạn có khỏe không nhưng những vấn đề này chỉ là một chút tâm lý lúc đầu thôi. Đã là ca sĩ thực lực thì sẽ hoàn toàn vượt qua được điều đó, nếu như bạn không vững sẽ là một trở ngại lớn.
– Anh từng có quan điểm trước đây về việc chưa xem Chi Pu là ca sĩ vì giọng hát live. Đến hiện tại thành công của Chi Pu từ show truyền hình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”, anh có thay đổi quan điểm đó?
Show Chi Pu tham gia nghệ sĩ đa phần lip-sync và ưu tiên nhiều về trình diễn, điều đó cũng chưa chứng minh được khả năng hát live của Chi Pu. Nhưng ở đây tôi ghi nhận sự nỗ lực của bạn ấy cùng ê-kíp có một bước tiến mới khi được mời tham gia show truyền hình nước bạn để quảng bá và nâng cao hình ảnh, vị thế của mình, đó cũng là niềm tự hào của người Việt.
Còn để nói riêng về góc độ ca sĩ tôi chưa nhìn thấy sự cải thiện ở trong giọng hát của Chi Pu.
(Nguồn: Vietnamnet)