Đôi khi vì những kỳ vọng, mong muốn của phụ huynh đã tạo cho con em mình nhiều áp lực. Áp lực trên vai đã vô tình che mất những hình dáng riêng, tính cách riêng cũng như sự phát triển vốn có của người trẻ.
Người trẻ bị áp lực học hành. Ảnh minh họa: Internet
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhiều phụ huynh vui mừng khi con em mình đạt điểm cao đúng như mong muốn. Song cũng có không ít phụ huynh khoác trên mình “chiếc áo buồn chán” khi điểm con mình không được như kỳ vọng. Trường hợp chị D. là một điển hình. Khi biết tổng điểm thi của con mình đạt hơn 24 điểm, gia đình chị D. cảm thấy thất vọng. Cũng bởi chị có nguyện vọng cho con theo học tại một trường đại học y ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng với số điểm này thì không khả quan. Sẽ không có gì đáng nói nếu như gia đình chị D. thay đổi, điều chỉnh cho con học ở một trường đại học khác. Đằng này mọi suy nghĩ tiêu cực của gia đình lại dồn về phía con chị, không chỉ chê trách mà thậm chí gia đình còn không muốn cho con đi ra ngoài giao tiếp vì cho rằng việc thi điểm thấp là xấu hổ. Ở một khía cạnh nào đó có thể thông cảm cho gia đình chị D. bởi suy cho cùng cha mẹ nào cũng hy vọng con mình đạt được những thứ tốt nhất. Nhưng suy nghĩ cực đoan và hành động của gia đình D. lại mang đến những áp lực và để lại tâm lý nặng nề, tự ti cho hành trình phía trước của con chị mà khó có thể xóa nhòa.
Có một thực trạng đang tồn tại hiện nay là sự so kè giữa các phụ huynh về thành tích học tập của con em mình. Sự hơn thua này vô tình tạo ra một cuộc chạy đua về điểm số giữa các phụ huynh mà người chịu áp lực không ai khác chính là những đứa trẻ. Bởi khi có sự so sánh, phụ huynh sẽ buộc con mình chạy theo và quay cuồng với điểm số, trong khi năng lực của mỗi người là khác nhau.
Các bậc phụ huynh thường đặt rất nhiều kỳ vọng vào con cái của mình. Nhưng đôi khi kỳ vọng áp lực quá lớn sẽ khiến các bạn trẻ phải đối mặt với rất nhiều khủng hoảng, nhiều mâu thuẫn. Điều này mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích, đơn cử là câu chuyện của chị A. Dưới áp lực của chị A., 2 người con chị đã phải lựa chọn ngành học theo ý của chị, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học cả hai không đi làm đúng với chuyên ngành được đào tạo mà rẽ sang một hướng đi khác. Hai bạn trẻ này giải thích rằng 4 năm đại học là học theo sự mong muốn của mẹ, giờ đã hoàn thành, đến lúc các bạn phải thực hiện ước mơ và đam mê của bản thân. Như vậy có phải chính áp lực của chị A. đã gây ra lãng phí thời gian, tiền của cho con mình trong 4 năm?
Học tập là quan trọng nhưng đừng khiến nó trở thành gánh nặng cho con em mình. Hãy luôn bên cạnh, quan tâm và tạo động lực để con có thể học tập và rèn luyện tốt. Vì khi sống dưới quá nhiều áp lực, nhiều người trẻ sẽ dần quên mất bản thân mình, quên mất giá trị của chính mình, cuốn vào một vòng xoáy lúc nào cũng áp lực bởi những gì mà người khác áp đặt, đánh giá về mình. Và một khi người trẻ đã không vượt qua được giới hạn của áp lực, thì nhiều hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra như: căng thẳng, trầm cảm, thậm chí là chọn “giải pháp” dại dột. Cho nên, các bậc phụ huynh cần dành thời gian tâm sự, chia sẻ, lắng nghe và ủng hộ lựa chọn của con em mình nếu nó hợp lý. Vì con đường đi đến cánh cửa thành công hiện nay có rất nhiều lối, chỉ cần xác định lối đi nào phù hợp với bản thân và cố gắng hết mình là được.
GIA NGUYỄN