Đức Long Gia Lai (DLG) và kết quả thua lỗ kỷ lục 1.197,2 tỷ đồng trong năm 2022
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) có tiền thân là Xí nghiệp tư doanh Đức Long, được thành lập từ năm 1995. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản, năng lượng và sản xuất linh kiện điện tử.
Hoạt động kinh doanh của Đức Long Gia Lai trong hơn 1 năm trở lại đây gắn liền với 2 từ thua lỗ.
Trong Quý 2/2022, đơn vị này dù đạt doanh thu 375,4 tỷ đồng nhưng ghi nhận lỗ sau thuế tới 309 tỷ đồng. Tại Quý 3/2022, số lỗ đã giảm xuống chỉ còn 19,2 tỷ đồng nhưng lại tiếp tục leo thang lên tới 504,5 tỷ đồng trong Quý 4.
Hai khoản lỗ ghi nhận trong Quý 2 và Quý 4 đã khiến năm 2022 trở thành năm thua lỗ nặng nề nhất của DLG kể từ sau 10 năm niêm yết trên sàn chứng khoán. Luỹ kế cả năm 2022, công ty đạt doanh thu 1.347,9 tỷ nhưng lỗ sau thuế tới 1.197,2 tỷ đồng.
Trước đó, ‘kỷ lục’ thua lỗ mà công ty ghi nhận là vào năm 2020 với lỗ sau thuế 929,8 tỷ đồng. Nguyên nhân gây nên những khoản lỗ kỷ lục hàng trăm tỷ đồng trong Quý 4 của Đức Long Gia Lai đến từ việc đơn vị này phải ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biết lên 492 tỷ đồng. Chủ yếu là do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi quá hạn theo quy định của nhà nước.
Thoát lỗ Quý 2/2023 nhưng cổ phiếu vẫn rẻ như ‘rau’
Tuy phải trải qua năm 2022 không mấy suôn sẻ nhưng kết quả kinh doanh Quý 1 và Quý 2/2023 của DLG đã có đôi chút cải thiện.
Cụ thể thì công ty đã ghi nhận doanh thu Quý 1 đạt 222,7 tỷ đồng, tăng lên 288,8 tỷ đồng trong Quý 2/2023. Lợi nhuận sau thuế cũng đã được cải thiện từ mức thua lỗ hàng trăm tỷ đồng lên lãi 6,9 tỷ trong Quý 1 và lãi sau thuế 28,5 tỷ đồng trong Quý 2/2023.
Về cơ cấu tài sản, công ty ghi nhận tổng tài sản đạt 5.736,8 tỷ đồng tại cuối Quý 2, giảm 2,8% so với đầu kỳ. Trong đó nợ phải trả chiếm tỷ trọng tương đối lớn, lên tới 4.593,8 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 80% tổng nguồn vốn.
So với thời điểm đầu năm, vốn chủ sở hữu của công ty bị bào mòn đi gần 260 tỷ đồng, giảm xuống chỉ còn 1.143 tỷ đồng.
Điều đáng nói đó là mặc dù kết quả kinh doanh có nhiều cải thiện, đã thoát lỗ trong Quý 2 nhưng cổ phiếu DLG vẫn chỉ được giao dịch ở vùng giá thấp quanh ngưỡng 3.000 đồng/cổ phiếu, gần như không tăng trưởng so với cách đây 1 năm. Thậm chí vào ngày 7/11/2022, cổ phiếu DLG còn từng chạm đáy ở mức 1.660 đồng/cổ phiếu.
Tại phiên giao dịch ngày 5/9/2023, mã DLG đang được giao dịch ở mức giá 3.000 đồng/cổ phiếu và vẫn đang nằm trong diện cổ phiếu bị cảnh báo.
DLG bị đối tác yêu cầu mở thủ tục phá sản
Theo một công bố mới đây, Đức Long Gia Lai cho biết Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong đó, bên gửi đơn yêu cầu là CTCP Lilama 45.3, trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi.
Sau khi tiếp nhận đơn vào ngày 24/7/2023, Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai đã gửi thông báo tới Đức Long Gia Lai và yêu cầu trong 30 ngày phải gửi ý kiến phản hồi cho toà án đi kèm với việc xuất trình các tài liệu theo yêu cầu quy định.
Về yêu cầu của CTCP Lilama 45.3 về việc mở thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai cho biết công ty đang gặp phải tình trạng khó khăn tài chính. Khoản nợ của Lilama 45.3 là khoảng 20 tỷ đồng, rất nhỏ so với tổng tài sản hiện tại của công ty.
Nếu nhìn vào con số ghi nhận trên sổ sách của công ty có thể thấy DLG đang nắm giữ tổng tài sản lên tới 5.736 tỷ đồng vào cuối Quý 2/2023. Nhưng 80% trong đó là nợ phải trả. Chưa kể đến giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán hiện tại của DLG chỉ còn ghi nhận ở mức 897,9 tỷ đồng trong cuối phiên giao dịch ngày 5/9/2023.