Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 9/7 cho rằng, Berlin không chặn Mỹ gửi bom chùm đến Ukraine song kiên quyết phản đối việc sử dụng loại vũ khí gây tranh cãi này.
Bom chùm, vũ khí sát thương gây tranh cãi hiện bị hơn 120 quốc gia cấm sử dụng và tàng trữ. (Nguồn: Militarnyi) |
Trong buổi phỏng vấn truyền thông hôm 9/7, Tổng thống Steinmeier nhận định: “Lập trường của Đức chống lại việc sử dụng bom chùm là đúng. Tuy nhiên trong tình hình hiện tại, chúng tôi không thể ngăn chặn Mỹ làm việc này”.
Theo ông Steinmeier, nếu không còn phương tiện để tự vệ, hoặc bị các nước vẫn luôn ủng hộ “quay lưng”, Ukraine sẽ thất bại trong cuộc xung đột với Nga.
Trong khi đó, cựu Đô đốc James Staviridis, nguyên Tư lệnh quân đồng minh châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, quyết định gửi bom chùm đến Ukraine của Tổng thống Joe Biden là “động thái khôn ngoan”.
Theo đó, ông Staviridis kêu gọi chính quyền Mỹ tiếp tục xu hướng này và cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev.
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine cho biết, bom chùm sẽ “đóng góp lớn” vào việc đẩy tiến độ chiến dịch phản công của nước này.
Ngày 7/7 vừa qua, Nhà Trắng đã thông báo gói viện trợ mới cho Ukraine trị giá 800 triệu USD, nâng tổng viện trợ quân sự mà Washington dành cho Kiev lên hơn 40 tỷ USD kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.
Đáng chú ý, gói viện trợ lần này có bom chùm, đánh dấu một ngưỡng mới trong các loại vũ khí cung cấp cho nước này.
Theo Tổng thống Biden, Mỹ đã đưa ra quyết định “khó khăn” này sau khi đã trao đổi với các đồng minh, do Ukraine đang “cạn đạn dược”.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington vẫn sẽ tiến hành việc này ngay cả khi Liên hợp quốc phản đối.
Ông Sullivan cũng khẳng định, Nga đã sử dụng bom chùm từ đầu cuộc xung đột này, đồng thời nhấn mạnh Ukraine đã đảm bảo với Mỹ bằng văn bản rằng những vũ khí đó sẽ được sử dụng theo cách thức giảm thiểu rủi ro cho dân thường.
Thông báo của Washington đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các tổ chức phi chính phủ, khiến một số nước châu Âu rơi vào thế khó xử do khả năng phát tán rộng và nguy cơ gây ra nhiều thương vong cho dân thường của loại vũ khí gây nhiều tranh cãi này.
Ngay cả trong nước, một số nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và các tổ chức nhân quyền tại Mỹ đã cùng ký lá thư phản đối, cho rằng việc này vi phạm các nguyên tắc đạo đức và liên hệ tới “những nỗi đau mà người dân tại Đông Nam Á phải hứng chịu trong lịch sử và không cho phép Mỹ lặp lại sai lầm đó”.
Bom chùm – được thiết kế để phát tán số lượng lớn bom, đạn “con” trên phạm vi rộng – đã bị nhiều quốc gia cấm sử dụng do nguy cơ lượng bom chưa kích nổ gây thương vong cho dân thường.
Năm 2008, 123 quốc gia đã ký Công ước Oslo 2008 – công ước quốc tế cấm sản xuất, tàng trữ, buôn bán và sử dụng loại vũ khí này. Tuy nhiên, Mỹ, Nga và Ukraine đều không tham gia ký kết.
Hôm 9/7, Anh, Canada, New Zealand, Tây Ban Nha đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine và sử dụng loại bom này. Cùng ngày, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nêu rõ: “Theo các giá trị chung của NATO, Italy hy vọng các nguyên tắc trong Công ước này sẽ được áp dụng trên toàn cầu”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, quyết định này của Mỹ là “hành động thể hiện sự bế tắc”, và là bằng chứng cho thấy “sự thất bại của chiến dịch phản công của Ukraine”.