Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9, thế mạnh xuất khẩu rau quả thu về 5,64 tỷ USD, tăng mạnh 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái và trở thành nhóm mặt hàng có kim ngạch cao thứ 3 của ngành nông nghiệp (sau lâm sản và thuỷ sản).
Kết quả trên phần lớn nhờ sự đóng góp của xuất khẩu trái sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra còn có các loại trái cây, rau củ chủ lực như: chuối, mít, xoài, dưa hấu, chanh, chanh leo, các loại hạt…
Trong cơ cấu thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục bùng nổ. Chỉ trong 9 tháng, rau quả xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng mạnh 37,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, rau quả xuất sang Trung Quốc vượt con số kim ngạch 3,6 tỷ USD của cả năm 2023, chính thức lập kỷ lục mới. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này trong tổng kim ngạch của ngành rau quả cũng tăng từ 65,3% (9 tháng năm 2023) lên 67,2% trong 9 tháng năm nay. Hiện Việt Nam là đối tác cung cấp rau quả lớn thứ 3 cho thị trường Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Việt Nam đang có 12 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu sang quốc gia này ước đạt 4,5 tỷ USD trong năm 2024.
Thực tế nhiều sản phẩm rau củ, trái cây sau khi được cấp giấy “thông hành” để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đã có chỗ đứng vững chắc và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đơn cử, chỉ 2 năm sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thị phần “vua trái cây” Việt Nam tăng mạnh lên 35-36%. Thậm chí, một số thời điểm Việt Nam còn vượt qua Thái Lan để trở thành nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc.
Năm nay, chỉ 9 tháng xuất khẩu sầu riêng ước đạt 2,5 tỷ USD – xô đổ mọi kỷ lục lịch sử trước đó. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 95% giá trị xuất khẩu của loại trái cây này.
Hay như, trong 8 tháng năm 2024, nhập khẩu chuối của Trung Quốc đạt khoảng 1,13 triệu tấn, trị giá 592,1 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 23% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nguồn cung chuối cho thị trường Trung Quốc có sự chuyển dịch. Việt Nam thay thế Philippines trở thành nhà cung cấp chuối lớn nhất cho Trung Quốc trong 8 tháng qua. Theo đó, lượng chuối nước ta xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 460.000 tấn, thu về gần 190 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu chuối sang Trung Quốc tăng 19,6% về lượng và tăng 0,8% về trị giá.
Thị phần chuối của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng từ 31,33% trong 8 tháng năm 2023 lên 40,71% trong cùng kỳ năm nay.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối, vải, nhãn, mít, xoài, dưa hấu của Việt Nam, nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới. Đây cũng là các loại trái cây Việt đã có giấy “thông hành” tại thị trường này.
Về tiềm năng xuất khẩu, ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) từng cho biết, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD và dự kiến con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD trong vài năm tới. Ngoài ra, họ còn nhập 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh và con số này dự kiến sẽ tăng nhanh trong những năm tới.
Tương tự, với các loại rau quả khác, tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt sang Trung Quốc dự báo sẽ sớm cán mốc 10 tỷ USD trong vài năm tới.
Song, muốn đạt được con số trên, ngành hàng rau quả cần phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi cần tập trung phát triển và duy trì.
Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/duoc-cap-loat-giay-thong-hanh-sang-trung-quoc-tien-om-ve-lap-ky-luc-lich-su-2332893.html