Cây nêu mang tới sự may mắn, sung túc
Cây nêu đã xuất hiện từ rất lâu trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam mang ý nghĩa bảo vệ con người khỏi sự xâm phạm của quỷ dữ. Theo quan niệm dân gian, cây nêu là một biểu tượng thiêng liêng vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Trong ngày lễ cổ truyền của người Việt, cây nêu mang nhiều ý nghĩa, vừa là điểm tựa tinh thần, vừa là nơi gửi gắm mong ước một năm mới thịnh vượng của người dân.
Thường cây nêu được làm từ những thân tre cao giữ nguyên thân và chút phần lá ở ngọn. Các đốt của cây tre nếu nồi ra sẽ được tán cho phẳng. Phần gốc sẽ được rắc vôi bột trắng hình cánh cung hướng ra bên ngoài nhà. Theo tìm hiểu, tùy vào mỗi vùng miền (xuôi hay ngược) thì sẽ có cách trang trí cây nêu khác nhau.
Bởi, cây nêu không đơn thuần là một cây tre dài được dựng lên cao, mà mỗi vật trang trí lên cây nêu đều mang một ý nghĩa nhất định, mang một ý nghĩa biểu tượng cho vùng miền, nếu không phải bảo vệ bình an thì cũng là cầu may mắn, sung túc. Chẳng hạn như cái khánh biểu tượng cho những điều tốt lành. Lông gà biểu tượng cho bình an. Lá dứa để trừ tà hay tiền vàng mã cầu tài lộc.
Trong khảo cứu của mình, Trịnh Hoài Đức không đưa ra được tục dựng nêu, dưới thời vua Minh Mệnh, các Quan nội các cũng không đưa ra được. Một lần vua hỏi thị thần rằng: “Lễ dựng cây nêu trong buổi trừ tịch có nguồn gốc từ kinh điển nào?”. Quan Nội các Hà Tông Quyền có thưa là chỉ nghe tương truyền từ kinh nhà Phật chứ chưa rõ vì cớ gì. Lúc ấy, nhà vua mới nói: “Người xưa đặt ra lễ này với ý nghĩa rằng cây nêu là tiêu biểu cho năm mới. Thế thì lễ là do nghĩa mà sinh ra đó thôi”.
Tại sao lại dựng cây nêu vào dịp Tết Nguyên đán?
Theo phong tục xưa, cây nêu thường được người Việt ta dựng vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (tức ngày ông Công ông Táo). Dân gian quan niệm rằng, khi những vì thần bảo hộ gia đình đi vắng thì cây nêu được dựng lên để xua đuổi ma quỷ, trừ tà dữ, bảo vệ bình an cho gia đình.
Đối với một số người dân tộc thiểu số thì có khác, người Mường dựng cây nêu vào ngày 27, 28 tháng Chạp, còn người Mông thường dựng vào ngày 25 hoặc 27 tháng Chạp. Ở các vùng dân tộc này cây nêu thường gắn liền với một số lễ hội truyền thống của bản làng. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, cây nêu sẽ được hạ xuống, đó được gọi là ngày Khai hạ.
Mỗi phong tục xưa trong Tết cổ truyền đều mang những ý nghĩa đẹp, xua rủi lấy may. Cũng như tiếng pháo đêm Giao thừa, cây nêu là biểu tượng cho những điềm xui trong năm cũ được xoá bỏ và mong ước những điều lành đến nhiều hơn trong năm mới.
Cây nêu còn được gọi là cây Thiên – Địa – Nhân, kết nối Đất vời Trời và nguyện ước của con người. Trên mỗi ngọn nêu được treo các linh vật hoặc phẩm vật khác nhau để thể hiện nguyện ước của con người có thể chạm tới Thần linh.
Nhiều năm trở lại đây, Làng văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội hay Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế cũng đã tổ chức tái hiện phong tục dựng cây nêu (lễ Thướng tiêu) thu hút nhiều du khách và người dân đến tham dự.
Bởi, cây nêu được dựng trong Tết nay chủ yếu là lời cầu chú cho những điều tốt lành trong năm mới. Và đây cũng là một hoài niệm đẹp về phong tục xưa trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Đình Trung – Ngô Thúy Hằng