Đức công bố chiến lược ứng phó Trung Quốc, phù hợp với mục tiêu đã thống nhất trước đó với EU nhằm củng cố an ninh kinh tế trong nước và khu vực. Đã đến lúc các quốc gia châu Âu nhận ra rằng, an ninh kinh tế phải bắt đầu từ trong nước.
Đức ‘nổ phát súng đầu tiên’, EU tỉnh giấc, tìm ra cách chơi đẹp với Trung Quốc. Ảnh minh họa. (Nguồn: aspistrategist.org) |
Chính phủ Đức, ngày 13/7, công bố chiến lược mới về Trung Quốc, nêu rõ các biện pháp ứng phó Bắc Kinh trong thời gian tới, như kiểm soát đầu tư trong lĩnh vực công nghệ hiện đại với ứng dụng quân sự.
Không tách rời, chỉ là giảm bớt phụ thuộc
“Mục tiêu của chúng tôi không phải là tách rời, mà muốn giảm bớt những sự phụ thuộc quan trọng trong tương lai”, trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định.
Như vậy, Nội các Đức đã phê chuẩn chiến lược trên sau nhiều tháng tranh luận trong chính quyền liên minh gồm 3 đảng do Thủ tướng Olaf Scholz dẫn đầu. Về khía cạnh kinh tế, chiến lược mới đưa ra các đề xuất nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của những ngành then chốt vào Trung Quốc, phù hợp với mục tiêu đã thống nhất trước đó với Liên minh châu Âu (EU).
Trên thực tế, với kim ngạch thương mại gần 300 tỷ Euro (gần 8 triệu tỷ đồng) vào năm 2022 (tăng 21% so với năm 2021), Trung Quốc có vẻ khá vững chân là thị trường quan trọng của các công ty hàng đầu Đức. Tuy nhiên, trong tài liệu chiến lược dài 64 trang, chính phủ Đức nhấn mạnh, do “Trung Quốc đã thay đổi. Vì thế chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận đối với quốc gia này”.
Sau khi Đức công bố tài liệu chiến lược mới, Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin khẳng định Bắc Kinh là đối tác của Đức để giải quyết những thách thức chứ không phải là đối thủ.
Còn giới phân tích bình luận rằng, cuối cùng châu Âu đã nhận ra, an ninh kinh tế phải bắt đầu từ chính trong nước. Sẽ dễ dàng hơn để giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc nếu người châu Âu có thể xây dựng một thị trường nội địa vững mạnh.
Trên thực tế, EU bị đánh giá đang tụt lại phía sau Bắc Mỹ và châu Á. Điều này không chỉ mang đến những rủi ro về an ninh, mà còn cản trở nền kinh tế của khối này. Dữ liệu từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy, châu Âu đang đi sau Mỹ và Trung Quốc trong khả năng thúc đẩy đổi mới.
Để trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu, có khả năng cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc, cũng như thu hẹp khoảng cách với hai siêu cường trên, EU phải thực hiện các biện pháp đổi mới mạnh mẽ về công nghệ trên quy mô lớn. Theo đó, khu vực này cần phải có biện pháp thúc đẩy các trung tâm sản xuất và công nghệ, cũng như cần có số lượng công ty lớn hơn rất nhiều so với hiện nay để bảo đảm khả năng cạnh tranh.
Châu Âu đã tỉnh giấc
Giới phân tích bình luận rằng, từ các vấn đề cá nhân, đến sự bền vững của một doanh nghiệp, quyền tự do hành động đều đòi hỏi sự vững mạnh về kinh tế. Điều tương tự cũng áp dụng cho các quốc gia, tăng trưởng mạnh và năng suất là điều kiện cần, nếu chưa đủ tự tin về khả năng tự quyết.
Do đó, thật tốt khi nhận thức này được nêu bật trong Chiến lược An ninh kinh tế mới do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất. Đặt nền móng cho việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các thành viên EU và làm sâu sắc thêm thị trường chung – là ưu tiên hàng đầu cho an ninh kinh tế.
Cũng có ý kiến cho rằng, Chiến lược An ninh kinh tế mới có thể chỉ là nguyên tắc có liên quan để dung hòa các ưu tiên trong mâu thuẫn về chính trị và lợi ích của doanh nghiệp. EC thừa nhận, một chiến lược an ninh kinh tế hiệu quả thì khu vực doanh nghiệp phải được hưởng lợi và nhận được sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên.
Dù chưa có gì rõ ràng ở thời điểm hiện nay, nhưng Bắc Kinh bị cho là nhân tố ẩn danh phía sau mỗi rủi ro an ninh kinh tế mà Brussels xác định được. Điều đó khiến các quyết định do EC đề xuất nhằm bảo vệ lợi ích khu vực thường xung đột với các chiến lược thương mại của nhiều công ty châu Âu.
Tuy nhiên, đối với EU, mối nguy hiểm không chỉ là sự phụ thuộc quá nhiều, mà còn là nỗi sợ bị rớt lại phía sau đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc và thua Trung Quốc, Mỹ trên thị trường toàn cầu. Từ quan điểm này, việc “ngăn chặn” những vướng mắc kinh tế với Trung Quốc sẽ đi đôi với “cái giá phải trả” là tăng thêm rủi ro cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Mâu thuẫn trên rất khó giải quyết và kết quả là chính sách của EU sẽ vẫn còn bối rối và thiếu quyết đoán — không theo kịp những thành tựu của Trung Quốc và Mỹ, khiến người châu Âu lo lắng.
