Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, theo thông tin từ một số cơ quan truyền thông, trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, ông bình luận gì về giệc này?
Tôi hơi ngạc nhiên bởi trong số doanh nghiệp trúng thầu này có mặt của một Tập đoàn lớn, làm ăn cũng khá căn cơ. Tuy nhiên, họ lại bỏ thầu giá gạo thấp – đó là một sự việc “lạ” và hiếm có khi giao thương. Vậy! cần phải xem xét đấy là loại gạo gì? Nếu là loại gạo dẻo, gạo thơm (gạo cao cấp) thì việc này là bất ngờ và làm cho người nông dân cực kỳ lo lắng. Bởi việc xuất khẩu gạo phẩm cấp cao chắc chắn sẽ tăng lên cả về lượng và giá. Vì thông tin từ Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Còn nếu là gạo thường, gạo phẩm cấp thấp thì điều đó có lo ngại, nhưng cũng dễ vượt qua.
Doanh nghiệp bỏ thầu gạo giá thấp: Đừng để việc nhỏ trong giao thương, thành “vấn đề” đáng lo nghĩ |
Mặt khác, cũng cần xem thêm, đây có phải là chiến lược kinh doanh của Tập đoàn này không? Cũng có thể do những tính toán hay dự báo tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp dẫn đến 2 tình huống: nếu nhu cầu mua gạo trên thế giới tăng cao, doanh nghiệp bỏ giá thấp sẽ thua lỗ do giá lúa trong nước tăng cao. Ngược lại, nhu cầu mua thấp hoặc nguồn cung tăng nếu Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, doanh nghiệp vẫn có đơn hàng để giao.
Việc bỏ thầu giá thấp hay cao là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá thấp cũng sẽ tác động đến công việc quản trị của cơ quan quản lý, nhà xuất khẩu và người nông dân. Bởi rất có thể nhiều nhà mua, lấy đây làm căn cứ để hạ giá gạo của Việt Nam xuống thấp hơn, gây bất lợi cho người trồng lúa. Và rất có thể gây ra những tổn thương đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Việc bỏ thầu giá thấp được đánh giá mang lại những tác động không tốt đến toàn ngành lúa gạo, giải pháp được đề xuất là áp lại giá sàn, ông bình luận gì về việc này?
Giải pháp giá sàn giúp xử lý linh hoạt vấn đề khi thị trường rất nóng và biên độ chênh lệch giá mua và bán quá lớn, nhiều đơn vị cùng cạnh tranh nhau, gây ảnh hưởng đến hình ảnh hạt gạo hoặc chiến lược phát triển hạt gạo Việt Nam, khi đó, chúng ta sử dụng giá sàn như là công cụ có tính chất điều tiết.
Tuy nhiên, nếu chúng ta lập ra giá sàn trong bối cảnh thị trường không cần thiết đến mức như vậy thì tôi cho rằng không cần thiết.
Một số ý kiến cho rằng hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh, ông bình luận gì về việc này?
Chúng ta cần phải lấy các quy định của pháp luật để xem doanh nghiệp có vi phạm về trợ cấp, trợ giá hay không? Nếu doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin và kinh doanh có lãi thì liệu có thể là làm rối thêm câu chuyện trong nội bộ ngành.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy |
Nên vậy, vẫn phải xem xét cụ thể gạo đang bỏ thầu thấp là gạo gì, gạo cấp thấp hay gạo cấp cao? Nếu là gạo cấp cao, thì sự cần thiết phải rà soát cho kỹ về động cơ?
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt khoảng gần 4 triệu tấn, thu về 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%). Ước tính cả năm, xuất khẩu gạo sẽ đạt được khoảng 8 triệu tấn. Tuy nhiên, bà con trồng lúa thấy bỏ thầu giá thấp là không an tâm, các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc làm đó không vì lợi ích chung, dẫn đến sự đoàn kết, chung lưng đấu cật của doanh nghiệp trong xuất khẩu gạo bị lung lay.
Rõ ràng, dù muốn đi xa nhưng doanh nghiệp lại không đi cùng nhau, việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành lúa gạo Việt Nam, thưa ông?
Thông thường tại Việt Nam, các doanh nghiệp ký hợp đồng rồi mới thu mua lúa của nông dân. Thị trường lúa gạo của Việt Nam vẫn có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán, hay tình trạng thương lái ép giá nông dân khi giá xuống thấp hay khi giá lên thì sẽ ép giá nhà xuất khẩu khi họ không có vùng nguyên liệu.
Việt Nam đang đẩy mạnh trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính, nhằm tăng thêm giá trị sinh lời của hạt gạo xuất khẩu. Đồng thời, biểu lộ sự cam kết hạt gạo Việt Nam có trách nhiệm với người tiêu dùng và môi trường, nhưng các doanh nghiệp lại lục đục ngay trong nội bộ thì liệu chăng hạt gạo Việt có đảm bảo sự tín nhiệm với khách hàng hay không?
Rõ ràng, việc bỏ giá thầu thấp tưởng như là việc nhỏ trong giao thương, là quyền tự do của doanh nghiệp, nhưng trái lại, nó là đã thành một “vấn đề” đáng lo nghĩ… của nhà quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu gạo và người nông dân. Thậm chí một số thị trường truyền thống nhập khẩu gạo Việt Nam sẽ nghi ngờ, soi xét nhiều hơn. Và rất có thể, họ căn cứ vào giá bỏ thầu thấp để đưa ra giá, gạo Việt sẽ không thể tăng cao hơn được.
Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo ‘bỏ thầu giá thấp’, ý kiến của ông về việc này?
Tôi ủng hộ Bộ Công Thương về chủ trương này. Bởi khi có hiện tượng ‘lạ’ trong giao thương và ảnh hưởng đến người nông dân trên diện rộng, ảnh hưởng đến hình ảnh hạt gạo mà chúng ta đã gây dựng được trên thị trường quốc tế thì việc tìm hiểu nguyên nhân, trên cơ sở đó để xử lý nhanh, chính xác, từ đó chúng ta có được bài học quý trong công tác quản trị và xuất khẩu gạo.
Xin cám ơn ông!
Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-bo-thau-gao-gia-thap-dung-de-viec-nho-trong-giao-thuong-thanh-van-de-dang-lo-nghi-323439.html