Cuộc khảo sát do công ty phần mềm phân tích và AI của Mỹ SAS ủy quyền cho hãng nghiên cứu Coleman Parkes Research thực hiện. Họ thăm dò ý kiến của 1.600 người ra quyết định trong các ngành công nghiệp khác nhau tại 17 quốc gia. Đáng chú ý, 83% số người được hỏi ở Trung Quốc báo cáo sử dụng AI tạo sinh (GenAI).
Con số này cao hơn so với 16 nước còn lại, bao gồm cả Mỹ, nơi 65% số người được hỏi cho biết họ đã áp dụng GenAI. Mức trung bình toàn cầu là 54%. Theo Stephen Saw, CEO Coleman Parkes, tỷ lệ ứng dụng AI tạo sinh của Trung Quốc không nhất thiết tương đương với việc thực hiện hiệu quả hơn. Thực tế, khảo sát cho thấy các tổ chức ở Mỹ dẫn đầu về triển khai đầy đủ công nghệ GenAI với tỷ lệ 24% so với 19% của Trung Quốc và 11% của Vương quốc Anh.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp AI của Trung Quốc đã đạt tiến bộ trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm, ứng dụng công nghiệp và các lĩnh vực khác. Tuần trước, một báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc Liên Hợp Quốc chỉ ra Trung Quốc đứng đầu về số lượng bằng sáng chế GenAI, nộp hơn 38.000 hồ sơ từ năm 2014 đến năm 2023, cao hơn so với 6.276 hồ sơ của Mỹ trong cùng kỳ.
Trung Quốc hiện có hơn 4.500 công ty AI. Ngành công nghiệp AI cốt lõi của nước này đạt quy mô hơn 578 tỷ NDT (khoảng 79,5 tỷ USD) vào năm 2023, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu chính thức. Nước này cũng sẽ xây dựng hơn 50 tiêu chuẩn quốc gia và ngành cho AI vào năm 2026, đồng thời phát triển một hệ thống tiêu chuẩn để hướng dẫn phát triển có chất lượng.
Các ngành được khảo sát bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, y tế, viễn thông, sản xuất, bán lẻ và năng lượng. Trong số các ngành công nghiệp đã sử dụng GenAI hằng ngày ở một mức độ nào đó, các hãng viễn thông đứng đầu với 29%, tiếp theo là bán lẻ (27%) và ngân hàng (23%).
Hệ sinh thái GenAI của Mỹ và Trung Quốc
Để khai thác trọn vẹn lợi ích của AI tạo sinh, công nghệ phải được tích hợp đầy đủ vào các hệ thống và quy trình sản xuất ở cấp độ toàn công ty, theo Udo Sglavo, Phó Chủ tịch nghiên cứu và phát triển Mô hình hóa & AI ứng dụng của SAS.
Ông chỉ ra Mỹ có một số lợi thế trong tích hợp GenAI, bao gồm hệ sinh thái trưởng thành hơn và đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu AI giỏi. Ngoài ra, phải kể đến văn hóa đổi mới sáng tạo, sự dẫn dắt mạnh mẽ từ các công ty tư nhân, môi trường pháp lý minh bạch.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang có các điều kiện thuận lợi để bắt kịp. Chia sẻ với CNBC, các chuyên gia AI cho rằng Bắc Kinh đi đầu trong việc đưa ra các quy định quản lý AI chung, trước cả khi ChatGPT giúp công nghệ này trở nên phổ biến năm 2022. Nhà chức trách cũng nỗ lực để kiểm soát nội dung do GenAI tạo ra đi ngược với các giá trị xã hội và bất hợp pháp.
Dù điều này có thể khiến các hãng công nghệ trong nước thận trọng hơn khi ra mắt dịch vụ tương tự ChatGPT, nó đồng thời thúc đẩy họ tập trung hơn vào doanh nghiệp và thu hẹp các kịch bản sử dụng AI tạo sinh. Trong khi đó, với dân số lớn và nền kinh tế số phát triển nhanh chóng, nhu cầu đối với các công nghệ AI rất lớn, là động lực để các tổ chức nhanh chóng áp dụng, tích hợp giải pháp GenAI để nâng cao hiệu quả và đổi mới.
Nhìn chung, khảo sát nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng AI tạo sinh trên tất cả các khu vực và ngành công nghiệp. Theo đó, các tổ chức đã ứng dụng GenAI ghi nhận cải tiến đáng kể, khoảng 90% cảm thấy hài lòng và 80% đang tiết kiệm được chi phí hoạt động.
(Theo mobileworldlive, cgtn, cnbc)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dung-dau-the-gioi-ve-ung-dung-ai-tao-sinh-trung-quoc-van-kem-my-mot-diem-2300822.html