Có cao tốc, chạy “vèo” là về tới nơi
Không phải lo săn vé máy bay từ sớm như mọi năm, năm nay, gia đình anh Quốc Tuấn (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) thảnh thơi tận hưởng không khí những ngày cuối năm tại TP.HCM vì đã lên lịch trình tự chạy xe về quê ở Nha Trang (Khánh Hòa). Kể từ khi 2 đoạn tuyến cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo và Cam Lâm – Nha Trang thông xe, hễ có thời gian rảnh là anh Tuấn tự lái xe về quê. Quãng đường đi mất gần 6 giờ, anh chủ động mệt đâu nghỉ đó, và còn có thể thoải mái chở theo cây mai, bánh kẹo, mứt tết về cho ông bà.
Tương tự, anh Trần Thái (ngụ Q.10, TP.HCM) cũng ung dung thông tin chẳng lo tàu xe ngày tết vì nhà anh ở Bình Thuận, năm nay có cao tốc, chạy “vèo” cái là về tới nơi nên cứ lo trọn vẹn công việc, thậm chí sáng 30 tết mới về cũng vẫn kịp. “Đợt tết Dương lịch vừa rồi tôi phải trực ở cơ quan, có hôm sáng chạy xe vào TP.HCM trực rồi chiều lại chạy về nhà, thoải mái. Giờ đường sá đi lại nhanh, tiện nên không còn lo gì”, anh Thái nói.
Giống như anh Tuấn, anh Thái, tết này những người con miền Tây tới xứ người lập nghiệp cũng bớt nhọc hơn khi hành trình về quê có thêm cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Trước đây cứ mỗi dịp lễ, tết, khắp các tuyến đường nối từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL lại hầm hập kẹt cầu, kẹt đường. Cầu Mỹ Thuận cũ quá tải nên thường ùn tắc, xe tải lớn nối đuôi nhau lên cầu, rất nguy hiểm. Nay có thêm cầu mới, đường mới, thời gian về miền Tây không chỉ rút ngắn tới một nửa mà đường còn thông thoáng, an toàn hơn rất nhiều. Phía bắc, 251 km cao tốc nối dài từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Nghệ An thông suốt cũng đã tạo điều kiện cho rất nhiều gia đình về quê đón tết nhanh hơn, an toàn hơn.
Sẵn sàng xả trạm thu phí khi ùn tắc
Đường đã thông, Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường bộ chỉ đạo các nhà đầu tư BOT xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông tại các trạm thu phí để hạn chế tình trạng ùn tắc trước khi vào trạm thu phí trong dịp cao điểm tết. Trường hợp xảy ra tắc đường phải mở barie để giải tỏa phương tiện. Việc xả trạm thu phí trong trường hợp ùn tắc không chỉ được áp dụng trên các tuyến cao tốc mà ngay cả một số tuyến quốc lộ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho phương án này.
Đơn cử, đại diện Trạm thu phí Trảng Bom (thuộc Công ty CP Giao thông số VN, đặt trên QL1, H.Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết đã xây dựng kế hoạch về đảm bảo an toàn giao thông tại Trạm thu phí Trảng Bom trong dịp tết Nguyên đán và lễ hội xuân Giáp Thìn 2024. Đây là trạm thu phí duy nhất còn hoạt động trên các tuyến quốc lộ qua Đồng Nai.
Theo đó, việc đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực trạm sẽ tập trung vào giải quyết nhanh xe lưu thông qua trạm, đáp ứng xử lý tốt các tình huống ùn tắc giao thông, các tình huống gây mất an ninh, an toàn khác có thể xảy ra. Trường hợp ùn tắc kéo dài, Trạm thu phí Trảng Bom sẽ báo cáo Công ty CP Giao thông số VN, các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan có thẩm quyền xin ý kiến xả trạm không thu phí theo quy định. Ngoài ra, đơn vị này cũng đã xây dựng, đưa ra giải pháp cho 10 tình huống có thể phát sinh trong quá trình vận hành tại trạm như xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, sự cố kỹ thuật, sự cố điện…
Mọi tuyến đường từ trên trời xuống dưới đất đều đã mở “luồng xanh”, sẵn sàng cho cuộc “di dân” đón tết của hàng triệu người dân trên cả nước.
Đảm bảo không thiếu xe đưa người dân về quê ăn tết
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết đã họp với tất cả các bến xe, các hiệp hội, nhà xe và đơn vị phục vụ, đảm bảo về taxi, xe buýt, điều chỉnh thực tế cho phù hợp với từng giai đoạn. Theo dự báo nhu cầu tại các bến xe tăng 18% thì hoàn toàn đủ xe. Hiện có khoảng 3.700 xe khách liên tỉnh tại các bến xe, khi cần thì có thể bổ sung khoảng 35.000 xe hợp đồng để cung ứng kịp thời nhu cầu tăng cao của người dân.
Cảnh báo người dân nhỡ chuyến tàu tết về quê
Thông tin từ Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, từ ngày 26.1 đến nay, có một số hành khách bị nhỡ tàu mặc dù công ty đã nhắn tin Zalo lưu ý về giờ tàu. Trong những ngày giáp tết, lưu lượng người dân di chuyển trên đường rất đông, để đảm bảo quyền lợi của hành khách khi đi tàu, tránh những trường hợp trễ tàu đáng tiếc, ngành đường sắt khuyến cáo hành khách khi đi tàu sắp xếp thời gian có mặt ở ga trước giờ tàu chạy từ 30 phút – 1 giờ. Khi nhà ga thông báo mở cửa thì hành khách vào ga và lên đúng chuyến tàu, số toa, số chỗ của mình. Hành khách đi tàu mang theo hành lý nhỏ gọn, mỗi vé hành khách mang không quá 20 kg và tự trông coi bảo quản hành lý. Ngành đường sắt sẽ tổ chức kiểm soát thẻ lên tàu, giấy tờ tùy thân và giấy tờ khác để xác minh đối tượng giảm giá của khách tại cửa vào ga và cửa toa tàu. Hành khách có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin trên thẻ lên tàu mới được vào ga đi tàu.