Thời đại ngày nay, gia đình bị đặt trước rất nhiều thách thức. Đó là khoảng cách giữa các thành viên bị kéo rộng ra do sự tác động của công nghệ và Internet.
Khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình bị kéo rộng ra do sự tác động của công nghệ và Internet. (Ảnh minh họa) |
Khi chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga từng nói, mỗi cá nhân có thể bớt thời gian và tâm sức dành cho thế giới ảo để sống thêm với với gia đình thật của mình. Chúng ta đừng chỉ nỗ lực cho con có một cuộc sống vật chất đủ đầy, mà hãy quan tâm hơn đến việc cho con một đời sống tinh thần đẹp đẽ.
Thật vậy, thời đại ngày nay, gia đình bị đặt trước rất nhiều thách thức. Đó là khoảng cách giữa các thành viên bị kéo rộng ra do sự tác động của công nghệ và Internet.
Nhịp sống hiện đại cùng với việc tôn trọng quyền riêng tư giữa các cá nhân trong gia đình, khi mà thời gian dành cho công việc nhiều hơn đồng nghĩa với thời gian dành cho gia đình, người thân ít đi. Điều đó có nghĩa, khoảng cách giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái trở nên “doãng” ra.
Gia đình được xem là nơi đầu tiên và quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách con người. Tuy vậy, không ít gia đình đang đầu tư quá mức về vật chất cho tương lai của con em mình. Có những bậc cha mẹ sẵn sàng đáp ứng đầy đủ mọi nguyện vọng, đòi hỏi vật chất của con cái. Thậm chí, nhiều người quan niệm, cho con học trường tốt, cho con đầy đủ phương tiện học hành, cho con đi du lịch vào mỗi mùa Hè… là cho con cuộc sống tốt nhất, chất lượng nhất.
Có một thực tế mà không phải ai cũng nhận ra, đó là trẻ cần nhiều hơn sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ từ cha mẹ. Trẻ cần quây quần với cha mẹ trong những bữa cơm tối, vào cuối tuần, cần được nghỉ ngơi chứ không phải chỉ chạy theo việc học để đạt thành tích cao, để vào trường chuyên, để đỗ đại học top đầu…
Thời hiện đại, tại sao nhiều đứa trẻ cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình? Tại sao nhiều bạn trẻ trở nên ích kỷ, không gần gũi, quan tâm đến cha mẹ, ông bà? Tại sao nhiều người trẻ trở nên vô cảm, chỉ biết đòi hỏi mà không biết chia sẻ, yêu thương người thân?
Phải chăng, vì các em chỉ được cha mẹ đáp ứng đầy đủ vật chất, đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi mà chưa được giáo dục nhiều về nhân cách, về cách ứng xử với mọi người xung quanh, cách cho đi và nhận lại? Phải chăng người lớn vẫn chưa dành nhiều thời gian để “chăm bón” cho mái ấm của mình? Chúng ta đang “ngốn” quá nhiều thời gian, tâm sức cho thế giới ảo? Ngoài vật chất, chúng ta quên mất tầm quan trọng của việc chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình?
Giáo dục gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu, là nền tảng để mỗi người có thể phát triển, đứng vững trong xã hội. Muốn trẻ trở thành một người có ích, sống có trách nhiệm, biết yêu thương, chúng ta cần dạy trẻ cách ứng xử, thực hành cho các em từ khi còn bé. Các bậc phụ huynh cũng đừng mải miết lao ra xã hội kiếm tiền, chỉ để đáp ứng cuộc sống đầy đủ về vật chất cho con cái.
Có thể nói, gia đình thời nay có đầy đủ hơn về vật chất nhưng lại thiếu thốn những giây phút bên nhau, thiếu sự sẻ chia, đồng cảm hơn. Không khó để nhận ra ở nhiều gia đình, hình ảnh mỗi người sở hữu một chiếc điện thoại thông minh và theo đuổi những suy nghĩ, sở thích khác nhau.
Gia đình hiện nay bé hơn về quy mô, sự giao tiếp cũng ít hơn. Bộn bề với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” cùng với tiện ích công nghệ đang là một trong những nguyên nhân làm tăng khoảng cách giữa các thành viên. Như một ai đó nói, gia đình trở nên kém bền vững hơn vì chịu sự “va đập” của các giá trị vật chất.
Vậy nhiên liệu nào để xây đắp hạnh phúc cho gia đình? Làm sao để rút ngắn khoảng cách giữa các thành viên khi mà kinh tế thị trường và lối sống thực dụng làm nảy sinh nhiều vấn đề trong văn hóa ứng xử gia đình?
Nhiều chuyên gia cho rằng, giáo dục gia đình là giáo dục làm gương. Điều quan trọng làm sao để đứa trẻ được thừa hưởng một môi trường lành mạnh ngay từ bé. Muốn vậy, những thông điệp tốt đẹp phải được lan tỏa từ những nơi, những người gần gũi nhất với các em. Nói cách khác, gia đình chính là trường học đầu tiên, có tác động và định hình lối sống, cách ứng xử cho mỗi cá nhân trong tương lai.
Một yếu tố quan trọng trong văn hóa ứng xử gia đình là sự bình đẳng, tôn trọng, biết lắng nghe giữa các thành viên. Đó không chỉ là thói quen chia sẻ việc nhà, sự kết nối thường xuyên, mà thái độ coi con như một người có trách nhiệm là yếu tố vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cha mẹ cần thống nhất kế hoạch cho con trưởng thành, chuẩn bị và cho con trải nghiệm về cuộc sống thế nào.
Hơn hết, cần phải quan tâm đến vấn đề đạo đức, văn hóa để tổ ấm vững vàng hơn trước sự tác động của kinh tế. Công nghệ hiện đại đang phục vụ đắc lực mọi nhu cầu nhưng cũng khiến con người ngại giao tiếp ngoài đời thực. Chiếc điện thoại thông minh khiến con người bận rộn hơn mỗi ngày. Nhưng đừng vội đổ lỗi cho công nghệ, lỗi nằm ở chính người sử dụng nó đang bị mất tự chủ, bị chi phối bởi công nghệ.
Có thể nói, cái gốc của văn hóa gia đình chẳng phải ở đâu xa mà nằm ở sự yêu thương, tôn trọng và chăm sóc lẫn nhau. Mối quan hệ giữa các thành viên cần được chăm sóc hằng ngày mới bền vững. Đứa trẻ như những cái cây cần phải tưới tắm, chăm bón mới xanh tốt. Muốn đứa trẻ lớn lên thành người có ích, sống tử tế và biết yêu thương thì phải được giáo dục, lắng nghe, phải được thấu hiểu, được tôn trọng chứ không phải chỉ đáp ứng đầy đủ về vật chất.