Ảo tưởng của người Ý
Có một thống kê đặc biệt được rút ra sau thất bại của Ý trước Thụy Sĩ: từ năm 2016 đến nay, các nhà đương kim vô địch luôn dừng bước ở vòng 16 đội. Đó là thất bại của Tây Ban Nha (vô địch năm 2012) trước Ý ở EURO 2016, của Bồ Đào Nha (vô địch năm 2016) trước Bỉ ở EURO 2020 và hiện tại là Ý (vô địch năm 2020) đã thua Thụy Sĩ.
Gọi là “lời nguyền” hay không, tùy quan điểm. Nhưng có một nhận định được giới chuyên gia lẫn người hâm mộ đồng lòng sau trận đấu tối qua: Ý bị loại vì kém, chứ không phải vì bất cứ cái dớp nào cả.
Bức tranh bóng đá Ý trong 20 năm qua được gói gọn trong câu nói của hậu vệ Massimo Oddo (từng chơi cho AC Milan) rằng “điều tồi tệ nhất với bóng đá Ý là chức vô địch World Cup 2006, bởi nó khiến người Ý ảo tưởng rằng họ có nền bóng đá mạnh”.
Quả thực, sau World Cup 2006, đội tuyển Ý bị loại liền ở vòng bảng World Cup 2010 và 2014, rồi không được dự World Cup 2018 và 2022. Chiến thắng oai hùng ở Berlin năm nào chỉ như viên đá ném xuống hồ nước, chìm nghỉm, với những vệt loang chỉ tồn tại ngắn ngủi trong vài giây.
Đáng buồn cho đội tuyển Ý, khi chức vô địch EURO 2020 có thể cũng vậy. Chẳng có giá trị gì ngoài việc xoa dịu cho một đội tuyển, hay một nền bóng đá chẳng còn gì đáng nói.
Đội tuyển Ý vô địch EURO 2020 có xứng đáng không? Tất nhiên là có. Đội bóng áo thiên thanh thắng một mạch từ trận ra quân đến khi vô địch, vừa chơi tấn công lôi cuốn, vừa bản lĩnh và lì đòn. Tuy nhiên, sự lì lợm đã biến mất khi bộ đôi cận vệ già Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini chia tay đội tuyển. Còn sự đẹp mắt đã rời xa từ sau chấn thương của Federico Chiesa, ngôi sao sáng bậc nhất của Ý ở giải đấu năm ấy.
Đội tuyển Ý đã lên đỉnh châu Âu nhờ một dàn cầu thủ tiềm năng, đạt điểm rơi phong độ đồng thời và đúng lúc. Song, chức vô địch không giúp đội bóng áo thiên thanh có cú hích, bởi vốn dĩ bóng đá Ý thiếu thốn nhân tài, không có nhiều hơn ngoài một lứa cầu thủ đã xưng vương ở EURO năm ấy.
Minh chứng là ngay sau EURO 2020, Ý bị “hất cẳng” ở vòng loại World Cup 2022 bởi… Bắc Macedonia. Cũng giống World Cup 2006, một chiếc cúp là không đủ để bóng đá Ý trở lại từ vực sâu.
HLV Spalletti phải chịu trách nhiệm
Trong quá khứ, đội tuyển Ý từng gây ấn tượng bởi màn hát quốc ca hùng hồn. Tuy nhiên, mỉa mai cho Ý là sau thất bại trước Thụy Sĩ, chi tiết này lại bị lấy ra để… chê cười. “Đội tuyển Ý chỉ hay mỗi đoạn hát quốc ca”, là quan điểm được lan truyền với hàng trăm nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội.
HLV Luciano Spalletti có thể trách bóng đá quá nghiệt ngã, nhưng ông còn phải tự trách mình. Từ La Republica chỉ trích đội tuyển Ý là “một trong những đội tuyển xấu xí nhất nhiều năm qua”. Nó không chỉ đến từ khía cạnh lực lượng, mà còn là cách dùng người, điều binh khiển tướng của Spalletti.
Bằng cách nào mà Mateo Darmian, người từng đá hỏng luân lưu khiến Ý bị Đức loạt ở tứ kết EURO 2016, vẫn có thể trụ lại EURO 2024? Hậu vệ này từng thất bại ở Manchester United và tài năng không có gì đáng nói, nhưng HLV Spalletti vẫn phải dùng anh.
Gianluca Scamacca, cầu thủ thậm chí không trụ lại nổi West Ham dù giá chuyển nhượng rất cao, lại là chân sút được HLV Spalletti lựa chọn dẫn dắt hàng công đội tuyển Ý. Stephan El-Shaarawy, cái tên bao năm qua không còn ở nhóm đầu châu Âu, vẫn được Ý tin dùng.
Bóng đá Ý rất thiếu cầu thủ giỏi, như chính Carlo Ancelotti và Jose Mourinho đã bình luận. Song, với cách dùng người của cựu HLV Napoli, có lẽ bao nhiêu cũng… chẳng đủ. Đội tuyển Ý đã chơi rời rạc, thiếu tính tổ chức trước Thụy Sĩ, nhưng lối chơi bạc nhược này từng thể hiện ở vòng bảng. Chỉ khác là Ý vẫn đi tiếp, bởi đối thủ mắc nhiều sai lầm hơn.
Nhưng HLV Spalletti không rút ra bài học. Ông cũng không thể làm gì để “thổi hồn” vào đội quân bạc nhược, ngoài những tuyên bố xáo rỗng.
Đội tuyển Ý thua bởi… chẳng có gì để thắng được cả. Không có giọt nước mắt nào rơi cho Ý sau thất bại. Thầy trò HLV Spalletti không xứng đáng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dung-khoc-cho-nguoi-y-185240630140757557.htm