Các địa phương, chủ rừng ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang tập trung cao phòng cháy, chữa cháy rừng trong điều kiện nắng nóng gay gắt.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đức Thọ tổ chức tuần tra tại các khu vực rừng nhiều cây bụi, dễ cháy, gần khu dân cư.
Những ngày qua, thời tiết nắng nóng khiến các khu vực rừng nhiều cây bụi, thảm thực bì dày trên địa bàn huyện Đức Thọ có thể phát lửa bất cứ lúc nào. Thời điểm này, các địa phương, chủ rừng đang huy động lực lượng ra quân phát đường băng cản lửa, phát quang bụi rậm, thu gom thực bì; bố trí lực lượng tại chỗ, tổ chức canh gác nghiêm ngặt, tuần tra bảo vệ rừng, đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ phòng chống cháy rừng.
Các chủ rừng ở xã Đức Lạng tập trung phát dọn thực bì, vật liệu dễ cháy tại các khu rừng keo của gia đình quản lý và khai thác.
Gia đình anh Nguyễn Thế Anh (thôn Tân Quang, xã Đức Lạng) được nhận giao đất, giao rừng từ hơn 15 năm nay. Hiện, anh đang trồng và quản lý trên 10 ha rừng, chủ yếu là cây keo từ 3 – 5 tuổi.
Anh Nguyễn Thế Anh cho biết: “Số diện tích đất rừng được Nhà nước giao tôi trồng keo nên mang lại thu nhập khá ổn định. Rừng là tài sản quý, mang lại thu nhập cho gia đình nên tôi luôn có ý thức trong việc quản lý và bảo vệ, nhất là vào mùa hanh khô ”.
Nông trường Cao su Đức Thọ tổ chức ra quân phát dọn thực bì tại các diện tích rừng và đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý.
Nông trường Cao su Đức Thọ (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê) hiện đang quản lý gần 850 ha rừng cao su, keo và rừng tự nhiên, phủ rộng tại 8 xã.
Để phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nhân lực, phương tiện sẵn sàng bảo vệ tốt diện tích rừng được giao. Đặc biệt, công tác PCCCR ở những vùng trọng điểm, dễ cháy được đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tập trung cao.
Ông Phan Xuân Hải – Giám đốc Nông trường Cao su Đức Thọ cho biết: “Đơn vị đã chủ động các giải pháp phòng chống cháy rừng như gắn gần 50 biển cấm lửa ở các bìa rừng, khu vực có nguy cơ dễ cháy; xây dựng 2 biển tường tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; phát dọn 14 km đường băng cản lửa, 300 ha thảm thực bì…”.
Các địa phương chủ động phối hợp với lực lượng kiểm lâm phát đường băng cản lửa.
Ở Đức Thọ, xã Tân Hương là địa phương có diện tích rừng lớn nhất huyện với 1.200 ha. Đây cũng là địa bàn trọng điểm và dễ xảy ra cháy rừng nên công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng những ngày này luôn được chính quyền xã Tân Hương tập trung chỉ đạo.
Ông Trần Văn Lượng – Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: “Trong thời điểm nắng nóng, địa phương đã bố trí, sắp xếp lực lượng trực phòng cháy 24/24h; nghiêm cấm mọi hoạt động đưa lửa vào rừng, đốt lửa, sử dụng lửa trong rừng và ven rừng trong suốt thời gian nắng nóng, hanh khô; tổ chức ký cam kết với các hộ dân sống gần rừng. Cùng với đó, địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở trên hệ thống loa phát thanh của xã, thành lập lực lượng xung kích gồm 50 người, bố trí đủ phương tiện chữa cháy (dao, cưa xăng, máy thổi, đèn pin) thông tin, phối hợp với các chủ rừng… sẵn sàng trong mọi tình huống”.
Biển tường nhắc nhở, cảnh báo người dân tại xã Tân Hương
Đức Thọ hiện có gần 3.200 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có gần 2.300 ha rừng trồng, (chủ yếu là rừng cao su, keo và bạch đàn). Hiện tại, huyện Đức Thọ đã giao gần 90% rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý.
Để ứng phó với nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện, chủ rừng, các địa phương đã rà soát khoanh vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy, nhất là tại các xã như: Tân Hương, Đức Lạng, Đức Đồng, An Dũng…. Cùng đó, lực lượng kiểm lâm tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và chủ rừng lên phương án BVR – PCCCR cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, vị trí, loại rừng với mục tiêu không để xảy ra cháy rừng diện rộng và bất ngờ.
Hạt Kiểm lâm huyện Đức Thọ lắp đặt biển cấm lửa tại các cửa rừng, bìa rừng
Đến nay, huyện đã thành lập 10 ban chỉ đạo PCCCR gồm 174 người, 25 tổ xung kích chữa cháy rừng (tổng số 430 người); xây dựng kế hoạch tổ chức, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và ký cam kết cho gần 1.300 hộ dân sống ở gần rừng ở 31 thôn và 4.700 em học sinh tại 14 trường học.
Huyện cũng điều chỉnh bổ sung phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với tình hình địa phương; tu sửa và lắp đặt mới hơn 200 biển tường, biển cấm lửa, biển cấp dự báo cháy rừng tại các cửa rừng, bìa rừng có nhiều người qua lại; xây dựng 5 km đường băng cản lửa, phát dọn 300 ha thực bì…
Lực lượng chức năng tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR cho học sinh Trường Tiểu học Tân Hương.
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện cũng cập nhật hằng ngày các bản tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên hệ thống truyền thanh các xã và chương trình phát thanh của Trung tâm VH-TT huyện; phân công cán bộ phụ trách địa bàn, phối hợp với các xã, các chủ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra ở tất cả các cánh rừng để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các điểm phát lửa.
Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện và các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch BVR – PCCCR sát thực tiễn, khả thi. Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền, ký cam kết cho các hộ dân, chúng tôi đã chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các chủ rừng bảo vệ rừng tại gốc, lấy “phòng” làm chính, sẵn sàng “4 tại chỗ” để chữa cháy cũng như chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác để có sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả hơn.
Ông Đinh Đức Lộc – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Thọ
Đức Phú.
Đức Phú.