Anh quyết định ly thân, chị đau đớn buộc phải đồng ý. Dẫu không phải là duy nhất, tuy nhiên khởi nguồn cho cuộc ly thân mà chính anh N. không hề mong muốn lại đến từ vài cái mật khẩu. Chị nghĩ đã là vợ chồng đừng giấu giếm điều chi. Còn anh chỉ mong có chút không gian riêng.
Từng họp để thương lượng
Thuở mới yêu, chị đã thẳng thắn về việc muốn biết hết mọi mật khẩu, tài khoản của anh. Vì yêu, anh xem đó là điều bình thường, mừng thầm “phải yêu mình lắm cô ấy mới làm thế”.
Rồi một hôm, Facebook đẩy thông báo tài khoản của anh đang bị ai đó cố tình đăng nhập vào một thiết bị lạ. Anh vội vàng vào đổi mật khẩu, bật bảo mật hai lớp. Tưởng thế là đã an toàn, nhưng ít hôm sau, vợ chồng anh “cãi lớn” vì thay mật khẩu nhưng chẳng báo.
Cũng chưa dừng lại ở lần đó bởi họ đã sống cùng nhau tận 10 năm trời nay. Bởi ai sống trong thời đại 4.0 đều trải qua đó là quên mật khẩu vài ba lần.
Quên thì lại tìm, tạo mật khẩu mới và y như rằng mỗi lần đổi mật khẩu là một lần anh chị cãi nhau vì “anh chả thương em, chắc lại đang giấu giếm điều chi”.
Nhiều lần như thế sinh buồn bực, hai vợ chồng đã từng họp mặt gia đình rất căng thẳng để thống nhất về việc này. Anh cho rằng sẵn lòng để chị biết hết về mọi mật khẩu, chỉ là trong trường hợp cụ thể, phải đổi mật khẩu bất chợt thì cũng đừng vùng vằng quá thể. Thấy hợp lý nên chị cũng xuôi, nhưng đi kèm điều kiện “bất chợt đổi cũng phải thông báo”.
“Không hẳn kiểm soát hằng ngày, nhưng cô ấy muốn biết hết mọi mật khẩu, chỉ vậy thôi. Còn tôi à, dù nói là sẵn lòng và chấp nhận được, nhưng xin thưa cũng khó chịu lắm, nhất là khi lỡ phải đổi mật khẩu nhưng quên báo lại thì gần như bị khép vào tội lén lút, che giấu gì đó”, anh N. trải lòng.
Biết mật khẩu chỉ để thêm an tâm
Ngay cả khi đã ly thân, anh N. chưa một lần nhận xét rằng việc làm của chị là sai. Mọi sự có chăng chỉ vì anh không thoải mái với điều đó. Và rất buồn khi hai người chẳng tìm ra hướng giải quyết thỏa lòng đôi bên. Chẳng ai sai, ai đúng, mỗi người một lý.
Không đến mức phải cự cãi triền miên, tuy nhiên Ngọc Sương (28 tuổi, kinh doanh tự do) thừa nhận đôi khi cũng rất khó chịu vì chồng thay mật khẩu tài khoản nào đó.
Sương phân trần rằng không có ý kiểm soát cuộc sống của chồng. Chỉ là giữa hai vợ chồng không nên có bí mật. Dĩ nhiên cô cũng đưa hết mọi mật khẩu cho chồng, chỉ là anh ít khi quan tâm điều đó.
“Đôi khi vài ba tháng tôi chẳng cầm vào điện thoại của anh hay đọc xem anh nhắn tin với ai. Nhưng việc biết mật khẩu chỉ để an tâm hơn thôi”, Ngọc Sương nói.
Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online, anh Bình (23 tuổi, nhân viên truyền thông tại quận 3, TP.HCM) cũng đồng ý với quan điểm đã xem và gọi nhau là người thương, vợ chồng thì việc giữ riêng bí mật nào đó là điều không nên.
Bình cũng chia sẻ mật khẩu của các tài khoản đang dùng cho bạn gái. Thậm chí, cậu cho rằng rất vui mỗi khi bạn gái muốn xem và biết về những mối quan hệ, người hay liên lạc của mình bởi “vì yêu, xem nhau là quan trọng thì mới làm thế”.
Thế nhưng, với Thúy Diễm (26 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM), việc kiểm soát các tài khoản mạng bằng mật khẩu, đọc tin nhắn… của người yêu là điều không cần thiết. Diễm quan niệm nếu đã thương và trân trọng thì sẽ tự kể, tự chia sẻ.
“Ai cũng cần một không gian riêng tư. Tại sao lại đi kiểm soát bạn trai mình? Kệ họ đi, bởi họ đã muốn giấu gì đó thì có nghĩa bạn không xứng đáng để biết, bạn không nên biết hoặc điều đó chẳng có giá trị”, Diễm nói.
Ngày Mật khẩu thế giới
Ngày thứ 5 đầu tiên của tháng 5 hằng năm được xem là Ngày Mật khẩu thế giới (World Password Day).
Trong cuốn sách Perfect Passwords được xuất bản vào năm 2005, nhà nghiên cứu bảo mật Mark Burnet lần đầu tiên khuyến khích mọi người có một ngày mật khẩu để cập nhật các mật khẩu quan trọng của mình. Từ ý tưởng này, Intel Security lấy cảm hứng và chọn ngày thứ năm đầu tiên của tháng 5 là Ngày Mật khẩu thế giới.
Ngày Mật khẩu thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 2013 đã nâng cao nhận thức về sự cần thiết của bảo mật mật khẩu. Năm 2024, ngày này là ngày 2-5.