Tuy nhiên, cách xử lý trường hợp tồn tại ngoài quy định từ lâu này lại có vẻ đang gây sốc với không ít phụ huynh.
Phụ huynh sốc, lo lắng
Một phụ huynh ở P.Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân) chia sẻ: Khi đọc thông tin việc tuyển sinh lớp 6 vào Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (mà học sinh và phụ huynh vẫn quen gọi tắt là “Trường Ams” – PV) có thể phải dừng lại từ năm nay khiến tôi và cả gia đình chỉ có thể nói một từ là “quá sốc”.
Chị cho biết con chị năm nay đang học kỳ 2 của lớp 5 và có nguyện vọng duy nhất là vào lớp 6 của Trường Ams. Vì nguyện vọng đặc biệt nên từ lớp 1 gần như cháu không có một kỳ cuối tuần hay nghỉ hè nào trọn vẹn bởi lịch học thêm, ôn luyện để đạt nguyện vọng này. Từ lớp 3, lịch học của con chị còn dày đặc hơn. Không chỉ có cháu vất vả mà cả gia đình cũng phải cùng một guồng quay.
Nếu nghiên cứu phương án thi của Trường Ams nhiều năm trở lại đây có thể thấy, vào được lớp 6 của trường quả thực là một “cuộc chiến” rất cam go mà người tham gia phải xác định rõ mục tiêu, có chiến lược và thực hiện một cách bài bản từ khi con vào lớp 1.
Lâu nay, việc tuyển sinh vào lớp 6 của trường này được áp dụng theo cơ chế đặc thù, dù không phải là hệ chuyên vì theo luật Giáo dục không có trường chuyên, lớp chọn từ cấp THCS trở xuống. Tuy nhiên, khối THCS nằm trong Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã tồn tại hàng chục năm nay nên phụ huynh cũng mặc định đó là “trường chuyên”, năm nào việc tuyển sinh cũng vô cùng căng thẳng. Để được đi tiếp vào vòng thi tuyển, học sinh (HS) phải qua được vòng xét tuyển học bạ vô cùng gắt gao. Ví dụ năm 2023, theo hướng dẫn tuyển sinh, HS phải đạt 167 điểm cho 17 bài kiểm tra cuối năm học, đồng nghĩa với việc chỉ được phép tối đa 3 điểm 9 ở cấp tiểu học, còn lại tất cả phải đạt điểm 10 mới được đăng ký dự thi.
Năm 2022, theo danh sách nhà trường công bố, trong hơn 1.200 thí sinh đủ điều kiện dự thi đều có bảng điểm toàn điểm 10, rất hiếm hoi mới thấy điểm 9 xuất hiện trong các phiếu đăng ký dự thi. Năm 2023, nhiều phụ huynh bức xúc vì con có học bạ toàn 10 nhưng vẫn bị loại ở vòng xét tuyển bởi vẫn thiếu những đánh giá định tính như “hoàn thành tốt”, “hoàn thành xuất sắc”.
Tại TP.HCM, hằng năm việc tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thu hút sự quan tâm của khá nhiều phụ huynh, HS. Từ nhiều năm nay, Sở GD-ĐT thực hiện tuyển sinh đầu vào bậc THCS của trường này thông qua bài khảo sát năng lực tiếng Anh các kiến thức môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, khoa học, lịch sử, địa lý… Trung bình tỷ lệ chọi lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thường dao động xung quanh mức 1/8, với chỉ tiêu hằng năm khoảng 500 HS thì có khoảng 4.000 em đăng ký khảo sát.
Chính vì vậy, trước thông tin việc tuyển sinh lớp 6 vào trường THPT chuyên có thể phải dừng lại từ năm nay vì theo quy chế, các trường THPT chuyên không được phép có hệ THCS và hệ không chuyên, phụ huynh có con em dự định tham dự tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm học 2024 – 2025 rất lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Châu, phụ huynh HS lớp 5 Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3), lo lắng và bức xúc: “Trong nhóm phụ huynh HS có dự định cho con vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa của chúng tôi từ hôm qua đến giờ khá lo lắng. Từ hơn một năm nay, phụ huynh chúng tôi đã có lộ trình cho các bé chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để tham gia bài khảo sát tuyển sinh đầu vào. Nhưng nay khi, thời điểm tuyển sinh đang đến gần mới biết thông tin về THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, tương tự như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, không được tuyển sinh lớp 6, chúng tôi rất hoang mang. Nếu phải thực hiện thì cũng cần có lộ trình, ít nhất sau năm học này thì mới hợp lý”.
