Việc nhiều cán bộ, công chức chuyên môn ở một số phường, xã thuộc TP Thanh Hóa vừa có thư xin lỗi gửi công dân vì đã không thể trả được hồ sơ đúng hẹn, gây ra hai luồng ý kiến trái chiều.
Ảnh minh họa.
Phần nhiều dư luận ủng hộ, cho rằng việc làm này là cần thiết. Nhưng cũng có một bộ phận người dân cho rằng… chỉ là việc đã rồi! Chậm thì cũng chậm rồi, việc người dân không kịp thời có hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu công việc cá nhân thì cũng đã xảy ra rồi. Một lá thư xin lỗi sao có thể thay cho sự thiệt hại mà công dân phải gánh chịu.
Dư luận có quyền đưa ra ý kiến của mình trước mỗi sự việc, tuy nhiên ý kiến ấy cần phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, dựa vào thực tế.
Sở dĩ nhiều công chức chuyên môn cấp phường ở TP Thanh Hóa chưa thể giải quyết kịp thời hồ sơ cho công dân đúng hẹn có nguyên nhân bắt nguồn từ việc hệ thống phần mềm bị trục trặc. Đây là phần mềm dùng chung chứ không phải của riêng phường, xã nào cả để có thể chủ động khắc phục sớm. Lỗi hệ thống phần mềm là ngoài mong đợi, cũng có thể gọi là bất khả kháng đối với cấp cơ sở. Sẽ có cán bộ, công chức sẵn sàng đỗ lỗi cho phần mềm, thoái thác trách nhiệm của mình. Việc tương tự như thế đã xảy ra ở một số nơi.
Công cuộc chuyển đổi số nhằm xây dựng chính quyền số ở Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu, việc lỗi phần mềm vì thế là chuyện khó tránh khỏi, cần được khắc phục dần dần. Điều cần là mỗi cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ, mỗi người dân phải chia sẻ với khó khăn, vướng mắc đó. Nếu như ai cũng khăng khăng với cái lý của mình, công chức thực thi nhiệm vụ thì lấy sự cố phần mềm ra làm bình phong, còn người dân thì lấy tờ giấy hẹn bị trễ ra để khăng khăng quy kết chính quyền không giữ lời hứa, sẽ càng làm phức tạp vấn đề, khoảng cách giữa người dân và chính quyền trở nên xa cách.
Trong những bức thư gửi cho công dân cơ bản được viết như sau: Sự chậm trễ này gây phiền hà, tốn kém chi phí, công sức đi lại của công dân, nên mong muốn được công dân đóng góp ý kiến để (người viết thư) hoàn thiện hơn chức trách trong công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Ở những bức thư ấy chúng ta đã nhìn thấy thành ý của người viết, cao hơn là sự cầu thị của chính quyền nơi công chức chuyên môn đang làm việc. Chẳng ai muốn chậm trễ để phải viết thư như thế cả, dù rằng việc viết thư là tự nguyện hay được yêu cầu viết đi chăng nữa. Những người nhận được thư tin rằng có bức xúc cũng sẽ thông cảm với những khó khăn mà đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công chức cấp cơ sở đang phải đối mặt hiện nay, để có thêm sự sẻ chia. Những bức thư xin lỗi có lẽ không chỉ dừng lại ở việc xin lỗi một vụ việc cụ thể, mà cao hơn, chính là bày tỏ quan điểm của chính quyền sẵn sàng lắng nghe, vì Nhân dân mà phục vụ. Vậy nên, đừng cho rằng những bức thư ấy là hình thức.
Tuệ Minh