Đại tá Đinh Kim Lập, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, chia sẻ thông tin trên với người viết. Đại tá Đinh Kim Lập nói thêm, đây là thời điểm cận Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận bỗng xuất hiện tình trạng vận chuyển, mua bán, tàng trữ pháo nổ và cả súng tự chế.
Trong thời gian chỉ 15 ngày trong đợt cao điểm truy quét tội phạm (tính đến 4.1.2024), bảo đảm an ninh, an toàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Công an Bình Thuận đã triệt phá được 14 vụ vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sản xuất pháo nổ; bắt giữ 20 nghi can để điều tra theo quy định pháp luật.
Đại đa số các vụ tàng trữ, vận chuyển, thậm chí là tàng trữ thuốc pháo để sản xuất pháo, súng tự chế đều là những thanh niên trẻ tuổi, có nghi can đang là sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học. Và nói theo lời đại tá Đinh Kim Lập, những nghi can này có khả năng từ biệt gia đình, “xuân này con không về” bởi Công an Bình Thuận chỉ đạo công an các địa phương, các đơn vị nghiệp vụ xử lý kiên quyết, không bỏ sót bất cứ vụ buôn bán, tàng trữ hay vận chuyển pháo nổ trái phép nào, tuần tra kiểm soát nghiêm trên đường, các địa bàn.
Việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hay sản xuất pháo nổ trái phép thực chất không mang lại nhiều tiền lãi. Một trinh sát cho người viết biết, một vụ vận chuyển vài ký pháo, các nghi can lãi được vài ba trăm nghìn đồng, nhưng khi bị bắt thì hậu quả phải gánh chịu rất nặng nề. Theo điều 190 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sản xuất pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Không ít nghi phạm bị bắt vì tàng trữ, mua bán, vận chuyển pháo nổ trái phép có tuổi đời còn khá trẻ, thậm chí vẫn đang là sinh viên. Do vậy, trong môi trường giáo dục, cần tuyên truyền, cảnh tỉnh cho các sinh viên. Đừng dại dột vì hám lời vài ba trăm nghìn đồng mà vướng cảnh “xuân này con không về”.