Bấn loạn vì những bữa ăn thiếu dinh dưỡng
Mới đây, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) diễn ra sự việc lùm xùm, gây nhiều tranh cãi về bữa ăn bán trú của học sinh. Cụ thể, theo khẩu phần ghi trên bảng, mỗi em được ăn một gói mì tôm, một quả trứng nhưng thực tế nhà trường chỉ cho 11 em ăn chung 2 gói mì. Trường có tổng số 174 học sinh bán trú hưởng chế độ ăn sáng này. Ngoài ra, thực phẩm dùng để chế biến cho các em học sinh cũng kém chất lượng. Vụ việc trên khi báo chí phản ánh gây nên bức xúc lớn trong dư luận.
Thực tế, câu chuyện chất lượng bữa ăn học đường không hề mới, ngay ở giữa Thủ đô, vấn đề đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú cũng là vấn đề rất nóng. Như tại một Trường THCS trên địa bàn quận Hà Đông, nhiều phụ huynh đã bày tỏ bức xúc với suất ăn giá 32.000 đồng nhưng thức ăn ít ỏi và thiếu dinh dưỡng. Đến khi báo chí vào cuộc, phản ánh thì nhà trường mới chịu thay đổi. Chưa tính, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể diễn ra khi học sinh ăn bữa ăn phụ, đi trải nghiệm thường xảy ra.
Anh Nguyễn Minh Đức, Hà Đông, Hà Nội cho rằng, việc buông lỏng trong kiểm tra giám sát chất lượng bữa ăn học đường hiện nay là nguyên nhân cho việc chất lượng bữa ăn kém, ngộ độc thực phẩm xảy ra. Các doanh nghiệp dễ dàng móc nối với lãnh đạo nhà trường để bớt xén khẩu phần ăn, tuồn thức ăn bẩn vào nhà trường. Vì vậy, nếu quản lý bữa ăn học đường chỉ dựa vào niềm tin đối với lãnh đạo nhà trường là rất rủi ro.
“Không nên để mất bò mới lo làm chuồng, có hậu quả xảy ra rồi mới quy trách nhiệm. Nếu như vậy thì cái giá phải trả nhiều khi là rất lớn. Đã từng có học sinh ngộ độc thực phẩm dẫn tới tử vong nên không thể chủ quan, phó thác hoàn toàn cho nhà trường mà cần cơ chế để giám sát” – anh Nguyễn Minh Đức nêu.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng cần có cơ chế giám sát kỹ lưỡng từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh. Nhiều vụ việc cắt xén suất ăn của học sinh đến khi phụ huynh vào cuộc tố cáo, báo chí phản ánh thì cơ quan quản lý mới chỉ đạo xử lý. Điều này cho thấy, vai trò của phụ huynh là rất lớn trong việc giám sát bữa ăn học đường đạt chuẩn.
Chị Nguyễn Quỳnh Nga ở Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, việc liên minh, ăn chia lợi nhuận từ suất ăn của học sinh là điều có thể xảy ra. Bản thân doanh nghiệp, khi làm việc cung cấp bữa ăn cho học sinh, nếu không bị cắt xén phần trăm quá cao, không phải chia sẻ lợi nhuận với nhiều đối tượng khác nhau thì họ cũng không cắt xén phần ăn của các cháu.
“Việc hạch sách doanh nghiệp, bắt doanh nghiệp cắt xén phần trăm từ bữa ăn học đường là nguyên nhân dẫn đến chất lượng bữa ăn kém. Do đó, ngoài giám sát doanh nghiệp thì cần thiết quy trách nhiệm cho lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo địa phương phụ trách về giáo dục trên địa bàn” – chị Nguyễn Quỳnh Nga nêu ý kiến.
Cần siết chặt quản lý
Đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh là điều không thể chủ quan. Tháng 10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Thị Thi (SN 1984, trú bản Áng Ưng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, nhân viên hợp đồng của Trường THPT Chu Văn Thịnh) về tội “Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
Theo đó, Thi là nhân viên được giao nhiệm vụ nấu ăn cho học sinh bán trú trong trường. Do bất mãn về việc nhà trường lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm không đảm bảo chất lượng và nghi ngờ có việc câu kết ăn bớt khẩu phần ăn của học sinh nên Thi nảy sinh ý định bỏ thuốc trừ sâu, thuốc diệt gián vào thức ăn của học sinh để các em ngộ độc, từ đó nhà trường phải thay đổi nhà cung cấp thực phẩm. May mắn vụ việc được phát hiện kịp thời, nếu không hậu quả xảy ra không thể lường trước.
