Thiếu đủ thứ…
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của công ty tham gia gói thầu (xin giấu tên) cho biết: Tại dự án này, có 3 nhà thầu chính là Công ty TNHH Xây dựng Đức Nhanh, Công ty CP Đầu tư Xây dựng thương mại Hoàng Sơn và Công ty CP Xây lắp và Tư vấn Xây dựng Hòa Bình. Còn Công ty CP Tư vấn Xây dựng Giao thông 2 thiết kế, tư vấn xây dựng cho tuyến đường này.
Trong khi đó, chia sẻ về khó khăn của Dự án, anh V.S, lãnh đạo của một nhà thầu thi công, cho biết: Chúng tôi thi công mới được có một phần của dự án. Chủ yếu là đoạn từ đầu Thị trấn Đà Bắc chạy xuống xã Tu Lý. Còn từ ngầm tràn, bắc qua sông rồi qua 1 cánh đồng thì lại thuộc nhà thầu Công ty CP Đầu tư Xây dựng thương mại Hoàng Sơn và tiếp nữa nhưng giờ vướng nên chưa làm được.
Anh V.S cho biết thêm: Đoạn thi công do Công ty TNHH Xây dựng Đức Nhanh làm, đến nay doanh nghiệp vừa phải phối hợp cùng Ban Quản lý dự án, vừa cùng UBND xã Tu Lý làm công tác tư tưởng, giải phóng mặt bằng, nhiều gia đình hiểu ra thì chuyển tạm, hoặc bàn giao 1 phần đất cho nhà thầu thi công. Còn không lại chờ phương án giải phóng, đơn giá mới làm nên nhà thầu không biết kêu ai.
Đi dọc tuyến đường đang thi công, phóng viên nhận thấy đoạn đường chạy từ đầu thị trấn Đà Bắc xuống xóm Tình, xã Tu Lý nhiều đoạn đường được đắp, có đoạn chưa xong rất ngổn ngang. Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên được biết: Hiện toàn tuyến đường còn thiếu đất đắp cốt nền. Theo một nhà thầu ước tính: Phải cần đến khoảng mấy chục vạn m3 đất để đắp đoạn qua cánh đồng và 2 đầu cầu. Nhưng nhà thầu “loay hoay” không biết lấy đất ở đâu. Vì tìm khắp huyện Đà Bắc mà không có mỏ đất nào là đúng và đủ thủ tục khai thác mỏ. Mặc dù trên địa bàn huyện Đà Bắc rất nhiều đồi đất, nhưng do không có cơ chế khiến nhà thầu gặp khó…
Ông Đinh Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Tu Lý cho biết: Hiện còn khoảng hơn 30 hộ là chưa giải phóng được mặt bằng. Nguyên nhân là do giá đất đền bù đang chờ “cấp trên” phê duyệt. Chính vì chưa có tiền nên bà con chưa chịu chuyển đi. Ở đây không có khu tái định cư, nên bà con chủ yếu phải tự tìm đất mới để dịch chuyển. Còn cột điện, đường dây… là của bên Điện lực Đà Bắc quản lý, cáp quang… của các nhà mạng treo, giờ các ban ngành và chính quyền xã đang vận động di dời. Nhưng thực tế, hiện vẫn còn nhiều, chưa di chuyển được.
Vậy chậm tiến độ do đâu?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND Thị trấn Đà Bắc cho biết: Tuyến đường chạy từ Thị trấn Đà Bắc đi Phú Thọ nếu đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu được lượng lớn phương tiện đi qua trục chính của thị trấn. Về phần GPMB, địa bàn Thị trấn cơ bản đã xong, đoạn còn lại chủ yếu là xã Tu Lý.
Còn ông Đinh Quang Hiếu, Phó Giám đốc BQL DA Đầu tư xây dựng huyện Đà Bắc cho biết: Vướng mắc chủ yếu hiện nay là ở việc định giá đất. Đơn vị đang chờ các cấp duyệt để chi trả cho các hộ dân.
Khi được hỏi về việc tuyến đường còn vướng nhiều cột điện to nhỏ, ông Mai Quốc Mười, Giám đốc Điện lực Đà Bắc cho biết: Khi thi công tuyến đường, có khá nhiều đường điện dân sinh (đường 4,0); đường điện trung thế, trạm biến áp chạy trùng, hoặc va vào tuyến đường mới mở. Giờ muốn chuyển những cột điện như vậy, phải dịch chuyển cả hệ thống dây. Đến nay, còn khá nhiều cột điện vướng với tuyến đường đang thi công.
Ông Mười phân trần: Nếu chuyển cột đi, phải có nơi chôn cột, phải thỏa thuận được với người dân, họ mới cho chôn gần nhà của họ. Chứ đường điện sinh hoạt mà không có chỗ chôn, thì biết kéo đi đâu? "Nếu là cột điện sinh hoạt (đường 04) thì Điện lực Đà Bắc tự quyết được, hỗ trợ cho chủ đầu tư và nhà thầu dịch chuyển cột được, chứ còn những trạm biến áp lớn, những đường dây trung áp lớn, thì phải làm tờ trình, gửi Công ty Điện lực Hòa Bình chấp thuận, mới chuyển được. Vì thế phải theo quy trình mà làm thôi", ông Mười nhấn mạnh.
Đến nay, còn rất nhiều lý do khách quan và chủ quan khiến cho tiến độ của Dự án bị chậm chễ. Nhưng điều quan trọng nhất là sự tập trung vào công việc, việc giải ngân vốn công. Đã đến lúc UBND tỉnh Hòa Bình và các Sở, ngành có liên quan cần tích cực vào cuộc, xem xét và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án. Có như vậy thì Dự án mới mong kịp về đích, mặc dù hiện tại đang rất chậm tiến độ.
Nguồn
Bình luận (0)