Trong khi các doanh nghiệp châu Âu bị ám ảnh về thị trường xuất khẩu, thì những thành công gần đây của các đối thủ của họ bắt nguồn từ chính việc ưu tiên nhu cầu trong nước.
Chẳng hạn, sức mạnh của Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Mỹ Joe Biden không đến từ sự phân biệt đối xử với hàng nhập khẩu, mà từ thành công của nó trong việc khiến người dân kỳ vọng vào một thị trường tương lai khổng lồ và có lợi cho phát triển công nghệ xanh ở Mỹ, nơi họ được hưởng lợi.
Như Bộ Tài chính Mỹ nhận định, sự bùng nổ trong việc xây dựng nhà máy của Mỹ kể từ khi các đạo luật về chính sách công nghiệp chính của Tổng thống Biden được thông qua là chưa từng có và không có đối thủ. Các đạo luật đã góp phần tạo nên làn sóng xây dựng quy mô lớn. Chắc chắn, một thị trường như vậy sẽ luôn yêu cầu mở rộng quy mô nguồn cung địa phương.
Còn với Trung Quốc, chiến lược tăng trưởng của nước này từ lâu đã dựa vào xuất khẩu, sử dụng quy mô hiệu quả về chi phí để cạnh tranh về giá trên thị trường toàn cầu và dần nâng cao chuỗi giá trị.
Tuy vậy, trước khi Bắc Kinh chính thức hóa học thuyết “lưu thông kép” (thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đồng thời thúc đẩy đầu tư nước ngoài, tăng sản xuất để xuất khẩu), nước này đã tận dụng thị trường nội địa như một động lực tăng trưởng cho các lĩnh vực quan trọng như xe điện – nơi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dẫn đầu về công nghệ và doanh số bán hàng nội địa.
Trở lại những năm 2000 để xem xét lý do châu Âu đã đánh mất vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất quang điện (PV) như thế nào?
Giai đoạn đầu tiên của quá trình đó không có gì đáng chú ý. Việc các chính phủ trợ cấp cho người tiêu dùng đã đẩy nhanh việc lắp đặt PV ở châu Âu, nhưng sau đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tới và trả giá tốt hơn các nhà sản xuất châu Âu.
Đến giai đoạn thứ hai, khi các chính phủ EU cắt giảm trợ cấp và áp thuế đối với hàng nhập khẩu PV của Trung Quốc, tăng trưởng năng lượng Mặt trời của châu Âu đã đi ngang. Kể từ đó, Trung Quốc đã bắt kịp xu thế và nhanh chóng vượt qua châu Âu về lắp đặt năng lượng Mặt trời vào khoảng năm 2013. Đến năm 2020, Trung Quốc đã lắp đặt được 253 Gigawatt công suất năng lượng Mặt trời, cao hơn 50% so với mức của châu Âu.
Vào thời điểm đó, thị trường có dự báo về tình trạng cung vượt quá cầu. Tuy nhiên, nếu châu Âu vẫn duy trì chiến lược tăng tỷ lệ lắp đặt PV thay vì “buông bỏ”, dù việc này mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, nhưng nó cũng sẽ tạo ra một thị trường đủ lớn để các nhà sản xuất châu Âu thành công trở lại, giống như cách Bắc Kinh đã làm với các nhà sản xuất Trung Quốc.
Ngày nay, châu Âu có nguy cơ lặp lại chính sai lầm đó trong các lĩnh vực công nghệ xanh. Những quy định mới, từ lệnh cấm động cơ đốt trong trong tương lai đến việc thắt chặt quy tắc xuất xứ đối với pin, chỉ làm thu hẹp quy mô dự kiến của thị trường nội địa đối với hàng hóa và dịch vụ công nghệ xanh. Từ đó, khả năng cung cấp của chính các nhà cung cấp nội địa đương nhiên chậm lại.
Người châu Âu thực sự đã rất giỏi trong việc tạo ra những thị trường mới. Đó là lý do tại sao EU vẫn dẫn đầu về xuất khẩu trong một số ngành công nghệ xanh. Vì vậy, không nên quên rằng, quy định định hình thị trường tích cực chính là gốc rễ của thành công. Quy mô thị trường nội địa sẽ không làm tăng hay giảm ảnh hưởng của châu Âu đối với việc định hình thị trường thế giới và thiết lập tiêu chuẩn ở nước ngoài, như Chiến lược của EC đã lưu ý.
Tăng gấp đôi việc thúc đẩy nhu cầu công nghệ xanh trong nước là con đường hướng tới an ninh kinh tế của châu Âu. Các công ty nội địa đủ tự tin rằng, họ có thể thu được lợi nhuận từ việc đầu tư vào sự tăng trưởng của thị trường trong nước, giảm phụ thuộc của châu Âu vào sự lựa chọn có tính chính trị ở nơi khác.
Có thể kết luận rằng, giống như chính trị, an ninh kinh tế phải bắt đầu từ trong nước.