Sáng 2-3, tại nhà sách Nguyễn Huệ đã diễn ra buổi ra mắt sách Thôi làm tổn thương mình và Vì bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ của tác giả Jun Mee Kyung, một bác sĩ người Hàn, chuyên khoa sức khỏe tâm thần.
Với hai tác phẩm mới ra mắt, tác giả muốn gửi đến người đọc những thông điệp về niềm tin với chính bản thân mình, cách chữa lành quá khứ, sống tốt ở hiện tại và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Những gì đã qua thì hãy cho qua
Trong quá trình trị liệu cho nhiều bệnh nhân, bác sĩ Jun Mee Kyung nhận ra những người bị chấn thương tâm lý thường có khuynh hướng quan tâm đến cái tôi trong quá khứ nhiều hơn cái tôi của ngày hôm nay.
Khi bà viết cuốn Vì bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ thì cũng là lúc biến cố ập đến. Ba mẹ đã rời bỏ bà và đi khỏi thế gian này.
Jun Mee Kyung tâm sự rằng những gì viết trong sách là lời mà bà muốn nói với chính mình vào thời điểm đó.
“Có những hôm tôi vừa viết vừa khóc. Lúc đó, người tôi rũ rượi như bông gòn thấm nước, chẳng còn biết buồn, vui, hờn, giận gì nữa. Tôi moi móc những việc bất hiếu mà mình đã làm với ba mẹ trong quá khứ để rồi hối hận, tự trách mình” – bà nhớ lại.
Và tâm trạng của bà khi ấy cũng giống với những triệu chứng của các bệnh nhân do bà chữa trị.
Họ thường có ba triệu chứng sau:
Đầu tiên, họ sống mãi trong quá khứ hoặc cứ hoài gặm nhấm những tổn thương.
Họ cho rằng một biến cố trong quá khứ đã khiến họ khổ sở trong hiện tại, để rồi chìm vào nỗi tủi thân.
Thứ hai, họ tự vấn sao mình phải khổ tâm như thế rồi đào sâu vào những vấn đề của chính mình, càng đào bới thì họ càng âu sầu và bất an hơn.
Thứ ba, họ cảm thấy vô cùng trống rỗng và không hiểu tại sao mình tồn tại. Họ đánh mất khả năng tự tìm thấy ý nghĩa và giá trị cuộc sống.
Theo bà, bản thân chúng ta không tránh khỏi những lúc có sự dằn vặt trong quá khứ nhưng chỉ nên nghĩ đến một lần rồi thôi. Những gì đã qua thì hãy cho qua.
Vì nếu cứ gặm nhấm những thương tổn đó và liên kết với cuộc sống hiện tại thì chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Việc của chúng ta là phải cố gắng sống có ý nghĩa hơn trong hiện tại và cả tương lai.
Bởi những gì mà ta đang đối diện với hiện tại sẽ là yếu tố quyết định liệu những tổn thương trong quá khứ có được chữa lành hay không.
Lòng tự trọng giả tạo sẽ khiến mình lung lay
Còn trong cuốn Thôi làm tổn thương mình, bác sĩ Jun Mee Kyung viết về lòng tự trọng thật sự và lòng tự trọng giả tạo.
Bên cạnh việc thường xuyên dằn vặt những nỗi đau trong quá khứ, người mắc bệnh tâm lý còn có xu hướng tự so sánh bản thân mình với người khác trên nhiều phương diện học tập, phúc lợi trong công việc, cuộc sống riêng tư.
Rồi họ liên tưởng đến năng lực của bản thân và có suy nghĩ là mình luôn thua kém so với tất cả.
Theo Jun Mee Kyung, đó là điều lớn nhất khiến một người đánh mất đi lòng tự trọng của mình.
Ở Hàn Quốc, có nhiều phương pháp trị liệu cho vấn đề tâm lý này.
Nhưng giải pháp quan trọng nhất là mỗi người cần phải nhận thức rõ khả năng của bản thân và tránh so sánh mình với người khác và cũng không nên quá khao khát một sự công nhận.
Ngoài ra, chúng ta cần hiểu rõ bản thân mình để không tự mãn hay có sự tự tin quá mức dựa trên sự lừa dối bản thân.
Bởi đó chỉ là lòng tự trọng giả tạo mà thôi.
Jun Mee Kyung là tác giả hai cuốn sách Thôi làm tổn thương mình và Vì bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ với hơn 120.000 bản sách đã được phát hành tại Hàn Quốc và Thái Lan.
Bà cũng là bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần, hiện đang là giám đốc Phòng khám Sức khỏe tâm thần Goodmorning và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Dan Kook.
Jun Mee Kyung là tác giả chính của một số đầu sách như: Tình yêu của bạn giống như bạn, Giảng dạy nhân văn học trên đường tan sở và hiệu đính cho những cuốn sách về vấn đề tâm lý của trẻ em như: Không sao, không sao đâu, Từ điển cảm xúc dành cho trẻ…