Đối mặt với những thách thức do Trung Quốc và Nga đặt ra – hai nước đang tìm cách thay đổi trật tự hiện có và thách thức lợi ích của phương Tây, G7 đã áp dụng một chiến lược mới: trở thành một “NATO kinh tế” gắn an ninh kinh tế với an ninh quân sự, dùng “đòn độc” hạn chế thương mại và đầu tư với các quốc gia không phải là đồng minh.
Dùng ‘đòn độc’ và tấn công Nga bằng cuộc chiến thương mại, một NATO kinh tế đang hình thành? (Nguồn: brookings.edu) |
G7, một nhóm không chính thức gồm 7 quốc gia phương Tây giàu có, đang đấu tranh để duy trì sự liên quan và ảnh hưởng của họ trong trật tự thế giới đang thay đổi.
Chiến lược này phản ánh nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của họ đối với thế giới và đối đầu với cả Trung Quốc, Nga bằng cách huy động các đồng minh ở châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, chiến lược này bị giới chuyên gia đánh giá là thiếu sót và đầy rủi ro, vì nó bỏ qua thực tế của một thế giới đa cực và lợi ích của hợp tác thường lớn hơn nhiều so với đối đầu.
Bước ngoặt đối với G7
G7 khởi đầu là một diễn đàn điều phối kinh tế vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi thế giới phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng như khủng hoảng dầu mỏ và sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods.
Sang thập kỷ 80, G7 đã mở rộng chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh, chẳng hạn như khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân và nhân quyền.
Năm 1998, Nga gia nhập nhóm, biến nhóm này thành G8, nhưng tư cách thành viên của Moscow đã bị đình chỉ vào năm 2014 sau khi sáp nhập Bán đảo Crimea.
Cuộc khủng hoảng Ukraine là một bước ngoặt đối với G7 vì nó phơi bày những hạn chế của nhóm G20 bao trùm hơn, bao gồm cả các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. G20 được thành lập vào năm 2008 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng đã thất bại trong việc đưa ra một phản ứng thống nhất đối với xung đột Nga-Ukraine, vì một số quốc gia thành viên chọn con đường trung lập không tham gia con đường đối lập với Nga hoặc ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại nước này từ Mỹ và phương Tây.
Do đó, Mỹ và các đồng minh đã quyết định hồi sinh G7 như một nền tảng để gắn kết các lợi ích và giá trị của phương Tây chống lại các đối thủ của họ. Kể từ đó, G7 đã và đang dần trở thành một NATO kinh tế tìm cách bảo vệ lợi ích của phương Tây bằng cách liên kết an ninh kinh tế với an ninh quân sự.
Ý tưởng này lần đầu tiên được đề xuất bởi cựu Ngoại trưởng Anh Liz Truss như một chiến lược kinh tế của phương Tây để chống lại thế lực kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc. Theo ý tưởng này, nếu một quốc gia đối thủ tấn công nền kinh tế của một trong các đối tác, NATO và G7 sẽ cùng hỗ trợ đồng minh bị ảnh hưởng dựa trên Điều 5 của NATO về quân sự và kinh tế. Những người ủng hộ ý tưởng này lập luận rằng, nó sẽ ngăn chặn những ai có ý đồ vi phạm, bằng cách làm cho họ nhận thức được cái giá phải trả nếu vi phạm và bằng cách đẩy nhanh thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt và cấm vận kinh tế.
Giới quan sát bình luận rằng, sự chuyển đổi của G7 thành một NATO kinh tế đã được thể hiện rõ tại Hội nghị mới đây ở Hiroshima (Nhật Bản) – nơi Nhóm đã không chỉ đưa ra những quyết định chiến lược về kinh tế mà còn đưa ra tuyên bố đầy thách thức về mặt quân sự, an ninh; đề cập các vấn đề vũ khí hạt nhân, Hiệp ước START mới, thỏa thuận AUKUS…
Chẳng hạn, G7 đã bày tỏ sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine và sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow. Nhóm này cũng cam kết phối hợp các nỗ lực để ngăn chặn các nước thứ ba có quan hệ với Nga, tung gói trừng phạt thứ 11 – thực hiện các biện pháp chống lại những quốc gia có quan hệ kinh tế với Moscow trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Cơ hội mới của một thế giới đa cực
Giới phân tích đánh giá, Tuyên bố của G7 phản ánh tâm lý Chiến tranh Lạnh và mục tiêu của họ là kiềm chế các quốc gia đang trỗi dậy như Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, chiến lược này là thiếu sót và rủi ro vì nó bỏ qua thực tế của một thế giới đa cực và lợi ích to lớn của hợp tác so với đối đầu.
