Trong nhiều bộ phim cổ trang Trung Quốc, người ta thường xây dựng hình tượng một cung nữ nhỏ nhoi nhận được ân sủng của hoàng đế mà từng bước leo lên giữ chức vị cao quý ở hậu cung.
Con đường “một bước lên tiên” này tuy khó khăn nhưng lại là mơ ước của nhiều cung tần mỹ nữ trong cung. Thế nhưng, thực tế trong lịch sử phong kiến, hầu hết các cung nữ rất sợ hoàng đế sủng hạnh mình. Vì sao vậy?
Theo trang Sohu, sở dĩ các cung nữ không muốn được hoàng đế để mắt tới là bởi 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, khoảng cách giữa cung nữ và hoàng đế quá xa. Không phải cung nữ nào cũng có cơ hội được hầu hạ kề cận hoàng đế. Những chỗ ở của các cung nữ thường được sắp xếp rất xa cung của hoàng đế. Do đó, cơ hội để gặp mặt hoàng đế không nhiều nên khả năng trở thành nữ nhân của ngài càng hiếm.
Thứ hai, họ muốn tránh số phận bi kịch. Một cung nữ may mắn được hoàng đế sủng hạnh, thậm chí là sinh con cho hoàng đế thì số phận của họ chưa chắc thay đổi. Đặc biệt là những cung nữ có xuất thân thấp kém, không có chỗ dựa.
Sử sách từng chép lại về những cung nữ sau khi được hoàng đế sủng ái đều mất tích hoặc bị hành hạ đến chết. Với những người mang long thai cũng không có nhiều ngoại lệ, họ không được đến gần, nuôi dưỡng con của mình. Thay vào đó họ phải chôn vùi thanh xuân trong cô độc.
Các cung nữ không mang long thai phải tiếp tục làm việc trong sự đố kỵ, tẩy chay của người khác. Về già họ được trở về nhà cùng nỗi cô đơn, buồn tủi vì không người đàn ông bình thường nào dám đem lòng yêu thương họ, tránh phạm đến vua. Trong trường hợp đau đớn hơn, họ có thể phải tuẫn táng theo khi hoàng đế băng hà hoặc phải lên chùa xuất gia. Nếu may mắn không phải tuẫn táng, họ chỉ có cách cả đời phải lưu lại cửa Phật cầu nguyện cho hoàng đế cho đến khi chết mới thôi.
Thứ ba, cung nữ mang mối hận với hoàng đế. Cung nữ không phải là một vị trí an nhàn trong cung. Họ phải làm mọi việc từ nhẹ tới nặng, mỗi ngày họ đều phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ và hầu như đều bị bạc đãi. Cung nữ phải làm toàn bộ những công việc cực nặng nhọc cả ngày lẫn đêm, đôi khi còn không kịp ăn. Công việc vất vả nhưng yêu cầu của chủ nhân lại quá cao. Họ làm đến đâu cũng khó lòng làm hài lòng chủ nhân nên dần dần nảy sinh tâm lý oán hận.
Một ví dụ điển hình là việc vua Minh Thế Tông (niên hiệu Gia Tĩnh) suýt bị nhóm cung nữ ám sát chết. Theo những ghi chép trong lịch sử, nguyên nhân cho hành động liều lĩnh của các cung nữ này đến từ sự bạc đãi khủng khiếp của Minh Thế Tông.
Vị hoàng đế này vì muốn luyện đan dược trường sinh bất lão đã lấy máu kinh nguyệt của những cung nữ để thêm vào thuốc. Minh Thế Tông đã ép các cung nữ không được ăn cơm, chỉ được uống nước sương, nhiều người đã bỏ mạng vì ý muốn của nhà vua. Do đó, họ đã tập hợp và ra tay ám sát hoàng đế.
Quốc Thái(Nguồn: Sohu)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