Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hội viên nông dân ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập và thoát khỏi hộ nghèo.
Vay vốn ưu đãi tạo đà phát triển kinh tế
Anh Đặng Văn Hà, ở thôn Khe Tắm, thị trấn Phố Lu, trước đây thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bấp bênh. Gia đình chỉ trông vào vài sào ruộng, nuôi thêm con gà, con vịt và lúc rảnh thì đi rừng kiếm củi, kiếm măng. Nhiều đêm trằn trọc muốn thoát nghèo nhưng anh Hà đành bất lực vì không có vốn và không biết nên trồng cây gì, nuôi con gì. Thế rồi may mắn năm 2008 anh được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, vốn dành cho hộ nghèo, nhờ sự tư vấn của chính quyền địa phương, anh Hà đầu tư vào trồng rừng, nuôi trâu sinh sản và nuôi gà, vịt để cải thiện cuộc sống gia đình.
Đến năm 2018 gia đình anh đã thoát nghèo và xây được ngôi nhà khang trang cùng nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Anh Hà tiếp tục mạnh dạn vay vốn NHCSXH thêm 100 triệu đồng từ nguồn vốn cận nghèo và tiếp tục đầu tư trồng rừng, mở rộng quy mô phát triển kinh tế. Sau một năm, đến nay năm 2019 gia đình anh đã thoát hộ cận nghèo.
Hiện tại gia đình anh có 6ha rừng, trong đó có 2ha quế đã 10 năm tuổi, bình quân mỗi năm bán từ tỉa thưa cành, lá quế và gỗ rừng trồng, cũng cho gia đình anh thu gần 100 triệu đồng. Với 2 con trâu sinh sản một năm anh bán 2 nghé con được 40 triệu đồng. Bên cạnh đó anh còn trồng 5 sào lúa nước, mỗi năm thu gần 2 tấn, trị giá 20 triệu đồng. Nhờ đầu tư bài bản, nắm vững kỹ thuật nên trung bình mỗi năm mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Hà cho thu về 100 triệu đồng đã trừ chi phí.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Hà cho biết, nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội với thời gian vay dài, lãi suất ưu đãi chính là động lực để vợ chồng anh Hà mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Giờ gia đình anh đã trả hết vốn vay. Các con đều được ăn học đàng hoàng và con gái lớn cũng đã học Đại học sư phạm năm thứ 4.
Tương tự như gia đình anh Hà, gia đình bà Lý Thị Hoa ở thôn Khe Tắm, thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) là một trong những hộ dân có điều kiện kinh tế khó khăn, năm 2018, sau khi được tiếp cận nguồn vốn nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà Hoa như được tiếp thêm sức mạnh, số vốn này là nguồn lực để gia đình đầu tư vào phát triển chăn nuôi, trồng rừng.
Với quyết tâm thoát nghèo, năm 2018 gia đình bà Hoa mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội cộng với số tiền tích góp được, gia đình đầu tư trồng rừng và chăn nuôi tổng hợp. Hiện gia đình bà Hoa có gần chục ha rừng, trong đó diện tích quế hơn 5 ha từ 3 năm đến 10 năm tuổi đã cho thu từ tỉa cành lá quế , còn lại là bồ đề, trẩu và gỗ tạp.
Với 2 sào ao nuôi cá gồm các loại cá trắm, cá chép, chủ yếu phục sinh hoạt trong gia đình. Với đàn dê gần chục con, mỗi năm gia đình bà xuất bán từ 6 – 7 con. Bên cạnh đó bà còn nuôi gà để cải thiện cuộc sống hằng ngày cho gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Hoa cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho gia đình bà phát triển sản xuất ổn định nên mấy năm nay kinh tế gia đình khấm khá lên. Năm 2022, gia đình tôi tiếp tục vay vốn cận nghèo 100 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ được vay nguồn vốn kịp thời và nhanh chóng từ Ngân hàng chính sách huyện mà gia đình tôi có điều kiện để xây dựng nhà cửa, đầu tư phát triển kinh tế và đến nay đã thoát cận nghèo. Tổng thu nhập của gia đình bà Hoa bình quân từ 70 – 80 triệu đồng/năm.
Hiệu quả nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội
Gia đình anh Đặng Văn Hà, bà Lý Thị Hoa chỉ là 2 trong nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn sau khi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Thông qua nguồn vốn, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhiều hộ đã nghèo nghèo và vươn lên làm giàu.
Chia sẻ về hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, bà Bàn Thị Nhắn, Bí Thư chi bộ thôn Khe Tắm, thị trấn Phố Lu cho biết: Toàn thôn có 56 hộ, trong đó chiếm gần 90% là đồng bào dân tộc Dao. Thông qua nguồn vốn này mà nhiều hộ dân trong thôn đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Đến nay toàn thôn chỉ còn 7 hộ nghèo.
Bà Đỗ Thị Hường, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng, Lào Cai cho biết: Hiện nay nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã có mặt trên 14 xã, thị trấn, trên địa bàn huyện Bảo Thắng, không có thôn, bản, tổ dân phố trắng tín dụng chính sách xã hội.
Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác thì nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần với người dân hơn, nhờ đó chất lượng tín dụng trên địa bàn ngày một nâng lên.
Nhìn từ thực tế, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn “tín dụng đen”, củng cố và nâng cao niềm tin của người dân đối với các chính sách của Nhà nước. Điều đáng nói, nhờ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách mà có nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Nguồn: https://danviet.vn/dung-von-ngan-hang-csxh-dau-tu-chan-nuoi-trong-que-nong-dan-lao-cai-vuon-len-kha-gia-20241108133053187.htm