Với 375 phiếu ủng hộ và 263 phiếu chống, Quốc hội Đức đã nhất trí kéo dài sứ mệnh quân sự của nước này tại Mali thêm một năm đến tháng 5/2024.
Binh sỹ Đức thuộc Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc tuần tra tại Gao, Mali ngày 2/8/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 26/5, với 375 phiếu ủng hộ và 263 phiếu chống, Quốc hội Đức đã nhất trí kéo dài sứ mệnh quân sự của nước này tại Mali thêm một năm đến tháng 5/2024.
Tháng 11/2022, Chính phủ Đức thông báo có thể rút hết quân đội nước này tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, quyết định và thời điểm rút khỏi MINUSMA đã gây ra căng thẳng trong nội bộ liên minh cầm quyền của Đức.
Hiện Berlin triển khai khoảng 1.000 binh sỹ ở Mali, phần lớn đóng ở gần thị trấn Gao ở miền Bắc, nơi nhiệm vụ chính của họ là thu thập thông tin trinh sát cho MINUSMA.
Quân đội Đức đã có mặt tại Mali từ năm 2013 trong khuôn khổ sứ mệnh MINUSMA. Sứ mệnh kéo dài 10 năm của Đức tại đây là hỗ trợ quốc gia này chống lại các nhóm thánh chiến gây ra mối đe dọa ngày càng tăng ở Sahel.
Sự hiện diện của binh sỹ Đức một phần nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt của binh lính Pháp sau khi nước này rút quân về nước vào đầu năm 2022.
Nằm ở khu vực Tây Phi, Mali đã phải đối mặt với lực lượng Hồi giáo cực đoan hoạt động mạnh tại miền Bắc trong suốt thập niên qua.
Các lực lượng phiến quân có liên kết với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm một vùng lãnh thổ đáng kể, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.
Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, quốc gia này đã trải qua hai cuộc chính biến do quân đội thực hiện, khiến tình hình càng thêm phức tạp./.