Tiểu học và THCS thì nên cấm
‘ Theo quan điểm của tôi, việc cấm hay không cần phải ứng xử linh hoạt, phù hợp đối tượng và đặc thù dạy và học riêng của từng trường. Chẳng hạn, với cấp tiểu học và THCS thì nên cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường. Còn với học sinh THPT thì không nên. Điều quan trọng là nhà trường phải siết chặt khâu quản lý. Nếu làm được, việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường sẽ có nhiều cái lợi.
Trước nhất là học sinh có được phương tiện liên lạc, học tập, giải trí, tương tác thường xuyên. Bên cạnh sách giáo khoa và tài liệu, trong mỗi tiết học, nhiều thầy cô hiện nay còn yêu cầu học sinh truy cập kiến thức trực tiếp bằng các phương tiện như máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh… Điều này giúp học sinh dễ dàng truy cập kiến thức, vận dụng, liên hệ thực tiễn, tiết học sẽ sinh động, đỡ nhàm chán hơn.
Hiện nay việc dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến được nhiều địa phương chú ý. Chẳng hạn, tại TP.HCM, ngay từ đầu năm học Sở GD-ĐT yêu cầu các trường phải có kế hoạch dạy học, kiểm tra trên nền tảng các phần mềm dạy học trực tuyến trong kế hoạch năm học của mình.
Trong Chương trình GDPT 2018, thầy và trò tự chọn văn bản, ngữ liệu… nên cần trang bị thêm phương tiện công nghệ số vào học tập.
Nếu nói học sinh lạm dụng, ảnh hưởng cái xấu từ mạng xã hội rồi xao nhãng việc học khi dùng điện thoại di động trong trường thì không sai nhưng chưa đủ. Vì nếu tiêu cực, thì học sinh dùng điện thoại ở ngoài nhà trường cũng có thể bị vậy. Cho nên, nhiều khi, cho học sinh mang điện thoại đến trường, và có sự quản lý tốt của nhà trường cũng là cách giúp các em hình thành thói quen tương tác lành mạnh”. (Ngọc Tuấn, giáo viên tại TP.HCM).
Đừng sợ quản lý không được mà cấm
Thứ nhất, điện thoại là một phương tiện thông tin liên lạc nhiều tiện ích, phổ biến. Quan trọng hơn hết là kho dữ liệu trí thức vô tận của nhân loại được mở ra để chúng ta sử dụng, khai thác, ứng dụng vào đời sống, việc làm, học tập…
Thứ hai, điện thoại không phải là vật dụng nguy hiểm, nó chỉ nguy hiểm khi con người không biết sử dụng nó vào mục đích tốt đẹp.
Anh: Kiên quyết cấm học sinh dùng điện thoại trong trường
Như vậy, việc Bộ GD-ĐT cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học phục vụ việc học là một tất yếu khách quan.
Vì vậy, không nên và không thể cấm học sinh dùng điện thoại trong trường. Thay vì cấm đoán, cần có giải pháp, quy định hướng dẫn giáo dục học sinh sử dụng điện thoại sao cho đúng và hiệu quả. Vẫn có ý kiến phản đối việc đem và sử dụng điện thoại trong giờ học, trường học vì chúng ta sợ không kiểm soát được việc sử dụng điện của học sinh trong giờ học là có đúng mục đích nội dung học tập hay không.
Nói cách khác, thầy cô lo không quản lý được các em khi cho phép sử dụng điện thoại di động trong giờ học, có thể lợi dụng để ghi âm, quay phim, chụp mình, xem phim… rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội.
Theo cá nhân tôi, khi cho học sinh được đem và sử dụng điện thoại di động trong giờ học cần phải thực hiện một số quy định sau: Trước hết, thầy cô cần xác định rõ, nội dung bài học có cần sử dụng điện thoại không, từ đó tránh việc lạm dụng điện thoại của học sinh trong giờ học.
Khi sử dụng điện thoại nên tổ chức theo phương pháp thảo luận nhóm để giáo viên dễ dàng kiểm soát việc sử dụng của các em hơn. Tránh cho học sinh sử dụng điện thoại di động một cách tràn lan và cũng không yêu cầu tất cả học sinh đều phải có điện thoại di động.
Ngoài ra, khi thảo luận nhóm cần sử dụng điện thoại di động, giáo viên phải quy định thời gian cụ thể, ví dụ, 5 hay 7 phút… nhằm hạn chế được học sinh sử dụng điện thoại di động quá nhiều, sai mục đích. Nên có quy chế sử dụng điện thoại di động trong giờ học một cách cụ thể, nếu học sinh nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Học sinh nào thực hiện đúng được khen. (Nguyễn Văn Lực, giáo viên lịch sử, Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa).
Gia đình cần giáo dục cho con
Với tôi, việc ứng dụng điện thoại di động vào hoạt động dạy học mang lại cảm giác mới mẻ, kích thích sự sáng tạo của học sinh khi người giáo viên biết định hướng để phát huy hiệu quả thiết bị công nghệ này.
Là một giáo viên tiếng Anh, tôi khuyến khích học trò mình cài những ứng dụng tự điển offline hay online để dễ dàng trong việc tra cứu từ vựng, luyện phát âm … Trong các dự án học tập, học sinh được phép sử dụng điện thoại để quay phim, chụp ảnh cho các bài thuyết trình. Để tương tác với giáo viên hay các bạn của mình, học sinh được phép chia sẻ thông tin hay hợp tác để làm việc theo nhóm. Có đôi khi, các em làm bài kiểm tra trắc nghiệm được thiết kế với những phần mềm soạn đề mà giáo viên ứng dụng vào việc dạy học.
Theo tôi, ở gia đình, cha mẹ học sinh cũng phải có trách nhiệm giúp học sinh biết được thuận lợi và tác hại của những thiết bị công nghệ, trong đó có điện thoại di động.
Cần quy định cụ thể cho con thời gian được phép dùng điện thoại di động, vào mạng xã hội, phân bổ thời gian hợp lý giữa việc học tập, lao động, nghỉ ngơi. Cũng cần dạy các con thực hiện việc chia sẻ thông tin có trách nhiệm, biết kiểm chứng, thẩm định thông tin trên mạng.
Điện thoại di động là một thiết bị công nghệ hỗ trợ cho công việc của giáo viên cũng như nhu cầu học tập của học sinh. Điều quan trọng là người thầy và các bậc cha mẹ phải định hướng cho trẻ làm thế nào để sử dụng đúng lúc, đúng nơi và đúng chất. (Lê Tấn Thời, giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, H.Chợ Mới, An Giang).