Điều tưởng như vô lý khi ông Tô Chính Nghĩa, nguyên là giám đốc điều hành Samsung Vina Electronics miền Bắc và miền Trung, một người làm sản xuất kinh doanh, lại khuyên mọi người không theo đuổi mục tiêu giàu có về tiền bạc.
Càng có vẻ khó hiểu hơn khi ông chia sẻ điều này trong buổi ra mắt cuốn sách Gia tộc thịnh vượng của James E. Hughes, JR., Susan E. Massenzio, Keith Whitaker do Nhà xuất bản Dân trí và Times Biz, BeaconMedia vừa ấn hành.
Buổi trò chuyện ra mắt cuốn sách là một trong nhiều tọa đàm diễn ra trong cả ngày 29-6, trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa gia đình do Công ty CP xuất bản khoa học và thời đại (Times) tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Sự thịnh vượng không có nghĩa là tiền bạc
Theo lý giải của ông Nghĩa thì lời khuyên của ông không có gì mâu thuẫn với mục tiêu chung của nhiều người, ấy là đạt được sự thịnh vượng, giàu có cho gia đình của mình.
Tuy nhiên, cần phải hiểu từ thịnh vượng, giàu có thế nào cho đúng.
Ông Nghĩa cho rằng khi đã được tự do về tài chính thì chúng ta nên nhìn nhận các giá trị trong gia đình dài hơi hơn, có giá trị hơn chỉ là tiền bạc.
Khi ấy vốn tài chính chỉ nên là phương tiện để chúng ta theo đuổi những mục tiêu chất lượng cuối cùng, đó là sự hiểu biết và thực hành một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Là người viết lời giới thiệu cho cuốn Thịnh vượng gia tộc bản tiếng Việt, ông Nghĩa rất tâm đắc với khái niệm về sự thịnh vượng mà ba tác giả đưa ra trong cuốn sách. Sự thịnh vượng ở đây không có nghĩa là tiền bạc.
Tiền chỉ là phần thứ năm ít quan trọng nhất để có được hạnh phúc
Thịnh vượng là khái niệm bao gồm các nguồn vốn khác nhau của gia đình: vốn con người, vốn di sản, vốn quan hệ, vốn cấu trúc và vốn xã hội, kết hợp với giá trị định lượng: vốn tài chính.
Theo đó, sự thịnh vượng đích thực và trọn vẹn chính là hạnh phúc. Thịnh vượng trọn vẹn vượt lên trên tiền bạc đơn thuần.
Để giữ sự thịnh vượng dài lâu cho gia tộc thì điều cần làm là phải khiến các thành viên gia đình trở thành những nhà quản lý tài chính giỏi hơn.
Nhưng nó không phải vấn đề chính yếu. Nó mới là 1/5 nhiệm vụ phải làm, và là phần thứ năm ít quan trọng nhất để có được hạnh phúc.
Cho nên, ông Nghĩa đưa lời khuyên: hãy dạy con cái bạn về mục tiêu hạnh phúc – sự thịnh vượng trọn vẹn, đừng chỉ dạy con về mục tiêu kiếm tiền, làm giàu đơn thuần.
Vốn tài chính chỉ là phương tiện để mưu cầu những mục đích khác, chẳng hạn như sự an toàn, sự thoải mái, sức khỏe, những trải nghiệm ý nghĩa…
Những nguồn vốn định tính như vốn con người, vốn di sản, vốn quan hệ, vốn cấu trúc và vốn xã hội vừa là phương tiện vừa là mục đích. Chúng mới là thứ thúc đẩy cho sự thịnh vượng trọn vẹn đích thực cho gia đình của bạn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dung-day-con-muc-tieu-kiem-tien-hay-day-con-deo-duoi-hanh-phuc-20240629204154553.htm