Tuyển chọn khốc liệt
Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng nếu nhận tất cả hồ sơ đăng ký dự thi thì “tỷ lệ chọi” sẽ vô cùng căng thẳng do việc tuyển sinh vào các trường đặc thù không phân tuyến tuyển sinh như vào lớp 6 các trường THCS công lập bình thường. Do vậy, việc đưa ra điều kiện hồ sơ dự tuyển để lọc bớt thí sinh không có đủ năng lực ngay từ vòng loại, tránh mất thời gian cho thí sinh, phụ huynh; mặt khác giảm gánh nặng, chi phí cho công tác tổ chức thi vì chỉ tiêu vào lớp 6 của các trường này thường hạn chế.
Vòng xét tuyển đã vậy, vòng thi tuyển càng căng thẳng hơn, bởi là cuộc đua của những “HS giỏi nhất trong những người giỏi”.
Sau khi lọt qua vòng 1, các em sẽ tiếp tục thực hiện 3 bài kiểm tra đánh giá năng lực gồm: toán, tiếng Việt, tiếng Anh theo hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận. Đề thi năm nào cũng khiến chính giáo viên, thậm chí cả giáo sư phải ngạc nhiên vì độ khó đến mức đánh đố… Nếu không học thêm, giải bài, luyện đề trong một thời gian dài thì không thể đạt được điểm cao.
Một giáo viên dạy lớp 5 ở Q.Đống Đa chia sẻ: “Nội dung câu hỏi trong đề toàn là kiến thức nâng cao nhưng lại yêu cầu HS phải hoàn thành với cấp độ cực kỳ nhanh. Tôi tính toán là 30 giây các em phải làm xong 1 câu hỏi khó. Không luyện theo dạng đề trong một thời gian dài thì không thể đáp ứng yêu cầu về cấp độ như vậy”.
GS Đỗ Đức Thái, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chủ biên môn toán trong Chương trình GDPT 2018, cũng cho rằng những đề thi vào các trường chuyên này ngày càng trở nên lắt léo.
“Nó không làm cho HS thông minh hơn và không đánh giá được độ thông minh của HS”, GS Thái nói, đồng thời phản đối quyết liệt việc xét học bạ toàn điểm 10 mới được dự thi, ông gọi đó là cách tạo nên những “hàng fake” trong giáo dục.
Quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội và TP.HCM
Trao đổi với báo chí, ngày 6.3, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết Sở đã nhận được văn bản của Bộ GD-ĐT và đang xây dựng kế hoạch, phương án tuyển sinh đầu cấp, gồm tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024 – 2025 để báo cáo UBND thành phố trên tinh thần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Đồng thời, Sở cũng đang nghiên cứu tham mưu thành phố đề xuất cơ chế đặc thù với những giải pháp phù hợp trong công tác tuyển sinh vào các trường THPT chuyên trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, HS và bảo đảm chất lượng công tác đào tạo mũi nhọn của thủ đô.
Sở này cũng cho rằng việc thực hiện khối THCS trong Trường THPT chuyên Hà Nội đã duy trì gần 30 năm nay và đạt kết quả tốt trong tạo nguồn HS có chất lượng. Căn cứ pháp lý của việc tổ chức hệ THCS chất lượng cao và đào tạo nguồn HS chuyên tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam là luật Thủ đô, trong đó cho phép Hà Nội “xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn”.
Còn một cán bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp cho năm học 2024 – 2025. Kế hoạch tuyển sinh sẽ được trình UBND TP.HCM phê duyệt và Sở sẽ công bố khi có thông tin chính thức.
Tạo nguồn chủ yếu cho các lớp chuyên THPT ?
Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam thí điểm hệ THCS đào tạo trình độ cao và đào tạo nguồn HS chuyên theo Quyết định số 5029/QĐ-UBND ngày 29.9.2009 của UBND TP.Hà Nội. Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá trong những năm vừa qua, hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hệ tạo nguồn chủ yếu cho các lớp chuyên THPT đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia và quốc tế.
Còn tại TP.HCM, năm 2000, UBND TP.HCM ban hành quyết định thành lập Trường THPT Trần Đại Nghĩa với mô hình thí điểm tăng cường tiếng Anh và HS học tập, sinh hoạt cả ngày tại trường. Từ thời điểm thành lập, trường đã tuyển sinh lớp 6. Đến năm 2002, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 4072 cho phép chuyển Trường THPT Trần Đại Nghĩa thành Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1, TP.HCM, cho rằng việc tổ chức bậc THCS trong trường chuyên có thể coi là một thuận lợi khi triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, đặc biệt với trường chuyên. Trước đây, Chương trình GDPT 2006, HS học đơn môn có thể hiện rõ năng lực các môn chuyên ở bậc THPT nhưng với Chương trình GDPT 2018, HS THCS học môn tích hợp nên việc hiểu rõ năng lực để tham gia lớp chuyên THPT cũng có phần hạn chế. Chính vì vậy, đào tạo bậc THCS trong trường THPT chuyên sẽ giúp HS tiệm cận hơn, bồi dưỡng để cung cấp nguồn HS chất lượng cao cho trường THPT chuyên, HS giỏi tham gia các kỳ thi HS giỏi của TP, quốc gia…