Cảnh đồng đội cũ nhận hai người con của liệt sĩ làm con gái nuôi; màn hòa giọng Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao ở cả năm đầu cầu nhân 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ… khiến khán giả xúc động.
Cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng được truyền hình trực tiếp từ năm điểm cầu gồm Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP.HCM.
Mỗi điểm cầu là một mảnh ghép tạo nên bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong 5 điểm cầu của chương trình, điểm cầu sân khấu chính là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; 4 điểm cầu còn lại gồm: Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Nhà rông Kon Klor (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (quận 1, TP.HCM).
Dự cầu truyền hình tại điểm cầu TP.HCM có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Tại điểm cầu Điện Biên có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhiều khoảnh khắc xúc động
Hai chị em Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Kim là con gái của liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật (thuộc tiểu đoàn 166 – Trung đoàn 209 – Đại đoàn 312).
Bà Oanh kể, khi còn bé, bố về thăm nhà một lần duy nhất, vuốt ve nói “bố thương con vì con gầy”.
Vì bé quá nên bà không nhớ dáng hình bố ra sao, chỉ biết qua lời kể của bà nội là “người không cao, da đen đen nhưng duyên, mà hay hát”.
Mẹ hay kể bố hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi đánh bộc phá. 12 người cùng đội thì 11 người chết.
Bà chỉ biết có thế mà lớn lên, trong đầu lúc nào cũng nghĩ tới bố.
Mấy lần bà Oanh lên Điện Biên tìm mộ bố nhưng không được.
Năm nay hai chị em bà lại lên thăm bố và các bác trong nghĩa trang vì biết đâu có ai đó “mách thông tin về bố mình”.
Chương trình gửi tặng hai chị em bà Oanh tấm chân dung liệt sĩ – được tạo bởi phương pháp tổng hợp hình ảnh của ông bà và các con.
Bất ngờ nhất, ba đồng đội cùng đại đoàn 312 cũng có mặt. Cuộc gặp giữa ba đồng đội cũ và con gái của liệt sĩ đã hy sinh, việc các ông nhận con gái của đồng đội đã hy sinh làm con gái nuôi tại chính cứ điểm bắn phá năm nào khiến nhiều người xúc động.
Trong cầu truyền hình, nhiều cựu binh, nhiều thanh niên xung phong cũng có mặt ở các điểm cầu và kể câu chuyện Điện Biên năm xưa.
Tại điểm cầu Điện Biên, bà Nguyễn Thị Điểm – cựu thanh niên xung phong chiến dịch Điện Biên Phủ – kể khi đó, bà đi chiến dịch theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ.
“Chúng tôi gánh gạo vào mặt trận, khi lên tới Điện Biên Phủ chỉ còn 3kg. Tôi khóc: Mình tải gạo mà ăn hết thế này thì có tội với mặt trận.
Thế là tôi phát động phong trào gặt thuê, mỗi ngày được năm lạng gạo. Chúng tôi gặt xong cả mùa thì được 150kg gánh lên đèo Pha Đin tiếp tế đơn vị kéo pháo 105″, bà nhớ lại.
Trong câu chuyện bà kể, những thanh niên thồ gạo lên Điện Biên ngã lỏng chỏng trên đường nhưng gạo không rơi, giặc bắn cũng đi. Có người dính bom đạn của giặc, họ chôn đồng đội xong lại lên đường. Ăn đói nằm rét.
Bà nói: “Bác nói không thể nào mất nước, phải tự do nên chúng mình phải cố lên”…
Hòa giọng Tiến quân ca, gặp lại Người Hà Nội, Hò kéo pháo, Bình Trị Thiên khói lửa…
Dưới lá cờ Quyết Thắng đưa khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn.
Những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá.
Cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng cũng mang đến cho khán giả những thước phim, tiết mục văn nghệ tái hiện không khí hào hùng của một thời. Có cả nhạc cả thơ.
Khán giả cũng gặp lại loạt sáng tác của các nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam: Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Huy Thục), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Tây Nguyên bất khuất (Văn Ký), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận)…
Xúc động nhất là màn hòa giọng ở năm đầu cầu, cùng thể hiện ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.
Tham gia chương trình có 1.000 diễn viên không chuyên và chuyên nghiệp. Cùng sự góp mặt của loạt nghệ sĩ ở cả ba miền: Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Phạm Thu Hà, Phúc Tiệp, Đông Hùng, Lan Anh, Đào Tố Loan, Lê Anh Dũng, Võ Hạ Trâm, Đức Tuấn, Y Garia, Rơ Chăm Peng, nhóm Oplus, Anh Bằng, Bencanto…
Một số hình ảnh đêm Dưới lá cờ Quyết Thắng:
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/duoi-la-co-quyet-thang-dong-doi-dien-bien-phu-nhan-con-gai-nguoi-ban-liet-si-lam-con-nuoi-20240506065707629.htm