Sức ép ESG

Thực hành Bộ tiêu chuẩn ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội, Governance – quản trị doanh nghiệp) đang trở thành chuyện bắt buộc phải làm.

Đây là nhận định chung của các doanh nghiệp tham gia Tọa đàm “Thực hành ESG trong doanh nghiệp: Xây lợi thế vững bền – Tạo tương lai thịnh vượng” do Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức chiều 3/10 tại Hà Nội.

“Gần đây, khi chúng tôi làm việc với các đối tác FDI, nhất là các doanh nghiệp Đài Loan – Trung Quốc, Singapore, Malaysia,… họ hay hỏi rằng “Đã làm ESG chưa?”. Khách hàng cần nên mình phải tìm hiểu để đáp ứng yêu cầu”, ông Vũ Thanh Tùng, Trưởng Phòng Phát triển kinh doanh, Công ty Cổ phần Xây dựng Vilai Việt, kể.

ESG trong doanh nghiep.jpg
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Bình Minh

Sức ép của các doanh nghiệp FDI cũng khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác phải “chuyển mình”, trong đó có Công ty Cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng).

“Khi thu hút các doanh nghiệp FDI vào khu công nghiệp, họ đã theo đuổi các tiêu chuẩn về ESG từ lâu. Nếu chủ đầu tư khu công nghiệp không có tư duy về ESG thì kém tính cạnh tranh”, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Shinec, giãi bày.

Với những doanh nghiệp chưa có khách hàng FDI, chưa có hoạt động xuất khẩu tới những thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu,… thì ESG cũng đang trở thành hướng đi mới giúp duy trì sự phát triển bền vững.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn STP của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hải Bình, doanh nghiệp sản xuất và nghiên cứu hạ tầng nông nghiệp bền vững trên biển. Cơn bão số 3 vừa qua đã khiến hạ tầng nuôi biển của STP bị cuốn trôi, nhưng sau đó, nhờ hệ thống định vị đã trục vớt được 90%.

“Nông nghiệp bền vững đang là xu hướng tại Việt Nam. Doanh nghiệp không tự chuyển đổi, không thực hành ESG thì không thể bắt kịp xu hướng trong nước, chưa nói tới xu hướng thế giới”, bà Bình nhận định. 

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, cho hay, tại Việt Nam đang có 2 mô hình doanh nghiệp triển khai ESG.

Một là những doanh nghiệp đang kinh doanh trong những lĩnh vực khá truyền thống, ví dụ xây dựng, công nghiệp hỗ trợ,… do thấy được bước chuyển của thị trường, của nhà mua quốc tế, của luật pháp, không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải nghiên cứu tích hợp ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi thực sự khâm phục những doanh nghiệp đang cố gắng tích hợp những yếu tố ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống. Chuyện đó không dễ bởi vì bao lâu nay doanh nghiệp Việt Nam thâm dụng về lao động, tài nguyên thiên nhiên”, bà Thủy chia sẻ.

Hai là những doanh nghiệp ngay từ ngày đầu hoạt động đã gắn với khái niệm “sinh thái” và “bền vững”.

Có khá nhiều câu chuyện tính lan tỏa cao, có thể làm mẫu cho các doanh nghiệp khác. Chẳng hạn những doanh nghiệp tham gia Chương trình “Sáng kiến ESG Việt Nam 2024” do Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Hãy làm thật

Tổng giám đốc STP nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn tích hợp, thực hiện tốt ESG thì lãnh đạo phải là những con người ESG, phải làm gương để đội ngũ cán bộ nhân viên đều trở thành những “con người xanh”. Cùng với đó cũng cần phải chọn được các bên liên quan “đồng màu, đồng chất” về các tiêu chí E, S, G.

“Không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn hay ‘làm màu’. Hãy làm thực, đừng để tới khi đối tác đến kiểm tra thì mới bắt đầu đối phó”, bà Bình khuyến nghị.

Ông Vũ Thanh Tùng lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam thiếu hụt cả về bề dày kinh nghiệm cũng như tích lũy tư bản so với doanh nghiệp nước ngoài. Nếu đấu thẳng thừng trên thị trường thì nguy cơ mình thua rất lớn. Không có cách nào khác là mình phải làm từ gốc và đặc biệt là phải hành động. Hiện không ít doanh nghiệp nói rất giỏi, nhưng lại không hành động. 

Thống nhất cao với cụm từ “phải hành động”, bà Thủy dẫn câu chuyện cách đây khoảng 2 năm, doanh nghiệp dệt may của Việt Nam bị “sốc” trước hiện tượng “dệt may xanh” của Bangladesh. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may Bangladesh sang Mỹ tăng 54% nhờ chứng chỉ xanh. 

Suốt 1 năm sau đó, các doanh nghiệp dệt may Việt phân hai nửa để tranh luận: một nửa cho rằng sự tăng trưởng đó là bởi vì “xanh”; một nửa cho rằng không phải vì “xanh” mà vẫn nhờ những lợi thế lao động giá rẻ, sự sẵn sàng trong chuỗi cung ứng…

Trong lúc nhiều doanh nghiệp mải mê tranh luận, một nữ chủ doanh nghiệp dệt may thuộc diện doanh nghiệp vừa và lớn ở Việt Nam đã trực tiếp đi tìm hiểu xem rốt cuộc doanh nghiệp Bangladesh đã đạt chứng chỉ gì của thị trường Mỹ. Khi biết đó là chứng chỉ LEED do các tổ chức của Mỹ cấp, doanh nghiệp của bà quyết tâm đạt chứng chỉ này.

Lần đầu tiên nhìn bảng đánh giá của LEED, bà choáng váng bởi quá nhiều chỉ tiêu, có những chỉ tiêu vô cùng khó, nhưng doanh nghiệp vẫn quyết tâm làm và đã thu kết quả. Năm ngoái, trong lúc toàn ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng âm gần 10% thì doanh nghiệp dệt may này vẫn tăng trưởng dương, trở thành người được quyền chọn nhà mua quốc tế khi sở hữu chứng chỉ hiếm so với các doanh nghiệp khác trên cùng thị trường.

“Nếu chỉ nghĩ về ESG như một hoạt động có tính trang trí, giúp ‘phông bạt’, ‘làm màu’ với thị trường, thì doanh nghiệp sẽ khó đi đường dài, không phát triển bền vững được”, bà Thủy đúc kết. 

Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa giới thiệu một số công cụ hỗ trợ thực hành ESG cho doanh nghiệp gồm: Bộ công cụ đánh giá kinh doanh bền vững theo khung ESG; Sổ tay Giới thiệu quy định pháp lý về ESG năm 2024; Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp năm 2024.

Các công cụ được cung cấp miễn phí tại địa chỉ https://esg.business.gov.vn