Dược Hậu Giang báo lãi 6 tháng giảm 33,6%
CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) vừa công bố BCTC Quý 2/2024 với ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.105,8 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ.
Tỷ trọng doanh thu từ các mặt hàng có biên lợi nhuận thấp gia tăng đã khiến giá vốn hàng bán bị đẩy lên 608,2 tỷ đồng, bất chấp doanh thu suy giảm. Do đó, lợi nhuận gộp giảm 11,4% xuống chỉ còn 497,6 tỷ đồng. Tương ứng biên lợi nhuận gộp giảm từ 48,7% xuống chỉ còn 44,9%.
Trong Quý 2, do lãi tiền gửi giảm mạnh khiến doanh thu hoạt động tài chính của DHG bị ảnh hưởng, giảm 40%, xuống còn 34,5 tỷ đồng.
Các chi phí trong kỳ đều được tiết giảm bao gồm: chi phí tài chính giảm còn 18,8 tỷ; chi phí bán hàng giảm còn 225,2 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp đi ngang ở mức 69,7 tỷ. Dược Hậu Giang cũng đồng thời ghi nhận lỗ khác 5,5 tỷ đồng, cao gần gấp 3 cùng kỳ.
Kết quả, lãi sau thuế trong Quý 2 của Dược Hậu Giang đạt 192,5 tỷ đồng, giảm 26,9% so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 6/2024, luỹ kế doanh thu nửa đầu năm 2024 đạt 2.364,4 tỷ đồng, giảm 16,8 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 414,7 tỷ đồng, giảm 33,6% so với nửa đầu năm 2023.
Cơ cấu tài sản nhiều tiền mặt liệu có còn phù hợp?
Tính đến hết Quý 2/2024, Dược Hậu Giang ghi nhận tổng tài sản 6.155,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong đó công ty đang giữ một lượng lớn tiền gửi.
Cụ thể, tiền mặt chỉ chiếm 61,6 tỷ đồng trên BCTC. Ngoài ra DHG đang nắm giữ 2.650 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng. Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, việc giữ lượng tiền mặt lớn được xem là bước đi an toàn của nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên báo cáo kết quả kinh doanh của DHG cũng cho thấy lãi tiền gửi sụt giảm đã khiến doanh thu tài chính từ hoạt động gửi tiền giảm tới 40%, gây ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. Như vậy, việc duy trì tỷ trọng tiền gửi cao trong cơ cấu tài sản của DHG hiện nay có phải là quyết định đúng đắn?
Về cơ cấu nguồn vốn, DHG có xu hướng tăng cường vay nợ ngắn hạn. Lượng nợ vay ngắn hạn tăng từ 572,2 tỷ lên 810,9 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 41,7%. Toàn bộ trong đó đều là các khoản vay ngân hàng. Công ty cũng không ghi nhận khoản nợ dài hạn đáng kể nào khác.
Vốn chủ sở hữu hiện đang có tỷ trọng lớn, chiếm 4.253,5 tỷ đồng. Dược Hậu Giang đang duy trì Quỹ đầu tư phát triển ở mức rất cao, chiếm 2.458,1 tỷ đồng. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ chiếm 481,2 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với thời điểm đầu năm.
Nguồn: https://www.congluan.vn/duoc-hau-giang-dhg-lai-6-thang-giam-33-giu-tien-mat-nhieu-lieu-con-phu-hop-post304382.html