Học sinh hồi hộp chờ điểm số
Bọn trẻ lớp con tôi háo hức chờ đợi giây phút trả bài kiểm tra nhưng cũng hồi hộp lo sợ nét bút đỏ chót ghi từng con điểm. Làm quen với việc học ở lớp đầu cấp THCS thật không dễ dàng gì, nhất là khi việc học cùng những “hạt gạo trên sàn” trong ngôi trường thi tuyển đầu vào gắt gao ở TP.Huế (Thừa Thiên-Huế). Bọn trẻ đã nỗ lực làm quen môi trường học tập mới, thích nghi với phương pháp học tập mới.
Dẫu vậy, trong những câu chuyện về trường lớp qua lời kể của con gái, tôi nhận ra khá nhiều bạn nhỏ đang gồng gánh áp lực học hành, áp lực điểm số, áp lực thành tích nhiều đến vô kể. Một số bạn học bị “sốc” khi nhận điểm 5 cho bài kiểm tra 15 phút môn toán đầu tiên, con gục mặt xuống bàn khóc rưng rức và buồn suốt cả tuần vì năng lực có hạn của bản thân.
Có cô bạn ghi chép bài vở môn sinh học thiếu liên tiếp mấy trang, đến lúc giáo viên kiểm tra mới phát hiện bạn chạy theo lịch học thêm suốt cả buổi đến tối muộn về nhà không kịp hoàn thành bài vở, đành len lén lấy ra làm bài tập môn này trong giờ học môn khác.
Bạn tổ trưởng kề bên con học môn toán giỏi xuất sắc và hiếm khi đầu hàng trước bài toán khó nào ở lớp. Nhưng đến lúc phát bài kiểm tra môn lịch sử, địa lý cũng nơm nớp lo, hai tay nắm chặt, mắt nhắm nghiền he hé xem điểm số rồi thảng thốt nhìn điểm 8. Cậu bạn quay sang nói: “tối nay nhà tao có chiến tranh”…
Phụ huynh đối diện với điểm số của con bằng ánh nhìn khe khắt
Phải chăng chúng ta đang khoác chiếc áo quá rộng cho con khi kỳ vọng con phải đạt điểm tuyệt đối, phải giỏi đều các môn, phải toàn diện các mặt? Dẫu biết rằng mỗi đứa trẻ đều sở hữu năng lực khác nhau, sở trường và sở đoản khác biệt nhưng phụ huynh thường nhìn một cái khuôn đúc y chang nhau và cứ ấn định để gò ép trẻ vào việc học, kiểm tra và thi cử.
Để rồi sau ngày dài học hành với khối lượng bài vở căng thẳng, mải mướt ôn luyện và đánh vật với hơn chục bài kiểm tra dồn dập cuối kỳ, giờ là lúc trẻ hồi hộp lẫn thon thót tim đợi điểm số.
Bao phụ huynh bình thản đón nhận kết quả thi cử của con, dẫu chỉ là những bài kiểm tra cuối kỳ nhằm khảo sát năng lực tiếp thu bài học của trò, làm căn cứ điều chỉnh phương pháp dạy học của thầy? Chúng ta vẫn đối diện với điểm số của con bằng ánh nhìn khe khắt, bằng kỳ vọng lớn lao, bằng sự so bì với năng lực của bạn bè đồng trang lứa.
Chúng ta quên mất rằng mình từng ao ước con sinh ra là một đứa trẻ bình thường, từng mong mỏi con tìm thấy niềm vui trong mỗi ngày đến trường, từng kỳ vọng con sẽ gặt hái được quả ngọt của sự học bằng nỗ lực tự thân và ý chí vượt khó. Thế rồi ta tất tả buộc con rượt đuổi trong cuộc đua điểm số?
Chúng ta quên mất rằng từng giật nảy mình khi bắt gặp số liệu thống kê về tỷ lệ trẻ rối loạn lo âu do áp lực học hành, từng nhắn nhủ nhau lơi lỏng bớt kỳ vọng trên vai trẻ khi nơi này nơi kia xôn xao những đứa trẻ dại khờ chọn con đường tiêu cực giải thoát khỏi sự ngột ngạt, bức bí của lịch học dày đặc. Thế mà ta vẫn chăm chăm so kè từng con điểm, chất vấn và đe nẹt khi kết quả kiểm tra không như ý?
Nỗi lo lắng đang cuộn trào trong lòng trẻ ở chính giây phút ngóng trông từng con điểm. Và đợt họp cha mẹ học sinh giữa năm học đang rục rịch vào mùa, mong lắm thay không có giọt nước mắt nào rơi giữa những lời chì chiết, câu phủ nhận của người lớn.