Theo ghi nhận của phóng viên, bên cạnh những câu chuyện đau lòng về bữa ăn học đường thì còn đó nhiều mô hình hay cần được tuyên dương. Tại một trường tư thục ở Hà Đông, nhà trường đã thực hiện mô hình giáo viên và học sinh ăn chung. Từ khâu mua thực phẩm đến khâu chế biến được giám sát chặt chẽ. Giáo viên ăn chung để nắm bắt được chất lượng bữa ăn. Nhà trường cũng khuyến khích đầu bếp có con đang ở độ tuổi đi học chuyển đến trường học. Với quan điểm nấu ăn cho học sinh như nấu cơm cho con mình. Chính vì những cách làm như vậy nên từ khi thành lập trường đến nay nhà trường không để xảy ra ngộ độc thức ăn.
Vị hiệu trưởng nhà trường này tâm sự, giám sát bữa ăn học đường cần quy trình chặt chẽ. Những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể có thể xuất phát từ lòng tham. Hiện nay, thực phẩm, bánh kẹo, sữa cận date trong siêu thị, thực phẩm hết date được mời chào để bán vào trường học. Do đó, nếu lãnh đạo nhà trường mà tham lam, vì lợi nhuận là họ sẽ mua. Bởi giá thành của những sản phẩm như vậy chỉ còn 30% so với giá gốc. Nếu trót lọt một phi vụ cho 1.000 học sinh thì khoản lợi mang lại cho lãnh đạo nhà trường là rất lớn.
Phát hiện giòi trong thức ăn học sinh Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực Nghiệm Khoa học giáo dục (quận Ba Đình, Hà Nội) từng phản ánh trong suất ăn trưa của học sinh khối lớp 9 trường này đã xuất hiện giòi sống. Sau khi bị phụ huynh tố giác, trường này đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn với học sinh. |
Tại một trường học tư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, nhà trường luôn mở cổng để phụ huynh vào bếp ăn tập thể kiểm tra đồ ăn bất cứ lúc nào. Nhà trường sẽ không ngăn cấm, phụ huynh đến đột xuất bất cứ lúc nào cũng được tạo điều kiện để giám sát. Chính vì vậy, mấy chục năm qua tại trường này chưa từng có một vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Theo chị Nguyễn Thanh Mai ở Nam Từ Liêm, những mô hình như vậy cần được áp dụng rộng rãi. Phụ huynh cần được tiếp cận bữa ăn học đường của học sinh một cách dễ dàng để kiểm tra bất cứ lúc nào. Chỉ như vậy, nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm mới được đảm bảo. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, cần thiết phải quy trách nhiệm cho hiệu trưởng nếu xảy ra ngộ độc hay chất lượng bữa ăn học đường bị phát hiện kém.
“Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Nếu xảy ra ngộ độc hay phát hiện bữa ăn kém chất lượng thì cần phải kỷ luật hiệu trưởng. Hiệu trưởng có thể phân công cho phó hiệu trưởng phụ trách và các giáo viên tham gia giám sát. Nhưng trách nhiệm cuối cùng người phải gánh vác chính là hiệu trưởng” – bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Trên thực tế, chất lượng bữa ăn học đường hiện nay có nhiều cơ quan giám sát. Tuy nhiên, vẫn hay xảy ra tình trạng bữa ăn kém chất lượng, ngộ độc thực phẩm. Chính vì vậy, theo nhiều người, ngoài trách nhiệm của hiệu trưởng thì lãnh đạo địa phương phụ trách giáo dục cũng phải chịu liên đới. Chỉ khi nào, các cấp, các cơ quan liên quan nhận thức đúng việc giám sát đảm bảo chất lượng bữa ăn học đường thì may mắn mới không để xảy ra tình trạng ngộ độc, bữa ăn suy dinh dưỡng.
Trinh Phúc