Được và mất khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
S. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về mặt được và mất nếu Việt Nam áp dụng công cụ thuế này, cũng như bài học từ các nước.
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. |
Bà đánh giá ra sao về tầm quan trọng của chính sách thuế trong việc kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường, cũng như thúc đẩy công bằng y tế?
WHO hoan nghênh nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua về việc xem xét Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi trong hai kỳ họp tới.
Thuế đối với đồ uống có đường là một công cụ mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe. Việc tăng giá đồ uống có đường bằng cách đánh thuế sẽ khuyến khích mọi người giảm tiêu thụ các đồ uống này và chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối và các loại đồ uống không đường khác. Do đó, thuế đối với đồ uống có đường có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật như tiểu đường, tim mạch, sâu răng, loãng xương, béo phì.., đồng thời thúc đẩy công bằng y tế và làm tăng nguồn thu từ thuế, từ đó có thể được sử dụng để tài trợ cho các ưu tiên y tế của Chính phủ. Vì vậy, đây là một chiến lược có lợi nhiều mặt: lợi cho sức khỏe cộng đồng, lợi cho nguồn thu thuế của Chính phủ và lợi cho công bằng y tế.
WHO khuyến nghị Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường ở mức đủ cao để giảm tiêu thụ với mặt hàng này, giúp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp thuế với đồ uống này làm giá tăng lên 10%, thì lượng tiêu thụ giảm khoảng 11%.
Việt Nam sẽ được và mất gì nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, thưa bà?
Đánh thuế đồ uống có đường sẽ mang lại một số lợi ích quan trọng.
Thứ nhất, giúp hạn chế mức tiêu thụ đồ uống có đường. Tại Việt Nam, tiêu thụ đồ uống có đường tăng rất nhanh trong những năm gần đây, từ khoảng 35 lít/người vào năm 2013, lên 52 lít/người vào năm 2020. Đồng thời, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở thanh thiếu niên đã tăng gấp đôi, từ 8,5% năm 2010, lên 19% năm 2020. Ở người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng thêm khoảng 1/3 trong 6 năm qua (từ 15% năm 2015 lên hơn 19% năm 2021).
Thứ hai, thuế mang lại nguồn thu cho ngân sách. Chính phủ Mexico đã thu thêm 2,6 tỷ USD trong 2 năm 2014-2015 từ thuế đối với đồ uống có đường. Còn tại Nam Phi, 2 năm đầu áp thuế với mặt hàng này đã tạo ra khoảng 200 triệu USD cho Quỹ Nâng cao sức khỏe quốc gia. Khoản thu nhập bổ sung của Chính phủ từ thuế đồ uống có đường có thể được đầu tư vào các chương trình ưu tiên, như mở rộng tài trợ bảo hiểm y tế cho các hộ gia đình nghèo.
Còn nói về mất, ngành công nghiệp lập luận rằng, thuế với đồ uống có đường sẽ ảnh hưởng đến người nghèo nhiều hơn. Điều này không đúng. Tại Việt Nam, các cuộc khảo sát mức sống hộ gia đình gần đây cho thấy, các hộ gia đình có thu nhập cao tiêu thụ nhiều đồ uống có đường hơn so với các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn. Vì vậy, các gia đình nghèo hơn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Trên thực tế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thuế đối với các sản phẩm có hại hoặc không tốt cho khỏe như thuốc lá và đồ uống có đường mang lại lợi ích nhiều nhất cho các hộ gia đình nghèo. Các nhóm này có xu hướng giảm tiêu thụ nhiều nhất sau khi áp thuế, nên được hưởng lợi nhiều nhất trong việc phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm liên quan đến đồ uống có đường. Về lâu dài, điều này sẽ góp phần tiết kiệm thu nhập và giảm chi phí y tế liên quan đến các bệnh này.
Ngành công nghiệp cũng lập luận, thuế với đồ uống có đường sẽ làm mất việc làm. Điều này cũng không đúng. Bằng chứng là, người tiêu dùng chuyển sang uống nước suối và các loại đồ uống không đường, nên bù đắp cho bất kỳ sự mất việc làm nào, thậm chí tạo cơ hội việc làm mới. Ở Mexico và TP. Berkeley (California, Mỹ), việc áp dụng thuế này đã tạo ra nhiều việc làm hơn trong lĩnh vực thực phẩm.
Bà có thể chia sẻ hiệu quả đánh thuế đối với đồ uống có đường ở một số quốc gia? Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ các nước đó?
Khoảng 110 quốc gia (chiếm 57% dân số thế giới) đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng về hiệu quả của thuế này.
Tại Mexico, việc áp thuế khoảng 10% giá bán với đồ uống có đường đã làm giảm tiêu thụ khoảng 6% sau 6 tháng và giảm khoảng 12% sau 12 tháng. Đồng thời, tiêu thụ đồ uống không đường, chủ yếu là nước suối đóng chai tăng 4%.
Tại Vương quốc Anh, hai năm sau khi áp thuế đối với đồ uống có đường, tiêu thụ đồ uống có đường ở nhóm hàm lượng cao (trên 8 gr/100 ml) giảm 35,1%, ở nhóm hàm lượng trung bình (5-8 gr/100 ml) giảm 45,5%. Trong khi đó, tiêu thụ đồ uống ở nhóm đường thấp (dưới 5 gr/100 ml) và không đường tăng tới 35,5%.
Sức khỏe của mọi người được cải thiện khi họ giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Ví dụ, ở Mexico, tỷ lệ sâu răng giảm đáng kể sau khi áp thuế với đồ uống có đường. Việc áp thuế vào năm 2014 được dự đoán giúp ngăn ngừa 89.000-136.000 trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mới trong 10 năm tiếp theo ở nước này.
Từ thực tế đó, chúng tôi khuyến nghị các cơ sở công cộng như trường học, cơ sở thể thao và bệnh viện cần cung cấp đồ uống không đường, như nước suối. Đặc biệt, trường học hay cơ sở thể thao thì hoàn toàn không nên có chỗ cho đồ uống có đường.
Nguồn: https://baodautu.vn/duoc-va-mat-khi-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-duong-d218544.html