Trước tiên, chiến lược của G7 dựa trên giả định rằng, họ có thể duy trì sự thống trị về kinh tế và quân sự đối với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, giả định này bị nghi ngờ vì tỷ trọng của G7 trong GDP toàn cầu đã giảm từ 65% năm 1980 xuống còn 40% vào năm 2020.
Ngoài ra, G7 còn phải đối mặt với những thách thức nội bộ như Brexit, chủ nghĩa dân túy, bất bình đẳng và nợ.
G7 cũng phụ thuộc vào thương mại và đầu tư với Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác để tăng trưởng kinh tế. Do đó, G7 không thể tự cô lập mình khỏi phần còn lại của thế giới hoặc chống lại các đối tác thương mại lớn của họ.
Thứ hai, chiến lược của G7 dựa trên giả định rằng, họ có thể tập hợp các đồng minh ở châu Âu và châu Á để đối đầu với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, tiền đề này là đáng nghi ngờ vì trong chính một số đồng minh của họ cũng có những lợi ích và lập trường khác nhau về Trung Quốc và Nga.
Ví dụ, Đức và Pháp đã phản đối cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc và đã tìm cách theo đuổi đối thoại và hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề như biến đổi khí hậu, thương mại và đầu tư. Tương tự, một số nước châu Á như Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan vẫn duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc nhưng vẫn tham gia các sáng kiến an ninh do Mỹ dẫn đầu trong khu vực.
Do đó, G7 không thể cho rằng họ có thể lên tiếng hoặc lãnh đạo các đồng minh của họ trong một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc và Nga.
Thứ ba, chiến lược của G7 dựa trên ý tưởng rằng, họ có thể đạt được mục tiêu bằng cách sử dụng các biện pháp trừng phạt và cấm vận kinh tế đối với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, quan điểm này là đáng ngờ vì các biện pháp trừng phạt và bao vây kinh tế đã được chứng minh trên thực tế là không hiệu quả hoặc phản tác dụng trong việc thay đổi hành vi của Trung Quốc và Nga.
Chẳng hạn, các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu áp đặt lên Nga đã đẩy Moscow xích lại gần hơn với Trung Quốc và tăng cường khả năng phục hồi và tự chủ của nước này.
Tương tự, cuộc chiến thương mại do Mỹ dẫn đầu chống lại Trung Quốc đã không thể buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ về các hoạt động thương mại. Thay vào đó, cuộc chiến thương mại đã gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế và làm gia tăng sự cạnh tranh chiến lược của họ.
Giới phân tích kết luận rằng, chiến lược của G7 trở thành một NATO kinh tế là một chiến lược sai lầm và nguy hiểm, sẽ chỉ làm trầm trọng hơn tình hình thế giới và làm suy yếu lợi ích của chính họ.
Thay vì theo đuổi đối đầu và chèn ép, G7 nên tìm kiếm sự hợp tác và thỏa hiệp với Trung Quốc và Nga về những thách thức chung như biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch, không phổ biến vũ khí hạt nhân và ổn định khu vực.
G7 cũng nên tôn trọng sự đa dạng và phong phú của thế giới và tham gia với các chủ thể khác như G20, BRICS và các tổ chức khu vực. G7 nên nhận ra rằng họ không còn là lực lượng thống trị hay duy nhất trong các vấn đề toàn cầu và họ cần phải thích nghi với thực tế mới và những cơ hội mới của một thế giới đa cực.